Phóng sự - Ký sự

Kỳ án Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân: Nhiều mâu thuẫn trong bản Kết luận điều tra mới nhất

15:20 | 24/07/2023

Chia sẻ

QHNNNgày 11/08/2022, TAND cấp cao tại TP.HCM đã quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (Tòa sơ thẩm tuyên bị cáo vô tội) và chuyển lại hồ sơ cho cơ quan tố tụng thành phố Cần Thơ để tiến hành điều tra, truy tố và xét xử lại vụ án này.

Tuy nhiên, bản Kết luận điều tra vụ án hình sự và đề nghị truy tố số 74/BKLĐT, ngày 03/07/2023 của Cơ quan ANĐT Công an thành phố Cần Thơ lại cho thấy nhiều mâu thuẫn trong nỗ lực buộc tội bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân.

Cơ quan điều tra tiếp tục dùng kết quả thẩm định giá hết hiệu lực

Ngay sau khi nhận được Kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố số 74/BKLĐT, ngày 3 tháng 7 năm 2023 (sau đây gọi tắt là BKLĐT), Luật Sư Hà Huy Sơn, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, đã có văn bản kiến nghị gửi các Cơ quan tố tụng Cần Thơ.

Trong bản kiến nghị, Luật Sư Hà Huy Sơn đã nêu rõ một số mâu thuẫn và thiếu căn cứ quan trọng trong Kết luận điều tra, đồng thời, đặt ra câu hỏi về sự công bằng và minh bạch trong quy trình điều tra.

Điểm nhấn quan trọng trong bản Kiến nghị là vấn đề Cơ quan An Ninh điều tra Công An Cần Thơ có đúng khi cho rằng giá trị tài sản thế chấp là Siêu thị Citimart bị nâng khống?

Tại trang 13 của Kết luận điều tra nêu: “Như vậy, chỉ mới hơn một tháng kể từ ngày Công ty Tây Nam trúng đấu giá hơn 104 tỷ đồng nhưng các bên đã câu kết, nâng khống giá trị tài sản lên hơn 333 tỷ đồng. Gấp 3,19 lần so với giá trúng đấu giá” (Hết trích – PV).

screen-shot-2018-04-13-at-060321-1127-2233-1110-0818

Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân chia sẻ về những khó khăn của công ty trước khi bị cơ quan công an điều tra.

Ông Hà Huy Sơn cho rằng Cơ quan điều tra đã lấy giá trúng đấu giá trước đó hơn một tháng của tài sản thế chấp là Siêu thị Citimart địa chỉ số 51 Nguyễn Trãi, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ làm giá trị của tài sản thế chấp là không có căn cứ.

Bởi vì giá trúng đấu giá 104 tỷ đồng không phải là kết quả của hoạt động định giá tài sản trong tố tụng hình sự.

Tương tự, tại trang 22 BKLĐT nêu: “Căn cứ kết luận định giá tài sản số 4172/KL.ĐGTS ngày 26/12/2016 và 1221/KL.ĐGTS ngày 26/4/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP.Cần Thơ kết luận giá trị siêu thị Citimart, theo giấy CNQSDĐ BI335641 tại thời điểm thế chấp (tháng 2/2012) là 104.475.000.000 đồng và thời điểm hiện nay (tháng 12/2016) là 139.,218.117.000 đồng;” (Hết trích – PV).

Hay nói một cách khác, CQĐT cho rằng giá trị tài sản thế chấp (là Siêu thị Citimart) bị nâng khống. Quan điểm này của CQĐT bị Luật Sư Hà Huy Sơn cho rằng là không có căn cứ, bởi các lý lẽ sau: Mâu thuẫn về logic: kết luận định giá tài sản số 1221/KL.ĐGTS ngày 26/4/2017 nhưng thời điểm hiện nay lại là (tháng 12/2016).

Khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 26/2005/NĐ-CP, ngày 02/03/2005 về Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự quy định Nguyên tắc định giá tài sản: “Phù hợp với giá thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm”.

Giá trị tài sản thế chấp là Siêu thị Citimart được Agribank xác định vào thời điểm tháng 02/2012 nhưng kết luận định giá tài sản số 4172/KL.ĐGTS ngày 26/12/2016 và 1221/KL.ĐGTS ngày 26/4/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP. Cần Thơ sau hơn 05 năm là không phù hợp về thời điểm.

Hơn nữa, Theo quy định tại điểm 7 mục II của Thông tư số 28/2015/TT- BTC ngày 06/03/2015 của Bộ Tài chính về việc Ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05, 06 và 07, quy định:

“ - Xác định thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá:

Thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá được xác định trên cơ sở đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản thẩm định giá; biến động về pháp lý, thị trường liên quan đến tài sản thẩm định giá và mục đích thẩm định giá nhưng tối đa không quá 6 (sáu) tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực.”

Thực sự có thiệt hại trong vụ án?

Việc xác định thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra là yếu tố rất quan trọng, có ảnh hưởng quyết định tới việc xác định có hay không có hành vi phạm tội, khung hình phạt, bồi thường thiệt hại và việc thu hồi tài sản bảo đảm thi hành án, thu hồi tài sản cho Nhà nước.

4_dskrjpg-0745

Siêu thị Citimart.

Trong vụ án Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Cơ quan điều tra cho rằng: “Cụ thể, thiệt hại trong vụ án được xác định kể từ thời điểm tội phạm hoàn thành và đã được ngăn chặn thời điểm tháng 6/2016 sau khi đối trừ giá trị tài sản đảm bảo với vốn và lãi đã gây thiệt hại cho Agribank Việt Nam, với số tiền 303.683.875.386 đồng.” (Trang 61 BKLĐT-Hết trích – PV), Luật Sư Hà Huy Sơn cho rằng không có căn cứ.

Bởi lẽ sau đây: Các khoản cho vay của Agribank Việt Nam trong vụ án này đều thực hiện bằng các hợp đồng tín dụng.

Agribank và bên vay chưa thanh lý các hợp đồng tín dụng, chưa có căn cứ xác định vốn và lãi của các hợp đồng này.

Trường hợp các Hợp đồng tín dụng đã được thanh lý hoặc tranh chấp về các hợp đồng này đã được giải quyết bằng các bản án có hiệu lực của Toà án làm căn cứ xác định số tiền bên vay phải trả cho Agribank. Hay nói cách khác, vấn đề dân sự chưa được giải quyết thì chưa có căn cứ xác định được thiệt hại trong vụ án.

Tại phiên tòa đầu tiên diễn ra năm 2018, đại diện Agribank đã từ chối ngồi vào ghế Bị hại và khẳng định Agribank chưa thiệt hại.

Và các văn bản của Ngân hàng này gửi CQĐT trong nhiều năm qua vẫn luôn khẳng định quan điểm này. Trong suốt 7 năm qua, chưa xác định được thiệt hại nhưng quá trình điều tra, truy tố, xét xử vẫn lặp đi lặp lại khiến cho 6 người, bao gồm những đảng viên của Ngân hàng Agribank nhiều năm có công đóng góp cho ngành Ngân Hàng, phải khốn đốn, thiệt hại nhà nước (tài sản cho vay của Ngân hàng) lên đến cả ngàn tỷ đồng.

Do đó, Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng cần phải có thêm một điều tra bổ sung để đảm bảo rằng công lý đã, đang và sẽ được thực hiện.

Việc này không chỉ bảo vệ quyền lợi của các bị can, của ngân hàng mà còn gửi một thông điệp mạnh mẽ về sự kiên định trong việc thực thi pháp luật của Chính phủ.

Nó khẳng định một cam kết không thể lay chuyển với công lý và sự minh bạch, đồng thời tạo ra một môi trường kinh doanh trong sạch, công bằng cho tất cả mọi người.

Việc điều tra bổ sung không chỉ là cần thiết mà còn là bắt buộc khi pháp luật không thể chấp nhận những mâu thuẫn và thiếu căn cứ trong bản kết luận điều tra.

Điều này không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng đối với những bị can trong vụ án, mà còn thể hiện sự công minh của hệ thống tư pháp và niềm tin của công chúng vào một Nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang hướng tới.

 

Nhóm PV

Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/dien-dan-luat-su-chuyen-gia/ky-an-nguyen-huynh-dat-nhan-nhieu-mau-thuan-trong-ban-ket-luan-dieu-tra-moi-nhat-d196539.html

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn