Phóng sự - Ký sự

Mênh mông rừng tràm Trà Sư - An Giang

11:20 | 23/01/2018

Chia sẻ

QHNN Đến An Giang vào mùa nước nổi bạn hãy một lần du ngoạn trong rừng tràm Trà Sư (thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên). Đây là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.

Từ thị trấn Nhà Bàng thuộc huyện Tịnh Biên, đi theo đường tỉnh lộ 948 đến cầu Bưng Tiên tại Km số 6 thì rẽ trái và tiếp tục đi theo một con đường đã được trải nhựa dài khoảng 4 km là đến rừng tràm Trà Sư. Tại đây, du khách đi tắc ráng (tên gọi một phương tiện thủy có gắn động cơ của người miền Tây Nam Bộ) và xuồng để đi tham quan rừng tràm.
Rừng tràm mênh mông cứ đến mùa nước nổi từ khoảng tháng 8 đến tháng 10 âm lịch lại khoác lên mình chiếc áo xanh mát với vẻ đẹp kiều diễm, mà dường như chẳng có bút mực nào có thể diễn tả hết. Con đường dẫn vào rừng tràm là con đường đất đỏ, thỉnh thoảng lại tung bụi mù vì gió. Hai bên đường, những cây thốt nốt tỏa bóng che đầu và bạt ngàn nối tiếp là những đồng ruộng xanh mướt đều được thu vào tầm ngắm của du khách với sự hào hứng nhất.

 
Những chiếc xuồng nhỏ sẽ đưa du khách tham quan rừng tràm
Những chiếc xuồng nhỏ sẽ đưa du khách tham quan rừng tràm
 
Vào đến rừng Trà Sư,  được ngồi trên con thuyền nhỏ, nhẹ nhàng rẽ sóng trên những thảm bèo tấm xanh mơn mởn để khám phá rừng tràm.  Du khách như lạc bước vào thế giới xanh mướt nguyên thủy, càng vào sâu rừng tràm, càng cảm nhận những điều rất riêng có mà có thể mình chưa từng trải qua trước đó. Trong thảm thực vật xanh tươi, những cơn gió dịu dàng mơn trớn, không khí trong lành và thỉnh thoảng là tiếng chim rừng ríu rít, ngay tầm tay là mặt nước xanh rì toàn bèo tấm, thỉnh thoảng điểm xuyết với những bông điên điển vàng rực hay những bông súng, bông sen xen lẫn, tạo thành nét thơ mộng, sức sống mơn mởn, bất tận của khu rừng.
Bác Ngô Văn Tân, một người có thâm niên 10 năm chèo thuyền phục vụ du khách, bác cho biết: “Rừng tràm Trà Sư có diện tích gần 850 ha, phần lớn loài cây ở rừng là tràm (trên 10 tuổi). Ngoài ra, đây còn là nơi sinh sống nhiều loài động vật và thực vật. Rừng hiện có 70 loài chim, trong đó có 2 loài chim quý hiếm đã được ghi trong sách Đỏ Việt Nam là giang sen và điêng điểng; 11 loài thú. Các bộ có số loài nhiều nhất là gặm nhấm (4 loài) và dơi (15 loài), trong đó có loài dơi chó tai ngắn quý hiếm cũng đã được ghi vào sách Đỏ Việt Nam; 25 loài bò sát và ếch nhái, trong đó có cả rắn hổ mang, rắn cạp nong; 10 loài cá xuất hiện quanh năm và 13 loài chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi”.
Theo kết quả khảo sát của BirdLife International và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, rừng tràm Trà Sư được đánh giá là nơi có tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn đất ngập nước tại đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1999, cả hai tổ chức ấy đều đã đề xuất chính quyền địa phương xây dựng khu bảo vệ tại khu vực này. Ngày 27 tháng 5 năm 2003, chính quyền tỉnh An Giang đã ra quyết định phê duyệt thành lập khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, để đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái và phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn môi trường.

 
Quang cảnh rừng tràm Trà Su. Ảnh: QUANG THOẠI
Quang cảnh rừng tràm Trà Su. Ảnh: QUANG THOẠI
 
Tại trung tâm rừng tràm là khu vực nhà hàng với các chòi lá nhỏ nằm men theo bờ kinh, phục vụ các món ăn đặc sản mùa nước nổi: chuột nướng lu, cá chạch nướng, cá lóc nướng trui, gỏi sầu đâu cá sặc, cá nàng hai chiên giòn… Du khách đến đây chủ yếu vào các dịp nghỉ lễ hoặc cuối tuần nên các chòi lá đầy khách, kẻ ăn uống, người đu đưa trên võng tận hưởng không khí rừng tràm.
Rừng tràm Trà Sư có một Đài quan sát cao 30 m, mà khi đứng từ Đài này, du khách có thể quan sát toàn cảnh bằng kính viễn vọng(tầm nhìn xa 25km), với bức tranh rừng tràm rộng mênh mông, bất tận. Quanh khu vực rừng tràm, thấp thoáng xa xa còn có khá nhiều ngôi làng của đồng bào Khmer và Kinh sinh sống, nổi tiếng với những làng nghề thủ công mỹ nghệ đặc sắc như dệt lụa Khmer siêu, thổ cẩm, làng nuôi ong mật, khu tinh cất tinh dầu tràm…
Với sự đa dạng và phong phú về tài nguyên khiến rừng tràm Trà Sư trở thành điểm đến lý tưởng đối với các nhà nghiên cứu, những người đam mê khám phá thiên nhiên hoang dã, những tay săn ảnh, những “phượt thủ”.
Vũ Văn Khu
Nguồn: QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY
Tạp chí số 84 / 2017

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn