Sông Đồng Nai đoạn đi qua h uyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và H.Tân Uyên (Bình Dương) có cụm cảng Liên Hiệp 1, 2 và các bến thủy nội địa để các tàu, sà lan ra vào nhận vật liệu xây dựng (chủ yếu là đá) vận chuyển về các tỉnh miền Tây. Mỗi ngày tại khu vực này có hàng chục lượt sà lan ra vào nhận đá xây dựng. Hai bên bờ sông vắng người, ít nhà dân.
Đầu tháng 10.2017, PV Thanh Niên trong vai công nhân trên một chiếc sà lan chở đá của một tỉnh miền Tây đến khu vực cảng Liên Hiệp 1 để ghi hình cách tuần tra, kiểm soát bất thường nơi đây.
[VIDEO ĐIỀU TRA] Những cuộc kiểm tra chớp nhoáng trên sông Đồng Nai của CSGT và TTGT
“Kiểm tra” trong... 3 giây
Khoảng 15 giờ 18 ngày 9.10, 3 người mặc đồng phục ngành thanh tra giao thông (TTGT) đi trên ca nô ghi dòng chữ “Thanh tra giao thông” số hiệu ĐN 1034, áp sát vào sà lan ĐT 232.58 đang bốc đá tại cảng Liên Hiệp 1 (phía tỉnh Bình Dương) và bấm còi báo hiệu.
Như quá quen thuộc, một người đàn ông đi từ mũi sà lan vào buồng lái, cầm quyển tập và kẹp một “tờ nhỏ” vào bên trong, rồi bước ra đưa quyển tập cho một TTGT trên ca nô. Viên TTGT nhận lấy quyển tập, nhanh chóng rút “tờ nhỏ” kẹp bên trong ra rồi trả lại quyển tập cho người trên sà lan. Ca nô tuần tra lập tức rời đi. Mọi chuyện “kiểm tra” chỉ diễn ra trong vòng 8 giây!
Lúc 16 giờ 45 cùng ngày, ca nô ghi dòng chữ CSĐT 17 số hiệu CA60-53.033, bên trên có 3 người mặc sắc phục cảnh sát giao thông (CSGT) áp vào một sà lan đang chở đá, đậu sát bờ bên phía xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu. Ca nô vừa cặp sà lan, một đại úy CSGT đường thủy đứng dậy nhận cuốn tập từ một người đàn ông trên sà lan đưa xuống, rồi nhanh tay lấy “tờ nhỏ” bên trong cuốn tập trước khi trả lại người trên sà lan. Ngay sau đó, ca nô CSGT bỏ đi. Cuộc “kiểm tra” chỉ diễn ra trong 9 giây.
Muốn kiểm tra, CSGT phải lên tàu
Theo Thông tư 62/2011 ngày 7.9.2011 của Bộ Công an quy định về hoạt động tuần tra, kiểm soát của CSGT đường thủy, thì CSGT được quyền kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện, gồm: Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Sổ kiểm tra an toàn kỹ thuật của phương tiện; bằng, chứng chỉ lái phương tiện, chứng chỉ chuyên môn của người làm việc trên phương tiện và các loại giấy tờ khác có liên quan đến người, phương tiện và an toàn hoạt động vận tải. Kiểm soát điều kiện, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật của phương tiện, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật của các thiết bị neo, lái, chằng buộc, lai dắt, trang bị cứu sinh, cứu đắm, cứu hỏa, hệ thống tín hiệu. Kiểm soát an toàn hoạt động vận tải, gồm: chủng loại, trọng lượng, quy cách, kích thước hàng hóa, đồ vật, số người chuyên chở trên phương tiện và các biện pháp bảo đảm an toàn trong vận chuyển hành khách, hàng hóa...
Một cán bộ thuộc Phòng CSGT đường thủy TP.HCM cho biết, theo quy định, việc dừng, kiểm tra các phương tiện vi phạm trên sông cũng không khác gì trên đường bộ. Nếu phát hiện phương tiện có dấu hiệu vi phạm, CSGT đường thủy phải dùng cờ chữ K để ra hiệu cho phương tiện đó giảm tốc độ.
Sau đó, ca nô của CSGT tấp sát vào phương tiện, cột dây cố định lại. CSGT leo lên phương tiện chào thuyền trưởng và thông báo lỗi vi phạm của phương tiện. Thuyền trưởng có nhiệm vụ cung cấp tất cả các giấy tờ như: bằng thuyền trưởng, giấy tờ phương tiện được phép hoạt động, giấy tờ nguồn gốc hàng hóa... cho CSGT. Sau khi kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm thì CSGT tiến hành lập biên bản vi phạm, tạm giữ giấy tờ liên quan.
Nếu phương tiện không vi phạm thì CSGT phải nhắc nhở và ghi vào sổ tuần tra để theo dõi.
|
Ca nô chở 3 CSGT này tiếp tục tấp vào sà lan SG 3409 đang lấy đá tại cảng Liên Hiệp 1. Theo đúng “quy trình”, viên đại úy lúc nãy đứng dậy nhận lấy “tờ nhỏ” từ người trên sà lan đưa xuống. Mọi chuyện lần này còn siêu tốc hơn: chỉ trong 3 giây.
Ống kính PV lia theo ca nô này cập sà lan LA 03641 để “kiểm tra”. Do những người trên sà lan đang bận làm việc, đại úy CSGT ngoắc người lái tàu ra hiệu. Có vẻ người lái tàu vẫn chưa nghe thấy nên đại úy CSGT đứng dậy gọi và ngoắc lần nữa. Lúc này, người lái sà lan buông tay lái, nhanh chóng nhảy xuống, chạy ra sát ca nô đưa quyển tập cho CSGT.
Nhận quyển tập, CSGT cúi người xuống sát ca nô để lấy “vật lạ” bên trong ra và trả lại quyển tập cho người trên sà lan. Cuộc “kiểm tra” diễn ra chỉ 5 giây!
Lùi ca nô cho... khỏi hụt
Ca nô của 3 CSGT trên tiếp tục cập sà lan LA 04910 “kiểm tra”. Ngay lập tức, một người mặc quần đùi, áo sọc đỏ đứng trên thành sà lan, cầm “tờ giấy” cuộn tròn, nhoài người đưa cho viên đại úy CSGT. Do nước trôi mạnh, viên đại úy CSGT lấy hụt “tờ giấy”, ca nô ngay lập tức lùi lại để đại úy lấy “tờ giấy" của người trên sà lan. Nhận “giấy” xong, đại úy dùng tay đẩy vào thành sà lan để ca nô dạt ra, tiếp tục hành trình “kiểm tra”. Việc “kiểm tra” lần này cũng thuộc hàng kỷ lục: chỉ trong vòng 3 giây.
Quá trình viên đại úy “nhận giấy” kiểm tra, trên ca nô một trung tá ngồi phía sau ca nô, dựa lưng vào thành ghế để quan sát các cuộc "kiểm tra" cũng như mọi động tĩnh xung quanh.
Trong 3 ngày, từ 10 - 12.10, tại khu vực cảng Liên Hiệp 1, PV Thanh Niênghi nhận lần lượt các ca nô CA60-53.022; CA61-0015 của CSGT đường thủy “kiểm tra” chớp nhoáng đối với các sà lan đang lấy đá tại đây. Bên cạnh đó, ca nô ĐN 1034 của TTGT cũng “kiểm tra” siêu tốc trong 3 giây đối với các sà lan lấy đá bên địa phận Bình Dương, Đồng Nai. Trong đó, ca nô CA61-0015 vào chiều 11.10, ngoài hai người mặc sắc phục CSGT, có thêm một người mặc sắc phục xanh ngành công an đi cùng.
Khoảng 17 giờ 22 ngày 10.10, ca nô CA60-53.022 chở 3 CSGT đường thủy tấp vào sà lan LA 023.40 chở đầy đá chuẩn bị rời bến. Thấy ca nô của CSGT, một người đàn ông cầm bìa nhựa đen bước ra, luống cuống làm rơi “tờ nhỏ” ra ngoài nên vội cúi nhặt bỏ vào lại bìa nhựa, đưa cho một CSGT đang ngồi trên ca nô. Viên CSGT lấy bìa nhựa, để thấp xuống dưới ca nô và trong tích tắc trả lại tấm bìa nhựa không ruột, rồi nhanh chóng tăng ga bỏ đi. Ngay sau đó, chiếc sà lan chở đầy đá xây dựng ung dung rời cảng thẳng tiến về phía cầu Đồng Nai, ca nô của CSGT tiếp tục “kiểm tra” những sà lan đang lấy hàng bên cạnh.
3 đoàn cấp tập “kiểm tra”
Trong những ngày neo đậu tại khu vực cảng Liên Hiệp 1, PV Thanh Niên ghi hình nhiều CSGT, TTGT cấp tập kiểm tra “nhanh như điện” các sà lan lấy đá.
“Đã thành luật rồi. Cứ khoảng từ 14 - 17 giờ mỗi ngày, sẽ có lực lượng đi bobo (ca nô) gom hụi. Sà lan chưa bốc hàng thì được tha, còn chiếc nào đang bốc hàng hoặc có hàng trên sà lan đều bị bobo ghé vào hỏi thăm”, một người lái sà lan tên T. nói với PV trong bữa cơm trưa.
Đúng như anh này nói, từ 14 giờ 35 đến 15 giờ 43 ngày 12.10, ống kính PV ghi hình 3 ca nô của CSGT, TTGT đường thủy “kiểm tra” chớp nhoáng các sà lan đang lấy hàng tại khu vực cảng Liên Hiệp 1.
Cụ thể, lúc 14 giờ 35, nhóm 3 người mặc sắc phục CSGT và sắc phục xanh đi trên ca nô CA 61-0015 lần lượt “kiểm tra” 5 sà lan. Vẫn với quy trình siêu tốc từ 3 - 5 giây, ca nô tấp vào, CSGT bấm còi báo hiệu thì người trên sà lan cầm “quyển tập” đưa cho lực lượng kiểm tra. Sau khi nhanh chóng cầm quyển tập lấy “tờ nhỏ”, lực lượng chức năng lập tức rời đi.
Sau khi ca nô CA 61-0015 “kiểm tra” rời đi, khoảng 15 giờ 15, ca nô TTGT số hiệu ĐN 0748 do 3 người mặc đồng phục TTGT cũng tới 5 sà lan đã bị “kiểm tra” trước đó, bấm còi báo hiệu. Người lái ca nô đeo kính đen, người ngồi phía sau bấm điện thoại, còn người ngồi bên trái dựa lưng vào ghế, một tay gác lên ghế bên cạnh, tay còn lại nhận “giấy” từ các chủ sà lan. Cứ thế, 5 chủ sà lan lần lượt đưa quyển tập cho TTGT.
Ca nô TTGT vừa bỏ đi, khoảng 15 giờ 43, một ca nô khác mang số hiệu CA 60-53.033 tiếp tục đến 5 sà lan vừa bị... 2 lần “kiểm tra” trước đó để tiếp tục “kiểm tra” và lấy “vật lạ” trong quyển tập. “Quy trình” cả 3 đợt “kiểm tra” này giống hệt nhau và đều diễn ra nhanh như điện xẹt. Khi đến gần sà lan số hiệu BL-7183, ca nô bấm còi báo hiệu. Thấy vậy, một cô gái ngồi trên cabin chạy xuống, tay cầm bìa nhựa màu đen đưa cho vị CSGT ngồi trên ca nô. Vị CSGT một tay thò lấy “vật lạ” trong tập, mắt ngước lên nhìn cô gái trò chuyện. 3 giây sau, viên CSGT trả lại bìa nhựa cho cô gái rồi ca nô tăng ga bỏ đi.
Chở quá tải đề bù tiền “trạm”?
Trong những ngày “phụ việc” trên sà lan, PV Thanh Niên được những người đi trên sà lan chia sẻ nhiều câu chuyện liên quan đến “luật ngầm” trên sông. Chỉ tay về những sà lan vừa nhận đá xong, nhìn giống như sắp chìm xuống nước, anh T. (người lái sà lan) nói: “Những sà lan như vậy phải chở quá tải, gấp đôi tải trọng cho phép”.
“Hiện nay, mọi chi phí đều lên, kể cả tiền trạm (tiền chung chi qua trạm kiểm tra của CSGT, TTGT - PV) cũng tăng nên phải chấp nhận chở quá tải mới có lời”, anh T. bộc bạch và lấy ví dụ: “Theo quy định, sà lan của tui chỉ được phép chở 400 tấn, nhưng nếu chở đủ tải sẽ bị lỗ. Nên sà lúc nào cũng phải chở 700 - 800 tấn đá mới có lời”. Theo anh T., từ Bình Dương về Hậu Giang qua gần 20 trạm kiểm soát của CSGT, TTGT, cảng vụ... “Số tiền chi phí ở các trạm cho một chuyến đi chở đá từ Bình Dương về Hậu Giang và ngược lại khoảng 8 triệu đồng”, anh T. nhẩm tính và cho biết: “Đã thành luật rồi. Khi bị kiểm tra, chúng tôi đều phải kẹp ít nhất 200.000 đồng vào quyển tập, sổ, tờ giấy hoặc bìa nhựa đưa cho lực lượng kiểm tra. Ai mà không biết luật này, hoặc đưa tiền trực tiếp, ngay lập tức sẽ bị “ăn” biên bản ngay”.
Cũng theo anh T., sông Đồng Nai tại khu vực cảng Liên Hiệp 1 do nằm giáp ranh giữa Đồng Nai và Bình Dương nên những người lái sà lan như anh không biết được lực lượng kiểm tra là của tỉnh nào. “Lúc tôi lấy hàng bên cảng phía Bình Dương thì CSGT, TTGT của Đồng Nai, Bình Dương đều tới kiểm tra, “lấy sổ”. Thấp cổ bé họng như chúng tôi đâu có dám hỏi, cũng không dám cãi, cứ thấy họ tới là đưa quyển tập cho họ thôi, đã có “luật” và giá cả hết rồi”.
|