"Ăn hành" nếu không chi thêm tiền
Anh Xuân Phương (37 tuổi ở Hà Nội) kể về việc bị hành "lên bờ xuống ruộng" khi mang ô tô của mình đi đăng kiểm vào năm 2012, cách đây đúng 10 năm. Thời điểm đó, anh mới mua lại chiếc Daewoo Matiz sản xuất 2001 từ một người trên mạng và đó cũng là lần đầu trong đời anh được trải nghiệm việc mang xe đi đăng kiểm.
Khi đưa xe của mình vào một cơ sở ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) và nộp các khoản tiền theo quy định, khoảng 1 giờ sau, chủ xe này được nhân viên tại đây thông báo là chiếc xe đã mòn phanh, đèn pha thiếu sáng, đồng thời nồng độ khí thải vượt mức quy định. Đơn vị đăng kiểm đề nghị anh về khắc phục và hôm sau đến kiểm tra lại.
Sau một ngày nằm ở gara gần nhà để chỉnh sửa và thay thế nhiều chi tiết, anh Phương quay lại trạm đăng kiểm trên vào sớm ngày hôm sau, thế nhưng chiếc xe vẫn lỗi khí thải, tiếp tục bị trả về. Nhân viên ở đây còn chỉ rõ thông số này trên màn hình để anh "tận mục sở thị".
"Bỏ quên" tiền trên xe đã trở thành luật bất thành văn mỗi khi đi đến cửa đăng kiểm. (Ảnh: Hoàng Hiệp)
"Lúc ấy thực sự quá hoang mang, tôi hỏi nhân viên ở đó là có cách nào để đăng kiểm được không vì đã làm đủ mọi cách rồi thì anh này nói cứ đưa xe ra ngoài chờ đến cuối ca sẽ 'linh động' cho đo kiểm lại lần nữa.
Ngồi gần 3 tiếng ở quán nước trước cổng, tôi kể chuyện của mình thì được bà chủ quán mách là bỏ vài trăm nghìn ở trên xe là sẽ xong ngay. Sau đó tôi để hẳn 300 nghìn cho chắc cú và thật bất ngờ, xe của tôi vào khám chỉ 5 phút là xong, như chưa hề có lỗi lầm gì", anh Phương kể lại.
Chủ xe này chia sẻ thêm, dù đến nay đã thay đổi đến 3 đời xe, trong đó có cả những mẫu xe đời mới nhưng mỗi lần xe đến hạn đăng kiểm là anh lại không quên để trên khu vực hộc để đồ gần cần số 100-200 nghìn cho... được việc.
Còn anh Vũ Minh (32 tuổi ở TP. HCM) lại bị gây khó dễ kiểu khác. Vào cuối năm ngoái, anh đưa chiếc KIA Cerato đến trạm đăng kiểm gần nhà. Vì tự tin là xe mới chạy được 2 năm rưỡi, hoạt động rất tốt nên anh kiên quyết không chi tiền "bôi trơn" như mọi người vẫn hay làm.
Tuy vậy, sau khi xe đã khám xong xuôi các hạng mục, anh ngồi chờ thêm hơn 1 giờ vẫn chưa thấy gọi ra lấy xe. Quá sốt ruột, chủ xe này vào trong hỏi thì chỉ được trả lời là đang đợi in sổ và tem, đề nghị tiếp tục chờ gọi tên.
"Không hiểu họ in ấn giấy tờ gì mà lâu như thế, làm tôi mất cả buổi đi làm và trễ hẹn với một khách hàng. Thời gian ngồi đợi là đúng 2 giờ đồng hồ, trong khi đó nhiều người vào sau đã xong và về từ bao giờ. Nếu hôm đó tôi "để quên" 100 ngàn trong xe chắc là sẽ không phải chờ lâu như vậy", anh Minh nói.
Ngậm bồ hòn làm ngọt
Câu chuyện "bỏ quên" tiền trên ô tô mỗi khi đi đăng kiểm như của anh Phương hay anh Minh chắc hẳn không còn lạ lẫm gì với những người đã và đang sử dụng xe. Đây là mánh được truyền tai nhau từ quán trà đá vỉa hè đến các diễn đàn lớn về ô tô, thậm chí trở thành "luật bất thành văn" để việc kiểm định xe được nhẹ nhàng, thuận lợi hơn.
Ở nhiều trung tâm có những tấm bảng lớn được đặt ở các vị trí dễ quan sát, đề nghị khách hàng không gửi tiền bồi dưỡng cho nhân viên đăng kiểm. (Ảnh: Hoàng Hiệp)
Công bằng mà nói, trong vài năm trở lại đây, ngành đăng kiểm sau khi được xã hội hóa đã tạo nên sự cạnh tranh lớn và phát triển theo chiều hướng tích cực, "dễ thở" hơn đối với người dân. Nhất là sự chuyển biển trong phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên đăng kiểm.
Tuy vậy, việc bỏ thêm chút tiền cảm ơn và "mua" lấy sự yên tâm vẫn được số đông chủ xe thực hiện mỗi khi đến cửa đăng kiểm. Theo chia sẻ của những người có kinh nghiệm, có 2 lý do chính để những người trong cuộc có thói quen như vậy.
Thứ nhất là họ không tự tin về chiếc xe của mình, bởi với một chiếc ô tô đã qua sử dụng trên dưới chục năm thì ít nhiều có những trục trặc mà chính họ cũng có thể không biết. Chính vì vậy, dù không chắc chắn là xe có lỗi hay không nhưng cứ "xì" ra trước cho yên tâm, bởi "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn".
Và thứ hai là bị ảnh hưởng bởi một định kiến đã đóng đinh rằng, cứ đi đăng kiểm là phải “làm luật” thì mọi sự mới hanh thông. Nếu không sẽ bị vặn vẹo, hành lên hành xuống rất mất thời gian không cần thiết, bởi thời gian cũng là tiền.
Chính sự chấp nhận "ngậm bò hòn làm ngọt" của những người trong cuộc đã khiến tình trạng này tồn tại âm ỉ đến cả hơn chục năm nay, ai cũng biết nhưng cả người "quên tiền" lẫn những người "cất hộ" đều im lặng.
Theo chia sẻ của một số người am hiểu về công tác đăng kiểm, dù việc kiểm định xe cơ giới hiện nay đã được quy định chặt chẽ và có quy trình rõ ràng, nhiều công đoạn được thực hiện hoàn toàn bằng máy, có camera giám sát, thế nhưng ranh giới giữa "đạt" và "không đạt" vẫn có thể dễ dàng bị tác động từ con người.
Nếu tính trung bình mỗi cơ sở đăng kiểm tiếp nhận khoảng 80-100 xe một ngày, nhân với số tiền các xe "để quên" thì con số “bôi trơn” ngoài luồng có thể lên tới hàng trăm triệu mỗi tháng. Số tiền này vào tay những ai? Câu hỏi này xin gửi tới chính những người đã và đang làm công tác đăng kiểm xe cơ giới.