Phóng sự - Ký sự

Tình người gửi về từ nơi đảo xa

16:38 | 03/09/2023

Chia sẻ

QHNNTừng đợt thuyền bè no tôm cá theo con sóng gửi vào đất liền những ngày này càng làm cho ngày tết độc lập thêm ý nghĩa.

Ngày Tết Độc lập ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) những ngày tháng 9 như ấm hơn bởi tình người trên đảo. Tình yêu biển đảo, yêu lao động, yêu đất nước của người dân đảo như thấm sâu vào mỗi tấc đất yêu thương. Từ đó, đã xây nên lớp lớp những ngư dân cần lao, bao đời bám biển. 

 Từ Cột cờ linh thiêng

Cột cờ Phú Quý là một trong 7 cột cờ chủ quyền được xây dựng trong khuôn khổ dự án xây dựng cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại các đảo tiền tiêu trải dọc đất nước, bao gồm: đảo Trần (Quảng Ninh), đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), đảo Hòn La (Quảng Bình), đảo Cù Lao Xanh (Bình Định), đảo Phú Quý (Bình Thuận), đảo Côn Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) và đảo Thổ Chu (Kiên Giang).

h1 (3)

Cột cờ ở đảo Phú Quý

Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Lê Quang Vinh cho biết, cột cờ là niềm tự hào của quân dân trên đảo. Ở đảo nhỏ xa xôi này, cột cờ là điểm khẳng định chủ quyền biển đảo, giúp tình quân dân, tình người trở nên gắn bó, gần gũi hơn bao giờ hết.

Đảo Phú Quý có diện tích khoảng 17km vuông, dân số trên 27.000 người, có 3 xã Tam Thanh, Long Hải và Ngũ Phụng. Đảo Phú Quý nằm cách thành phố Phan Thiết khoảng 120km về hướng Đông Nam. Dù đảo ngọc diện tích nhỏ, nhưng bao đời ngư dân cần cù bám biển, từ đó đã xây dựng nhiều tổ thuyền lớn khai thác hải sản vùng biển xa, gắn với việc bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

h2 (3)

Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý Lê Quang Vinh cho biết, cột cờ là niềm tự hào của quân dân trên đảo

Thiếu tá Nguyễn Quang Huynh, đồn trưởng Đồn Biên Phòng cửa khẩu cảng Phú Quý cho biết, với 3 xã đảo là Long Hải, Ngũ Phụng, Tam Thanh đang có khoảng 1657 tàu cá tham gia hoạt động, hình thành 80 tổ thuyền đoàn kết. Dù đời sống, thiên nhiên có khắc nghiệt, nhưng bao đời ngư dân ở đảo đều bám biển thân thiện, bà con cần cù, chịu khó, khai thác đánh bắt đúng tọa độ. Nhiều hộ khá giả, và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định để không khai thác vi phạm lãnh hải.

Đại dương nhiều bí ẩn

Theo tàu từ đất liền vào, phía xa đã thấy đảo nhô lên xanh tươi giữa lòng biển cả. Đường chính vào trung tâm hành chính của huyện đảo, được đi qua cung đường đẹp, sóng vỗ quanh năm, được che chắn bởi những hàng dương bốn mùa rì rào gió hát. Phía xa xa, là từng đoàn tàu “no” cá, rẽ sóng vào bờ. 

Anh Tạ Thanh Sang, ngư dân ở thôn Tân Hải, xã Long Hải tất bật thu xếp ngư cụ, rồi cầm giấy tờ lên Đồn Biên Phòng cửa khẩu cảng Phú Quý, tìm gặp các chiến sĩ biên phòng, hối hả làm thủ tục cho chuyến đi biển đánh bắt mực. Anh cho biết, đã gắn bó với ngư trường gần 20 năm nay. Hiện anh có 3 tàu đánh bắt cá. Bình quân 1 năm anh cùng gia đình đi biển khoảng 10 lần. Mỗi lần 25 ngày, thu hoạch 5-6 tấn mực, cá.

“Làm nghề đi biển bao năm, mỗi lần ra khơi là bấy nhiêu ngày thức trắng, trăn trở. Tự mình chống chọi với mưa gió, bão tố và đơn độc, có những lúc cảm giác cô đơn trên biển. Nhưng yêu nghề, yêu biển, nên càng khó khăn khốn khó bao nhiêu, chúng tôi quyết định cả gia đình 9 – 10 người bám đảo, bám biển chứ không đổi nghề”, anh Sang nói.

h4

Anh Tạ Thanh Sang đang làm thủ tục tại đồn Biên phòng Phú Quý, chuẩn bị đi biển dài ngày.

Chuẩn bị cho chuyến đi dài ngày lênh đênh trên biển cả, anh Thuận vừa sửa sang lại ngư cụ, vừa kiểm tra hệ thống chiếu sáng trên tàu, vui vẻ nói “đi biển, thấm vị mặn chát của biển, nhưng biển khơi luôn nhiều bí ẩn, rất đãi người cần cù. Do đó chúng tôi thường xuyên trúng những luồng cá lớn”.

h3 (1)

Anh Thuận chuẩn bị cho chuyến đi biển

Chỉ về chiếc thuyền lớn của gia đình đi phía trước, ngóng thuyền từ khi nó còn như cái nhà nổi trên biển, đến lúc ngày càng xa dần anh Nguyễn Thiên Ngọc, phấn khởi “đi biển nghe tin bão rất lo, ra gặp bão khổ lắm, gió rét căm căm, lạnh thấu xương. Nhưng đại dương luôn chứa nhiều bí ẩn, đi càng xa, càng khám phá mới tìm ra những ngư trường mới, những luồng cá, mực lớn để gửi vào bờ”.

Bao nhiêu năm theo con tàu lắc lư trên biển, cả nhà anh đã 3 đời theo nghề lặn biển và lưới cá. Anh nói, ra biển sợ nhất ban đêm, cô độc và buồn bã vì không gian như bức màn tối bí ẩn. Nhưng thấy những đơn hàng đặt từ đất liền tới tấp dặn hàng, cả nhà 8 người như có thêm nguồn lực để động viên nhau vượt qua. Đến nay các con của anh đều trưởng thành, có tiền ra riêng, xây nhà riêng và sống ổn định. “Được như thế này chúng tôi đều nhờ biển, nên yêu biển lắm” anh Ngọc nói.

h8

Ghe thuyền no cá tấp nập vào Cảng cá Bãi Phủ

Bình minh ở Cảng cá Bãi Phủ. Tầm 5 giờ sáng tiếng ghe thuyền tấp nập cập bến. Hàng trăm ghe no tôm cá, mực, nối đuôi nhau vào bờ. Giọng địa phương rặc sệt, vừa nhanh nhẩu chuyển các sọt cá nặng trịch vừa trò chuyện với những người buôn cá ở cảng, chị Thanh Tuyền háo hức “ngư dân Phú Quý rất mến khách, nếu từ xa du lịch, lại đây mua hải sản bảo đảm bán rẻ làm quà tặng từ xứ đảo. Không bao giờ bán đồ để lâu, mà giá cả lúc nào cũng hợp lý. Sò, ốc, cá thu, cá nục, mực… đều tươi ngon. Nếu không biết chỗ chế biến, chúng tôi giới thiệu tới tận nhà để nấu nướng, phục vụ”.

h7

Ghe thuyền no cá tấp nập vào Cảng cá Bãi Phủ

Đứng đầu Cảng cá Bãi Phủ, chỉ về chiếc thuyền của thằng con trai lớn đang cưỡi sóng vào bờ, chị Thi hồ hởi “nó báo tôi chuẩn bị thùng xốp, bao bóng và thuê 4 người chuẩn bị đóng 3 tấn cá thu, cá nục, mực và cá mú để kịp chuyển vào đất liền cho khách.

Nếu đứng vịnh Triều Dương nhìn xuống, biển Phú Quý trong xanh, trong vắt như muốn nhìn thấy tận đáy. Xa xa, cạnh các bãi tắm là những mỏm đá, bãi đá phơi mình dưới nắng. Bên cạnh đó là rặng phi lao che gió, chắn sóng, làm cho đảo thêm lãng mạn và đầy chất thơ.

Chuyển mình đi lên

Mời chúng tôi thưởng thức thử món khô cá mú và chả mực, giới thiệu đặc sản ngon nhất của Phú Quý, ông Lê Quang Vinh cho biết, dân số huyện chỉ gần 28 ngàn người. Nhưng nhờ thiên nhiên ưu đãi, Phú Quý có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm khai thác dịch vụ hậu cần nghề cá. Có nhiều hệ sinh thái được hình thành và phát triển độc đáo, hấp dẫn, lý tưởng để phát triển du lịch. Đặc biệt là du lịch biển đảo đã được quy hoạch thành khu du lịch của Bình Thuận và là điểm của du lịch quốc gia.

h9

Đảo Phú Quý ngày càng thu hút khách du lịch và trải nghiệm

Theo ông Vinh, toàn huyện đang có 72 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản với diện tích 14.484 m2. Trong đó các loại hải sản như cá mú, cá bớp, tôm hùm… với năng suất trung bình 100 tấn/năm. Nhìn chung nguồn thu nhập từ thuỷ hải sản của ngư dân rất ổn định. Một số sản phẩm như cá mú, cá bớp của Phú Quý đã trở thành thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.

Hai năm gần đây, Phú Quý đổi thay nhanh chóng. Nếu như trước đây hoang sơ và thiếu thốn, thì đến nay 3 xã đã hoàn thành hệ thống chợ nông thôn. Có 7 cơ sở kinh doanh xăng dầu cả trên bờ và trên biển, 9 nhà máy sản xuất nước đá với tổng công suất 140 tấn/ngày. Tất cả đủ để phục vụ ngư dân bám biển, đánh bắt xa bờ. Hiện nay huyện tăng cường quảng bá về tiềm năng du lịch. Do đó thời gian gần đây đã có 34 khách sạn, 40 homestay thu hút gần 100 ngàn lượt khách. Tăng gần gấp đôi so với các năm trước.

Phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc đã trở thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trên đảo ngọc – ông Vinh khẳng định.

Kim Cương - Duy Trường

Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/tinh-nguoi-gui-ve-tu-noi-dao-xa-d198095.html

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn