Phóng sự - Ký sự

“Kỳ án” thùng nước đá ở Đồng Nai

15:24 | 06/05/2016

Chia sẻ

QHNN Chuyện Chi cục Thi hành án huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đang tiến hành hoàn tất thủ tục để cưỡng chế thùng đựng nước đá được xây bằng gạch có diện tích 0,6m2 trong một vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất gây chú ý của dư luận thời gian qua. Vụ án này đang được coi là một “kỳ án”, không phải vì sự phức tạp, mà vì người dân thấy “hiếu kỳ” với cách phán quyết của tòa án...

Tòa án liệu đã công bằng?
Ông Nguyễn Anh – Sinh năm 1944 trú tại số 31, ấp Bình Phước, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai cho biết: “Án sơ thẩm của TAND huyện Vĩnh Cửu và án phúc thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai đều phán quyết có lợi cho bị đơn, trong khi họ lấn chiếm đất của tôi thì được đền tiền, còn cái thùng đựng nước đá của tôi có từ thời cha ông để lại thì buộc phải đập bỏ”.
Theo tìm hiểu của Phóng  viên, ngày 02/3/2014 gia đình bà Bùi Thị Tình (hàng xóm với ông Nguyễn Anh) khởi công xây nhà. Trong quá trình xây dựng, gia đình ông Nguyễn Anh đã làm đơn lên xã Tân Bình để được yêu cầu dừng việc thi công vì ông cho rằng bà Tình đã lấn chiếm đất nhà ông. Sau khi có đơn, UBND xã Tân Bình đã có văn bản yêu cầu gia đình bà Tình dừng việc xây dựng để làm rõ. Tuy nhiên thay vì dừng thi công để các cơ quan làm rõ thì bà Tình vẫn tiếp tục xây dựng, đồng thời có đơn cam đoan nếu có sai, có lấn chiếm đất của gia đình ông Nguyễn Anh thì sẽ tự ý đập bỏ phần lấn chiếm để trả cho gia đình ông Anh.
Tại đơn gửi tới tòa soạn, ông Nguyễn Anh cho biết: “Trong quá trình xây dựng gia đình bà Tình đã có hành vị hủy hoại tài sản của gia đình ông, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, bằng cách cắt mái tôn, đập tường dựng cột ép sát nhà ông mà không nói gì với ông. Khi bà Tình xây dựng, ông có ra ngăn cản, nhưng gia đình bà Tình vẫn cố tình xây dựng lấn chiếm. Ông đã báo chính quyền địa phương yêu cầu tạm ngưng thi công, nhưng gia đình bà Tình vẫn cố tình xây dựng”.
Để bảo vệ quyền lợi của gia đình mình, ông Nguyễn Anh đã làm đơn khởi kiện bà Bùi Thị Tình ra TAND huyện Vĩnh Cửu về việc bà Tình lấn chiếm đất của gia đình ông. Trong quá trình xác mình thông tin, thu thập tài liệu cũng như tại thực địa bản đồ đo đạc và trích lục thửa đất số 1732 ngày 18/6/2014 do Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai – Chi nhánh Vĩnh Cửu đã tiến hành đo đạc thì diện tích xây dựng của bà Bùi Thị Tình đã lấn sang đất nhà ông Anh 0,4 m2 ở phía sau của lô đất. Vậy là việc khiếu nại của ông Anh là có cơ sở, đồng nghĩa với việc bà Tình phải đập bỏ phần xây dựng lấn chiếm để trả đất cho ông Anh là điều đương nhiên, đúng pháp luật.
Tại tòa án, ông Nguyễn Anh cũng yêu cầu gia đình bà Tình phải có trách nhiệm trả lại phần đất đã lấn chiếm cho ông, đây cũng là yêu cầu chính đáng cần phải được thực thi để bảo đám tính nghiêm minh của pháp luật. Nếu vụ án kết thúc tại đây, bà Tình trả lại đất đã lấn chiếm cho ông Anh thì có lẽ không ai gọi đây là một kỳ án.
Trong một diễn biến tiếp theo, bà Bùi Thị Tình phản tố vì cho rằng ông Nguyễn Anh đã lấn chiếm đất của mình. Cũng như bao vụ án khác, tòa án phải thu thập thông tin, hồ sơ, phần diện tích 0,6m2 ở phía trước (trước đây là thùng đựng đá lạnh, nay dùng để đồ vật của gia đình ông Nguyễn An) là phần diện tích ông Anh sử dụng nằm sang đất bà Tình!?).
Trước cách xác minh nguồn gốc đất như trên, ông Anh không đồng ý, đồng thời qua đơn thư gửi tới các cơ quan chức năng khiếu nại. Ông Anh khẳng định: “Đất này gia đình tôi đã sử dụng từ rất lâu, do cụ Phan Văn Hòa (là cha của ông) đã sử dụng khoảng 50 năm. Năm 1994, bà Tình đã tranh chấp phần đất này nhưng UBND xã Tân Bình đã xử cho gia đình tôi thắng kiện, được giải quyết bằng lời nói. Kể từ đó đến nay không tranh chấp với ai, do vậy nay bà Tình yêu cầu ông trả lại phần đất này gia đình tôi không đồng ý, vì phần diện tích đất này nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình tôi”.
Tuy nhiên tại phiên tòa sơ thẩm ngày 18/3/2015, Hội đồng xét xử đã xác định căn cứ vào nguồn gốc của hai thửa đất được các bên thừa nhận là hợp lệ, không tranh chấp gì về nguồn gốc, các bên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đồng ý với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hai bên cùng đề nghị tòa án căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bản đồ địa chính năm 2004 để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Hội đồng xét xử đã khẳng định: Xét lời trình bày của ông Nguyễn Anh về việc yêu cầu bà Bùi Thị Tình trả lại quyền sử dụng 0,4m2 đất là có cơ sở chấp nhận. Nhưng khi phán quyết Hội đồng xét xử lại tuyên buộc bà Bùi Thị Tình trả cho ông Nguyễn Anh bằng tiền với tổng giá trị là 3.200.000 đồng mà không yêu cầu bà Tình trả đất cho ông Nguyễn Anh, với lý do nếu như đập bỏ phần xây dựng để trả lại quyền sử dụng đất sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu căn nhà (!?).
Ngược lại phần diện tích đất 0,6m2 tranh chấp chỗ thùng nước đá, Hội đồng xét xử lại tuyên buộc ông Nguyễn Anh phải trả lại quyền sử dụng đất cho bà Bùi Thị Tình mà không được trả bằng tiền. Trước phán quyết này của tòa án dư luận người dân cho là không công bằng, tòa án chỉ xét xử có lợi cho một bên (cụ thể là bà Tình), bỏ qua lợi ích của người bị hại là không đúng với tinh thần khách quan, công minh của ngành tòa án và quy định của pháp luật.
Bởi lẽ, khi phát hiện gia đình bà Tình xây dựng lấn chiếm đất nhà mình, ông Anh và UBND xã Tân Bình đã yêu cầu bà Tình ngưng việc thi công. Nhưng bà Tình đã coi thường pháp luật, bất chấp lệnh đình chỉ thi công của cơ quan chức năng vẫn tiếp tục xây dựng. Bà đã có cam kết nếu có lấn chiếm thì sẽ tự đập bỏ phần xây dựng sai để trả lại đất cho gia đình ông Anh. Chưa nói đến chuyện pháp luật phải được thực thi nghiêm túc, chỉ nói chuyện lẽ thường tình thì lời nói và việc làm của bà Tình đã “Tiền hậu bất nhất” rồi. 
Phạm Tiến
Nguồn: QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn