Phóng sự - Ký sự

Cuộc sống lênh đênh trên chiếc thuyền gỗ

22:47 | 19/07/2017

Chia sẻ

QHNN Gắn bó với chiếc thuyền cũ đã gần 7 năm qua với cảnh không điện, nước lẫn bệnh tật, anh Phạm Văn Hoàng vẫn chưa biết cuộc sống khổ cực của gia đình mình sẽ đi về đâu dưới con lạch Sông Lam này.

Chiếc thuyền gỗ gần 7 năm tuổi mục nát nằm mép bờ lạch Sông Lam (Xóm 9, xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) là nơi cư ngụ của gia đình anh Phạm Văn Hoàng (36 tuổi, cùng vợ và hai đứa con nhỏ). Anh Hoàng là con trai thứ hai của Cựu chiến binh Phạm Văn Lợi (quê gốc ở xóm 9, xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Gia đình làm nghề chài lưới đánh bắt cá nhiều đời lại đông anh em, nghèo khổ.

Năm 2011 anh lập gia đình với chị Nguyễn Thị Oanh, người cùng quê rồi ra ở riêng trên chiếc thuyền gỗ nhỏ làm nghề chài lưới đánh bắt cá trên lạch sông Lam và lần lượt 2 đứa con ra đời với niềm hạnh phúc vô bờ bến. Thế nhưng cuộc sống chài lưới nơi quê nghèo quá khó khăn, hai đứa con của anh chị cũng dần lớn lên, gánh nặng tiền bạc cho con đi học càng đè nặng lên đôi vai của cặp vợ chồng.
 

Gia đình anh Phạm Văn Hoàng bao năm vẫn lênh đênh trên chiếc thuyền chài cũ kỹ. Ảnh: ĐÔNG VĨNH
Gia đình anh Phạm Văn Hoàng bao năm vẫn lênh đênh trên chiếc thuyền chài cũ kỹ. Ảnh: ĐÔNG VĨNH​
 

Nói về những khó khăn cuộc sống lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ giữa dòng nước, anh Hoàng cho biết, gia đình anh không thể nhớ hết bao đêm phải thức trắng vì nước tràn vào thuyền. Nhiều đêm nước lên cao, anh và vợ phải thay nhau bồng con để tát nước cho thuyền khỏi chìm. Ngày nào mưa lớn, chiếc thuyền lắc lư, gia đình anh phải bồng con bỏ thuyền chạy lên nhà hàng xóm trú tạm cho đến khi tạnh mưa mới dám xuống. Sống dưới thuyền ám ảnh lớn nhất với chị Lợi là những đêm rắn rết từ bụi rậm xung quanh bò lên thuyền “ngủ nhờ”. Nhiều lúc đang nấu cơm, chị hất tung lu nước chạy vì lũ rắn chui vào làm ổ bên trong khiến chị và hai đứa con nhỏ khóc thét vì quá hoảng sợ. Sau này, anh Hoàng  dùng nhựa cũ che kín xung quanh thuyền để rắn không bò lên. Cuộc sống khó khăn cứ vậy trôi đi, hai đứa con của anh chị bắt đầu lớn và dần thích nghi với cuộc sống trong chiếc thuyền nhỏ nằm lọt thỏm dưới lùm cây um tùm, xung quanh đầy muỗi, rắn rết và côn trùng.

Bà Phạm Thị Lan, một người dân sống gần bờ sông Lam chia sẻ: “Gia đình anh Hoàng, chị Lợi sống ở đây ai cũng thương, gia đình nghèo khổ, con cái lại ốm yếu, nheo nhóc, làm nghề chài lưới thu nhập chẳng được bao nhiêu, nhà không có, sống lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ cũ kỹ”.

Anh Hoàng đã mưu sinh hàng ngày nơi con sông ấy. Chiếc  thuyền nhỏ lâu năm nay cũng thường hỏng hóc, anh chị mơ ước có mảnh đất để rồi gom góp vay mượn anh em xây nhà nhưng xem ra ước mơ đó quá xa vời đối với gia đình anh, khi mà cuộc sống cơm áo hàng ngày còn không đủ, thì nghĩ gì đến chuyện đất đai, nhà cửa. Anh Hoàng tâm sự: “Đợt vừa rồi xã và huyện có chủ trương xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân vùng đặc biệt khó khăn vùng thiên tai sạt lở ven bờ sông Lam thuộc địa bàn xã Hưng Châu. Tôi cùng đã làm đơn gửi cho xã, nhưng đến nay chưa thấy xã trả lời”.

Chúng tôi đem băn khoăn của anh Hoàng đến gặp lãnh đạo xã Hưng Châu, ông Lê Văn Thịnh - Chủ tịch UBND xã cho biết: Dự án sắp xếp khu dân cư vùng đặc biệt khó khăn xã Hưng Châu đã phê duyệt và xây dựng từ năm 2009, quy hoạch di dời 99 hộ dân (70 hộ sạt lở, 29 hộ làng chài). Đến nay đã có 51 hộ vào ở. Số còn lại đều là gia đình khó khăn, có 12 hộ cam kết không đi và một số hộ muốn lên thì lại không được lên vì không nằm trong quy định của Chính phủ. Như trường hợp của anh Hoàng và chị Lợi muốn lên bờ thì không được vì gia đình xuống ở dưới ghe năm 2011 sau khi phương án đã duyệt năm 2009 không có danh sách gia đình anh Hoàng chị Lợi.

“Hiện nay mặc dù quỹ đất khu tái định cư đang còn nhiều nhưng xã lại không có quyền xét cấp và xã cũng mong các cấp có thẩm quyền sớm xem xét linh động cho các hộ dân nghèo khó, đang ở dưới thuyền có nguyện vọng lên khu tái định cư, để họ an cư để lạc nghiệp”, ông Lê Văn Thịnh trăn trở.

Hoàng Thông
Nguồn: QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY
Tạp chí số 81 / 2017

 

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn