Phóng sự - Ký sự

20 ngàn ngày oan trái - Kỳ 3

17:02 | 30/07/2016

Chia sẻ

QHNN “Đọc bài báo “20 ngàn ngày oan trái – Kỳ 1: Nỗi đau người lính” đồng đội chúng tôi nhìn thấy nỗi đau dai dẳng, khổ nhục ê chề của đồng đội suốt 41 năm rồi và còn phải chịu cái cảnh kỳ thị của xã hội bao nhiêu năm nữa...”, cựu chiến binh Trần Văn Lý ở xóm Hồng Lam, xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã thốt lên như thế. Biết bao nhiêu đồng đội khác của Cựu chiến binh – Thương binh Đặng Quang Đức cũng đã gửi thư về tòa soạn Tạp chí Quê Hương Ngày Nay bày tỏ nỗi niềm lẫn bức xúc. Ai cũng mong ông Đặng Quang Đức sớm được minh oan và khôi phục lại danh dự.

Kỳ 3: Đồng đội lên tiếng!

Trong thư ông Trần Văn Lý viết: Ngày 07/01/1971 chúng tôi cùng nhập ngũ với nhau trong một Trung đội, có năm lại được ở với nhau trong một Tiểu đội. Bởi vậy tôi hiểu biết tính tình đạo đức của đồng chí Đặng Quang Đức. Khi mới vào quân ngũ, đồng chí Đức là một quân nhân tiêu biểu nhất, nhiệt tình và ham học hỏi, vui tính, năng động hay giúp đỡ đồng đội. Nhưng cái yếu của đồng chí Đức là sức khỏe, mỗi khi hành quân đường xa mang vác nặng tôi thường hay mang giúp cho đồng chí Đức bao gạo hay khẩu súng. Khỉ nghỉ giải lao thì tôi lại phải mang ba lô và dìu đồng chí Đức.
Tháng 3/1971, đơn vị đi chiến trường do yếu sức khỏe nên đồng chí Đức phải ở lại. Đồng chí Đức đã cắt tay lấy máu ký vào quyết tâm thư, thì đơn vị mới cho đi chiến trường. Trong chiến dịch vận chuyển lương thực và vũ khí ra tuyến trước, đồng chí Đức là người xuất sắc nhất Đại đội. Đến năm 1972, đồng chí Đức được phong quân hàm và đề bạt làm Tiểu đội phó. Tháng 6/1974, Đại đội chúng tôi được giao nhiệm vụ đánh trận đồi Giang Nam sông Bồ. Đồng chí Đức là Tiểu đội phó, đồng chí Trần Đình Chiêm là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6. Khi chuẩn bị điểm hỏa thì đồng chí Chiêm giao quyền chỉ huy Tiểu đội trưởng cho đồng chí Đức. Không chần chừ do dự, đồng chí Đức vui vẻ nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ huy Tiểu đội. Trong trận đánh này, đồng chí Đức bắt được một tên tù binh và thu toàn bộ vũ khí của địch. Tiểu đội đánh trả địch phản công suốt ngày, do pháo địch bắn vào trận địa của Đại đội cho nên cả Đại đội thương vong nhiều, trong đó có đồng chí Đức.

Nhiều giấy xác nhận và đề nghị, hồi âm gửi về tòa soạn Tạp chí Quê Hương Ngày Nay bày tỏ sự bức xúc trước oan sai “tày trời” của Cựu chiến binh – Thương binh Đặng Quang Đức suốt hơn 20 ngàn ngày (hơn 41 năm) qua. Ảnh: NGÔ DOANH
Nhiều giấy xác nhận và đề nghị, hồi âm gửi về tòa soạn Tạp chí Quê Hương Ngày Nay bày tỏ sự bức xúc trước oan sai “tày trời” của Cựu chiến binh – Thương binh Đặng Quang Đức suốt hơn 20 ngàn ngày (hơn 41 năm) qua. Ảnh: NGÔ DOANH

 
Sau một tháng điều trị ở bệnh viện, khi ra viện đồng chí Đức về đơn vị được khoảng 3 ngày thì khi Trung đội của chúng tôi đang đánh răng rửa mặt thì nghe một tiếng nổ. Cả Trung đội chạy đến chỗ có sự việc xảy ra thấy đồng chí Tý liên lạc chết tại chỗ, còn 4 đồng chí bị thương nên chúng tôi đem đi bệnh viện. Khi vụ việc xảy ra rồi, Đại đội nhận xét và bình luận là không có một ai có thành kiến với Ban chỉ huy Đại đội. Khoảng 5 – 7 ngày sau khi vụ nổ xảy ra, đồng chí Đức và 2 đồng chí khác được chuyển lên Đại đội pháo ĐK B của E271B.
Tháng 9/1974, chúng tôi nghe tin đồng chí Đức bị bắt đi tù, cả Đại đội bàng hoàng và ngạc nhiên, sửng sốt vì chúng tôi nhìn thấu suốt trong lương tâm của đồng chí Đức là không thể có hành vi nhỏ chứ chưa nói đến chuyện lớn được. 6 năm sau, khi đồng chí Đức được tạm tha, chúng tôi đến nhà động viên đồng chí Đức an tâm và lạc quan như ngày còn trong quân ngũ và viết đơn khiếu kiện thì sẽ được minh oan...
Ngày đồng chí Đức được nhận quyết định phục viên và 780.000 đồng, chúng tôi lại động viên đồng chí Đức tiếp tục viết đơn kêu oan. Hàng trăm lá đơn đã được gửi đến Quân khu 4 và trung ương nhưng đến nay đồng chí Đức vẫn chưa được khôi phục lại danh dự, chưa được minh oan công khai ở tại địa phương.

Ông Đặng Quang Đức đến tại tòa soạn Tạp chí Quê Hương Ngày Nay kêu oan. Ảnh: NGÔ GIA
Ông Đặng Quang Đức đến tại tòa soạn Tạp chí Quê Hương Ngày Nay kêu oan. Ảnh: NGÔ GIA

 
Cựu chiến binh Trần Văn Dần hiện ở thôn Lương Hội, xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là đồng đội với ông Đặng Quang Đức ở mặt trận Trị Thiên – Huế từ năm 1972 – 1974 cho biết: “Trong suốt những năm tháng chiến đấu và công tác với ông Đặng Quang Đức, tôi thấy ông Đức là một đồng đội hết sức nhiệt tình trong mọi công việc. Thường ngày cũng như trong huấn luyện và chiến đấu, tỏ ra gan dạ dũng cảm, được anh em trong đơn vị mến phục... Sự việc đã xảy ra hơn 41 năm mà ông Đức chưa được minh oan, nay hoàn cảnh gia đình cũng như ông tuổi đã cao, sức khỏe ngày càng giảm sút, tâm trạng không được thoải mái, luôn tâm tư suy nghĩ đến nỗi oan khuất của mình. Vì vậy tôi là một Cựu chiến binh, là một đồng đội cùng chiến đấu trên chiến hào đề nghị cấp trên sớm xem xét làm rõ sự việc đúng – sai, để ông Đức được minh oan và chính quyền cùng nhân dân địa phương được hiểu rõ về ông”. 
Cựu chiến binh Phạm Quang Bát, quê ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nguyên là Tổ trưởng Đảng – Ban Chỉ huy Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 271 B Quân khu Trị Thiên, là Quân y đơn vị trực tiếp chiến đấu với anh em trong bất kỳ mọi hoàn cảnh và điều kiện đã xác nhận và kiến nghị: Đồng chí Đặng Quang Đức nguyên là Tiểu đội phó phụ trách B40 trực tiếp đánh trận đồi Giang Nam bờ sông Bồ thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế và đã làm chủ trận địa, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã được khen thưởng và được đi học lớp đối tượng Đảng.
Bỗng dưng, khoảng 5 giờ sáng ngày 23/7/1974, tôi còn ngủ ở dưới hầm chữ A, nghe một tiếng nổ rất đanh. Tôi bùng dậy nhìn sang nhà Ban chỉ huy thấy cái nhà tạm bị bốc lên với khói. Tiếng kêu cứu anh Bát ơi, anh Bát ơi... tôi bị thương... tôi bị thương. Tôi nhìn sang thì thấy đồng chí Tý liên lạc chết ngay tại chỗ. Đồng chí Dung - Đại đội trưởng bị thương khắp người, đồng chí Chữ - Đại đội phó bị thương ở ổ bụng, đồng chí Khánh - Chính trị viên và đồng chí Cơ liên lạc bị thương chuyển ra tuyến sau. Riêng đồng chí Dung và đồng chí Chữ sau đó chết trên bàn mổ.
Sau khi giải quyết xong hiện trường ổn định lại công tác tổ chức, đơn vị đã họp rất nhiều lần cùng với cán bộ Tiểu đoàn, Trung đoàn tham gia điều tra nhưng không phát hiện được dấu hiệu gì giữa địch hay nội bộ. Thời gian cứ trôi đi. Đơn vị trở lại học tập, công tác bình thường và củng cố để nhận nhiệm vụ mới. Trong thời gian này tôi được thưởng phép vì nhập ngũ vào chiến trường đã lâu và chiến đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi về quê được mấy ngày thì nghe tin đồng chí Đức bị bắt. Tôi bàng hoàng kinh khủng. Tại sao một chiến sỹ A phó chiến đấu gan dạ, ngoan cường cùng với đồng chí Chiêm - A trưởng, đồng chí Tố giữ khẩu trung liên, dù bị thương đầy mình vẫn bám trụ công sự chiến đấu chờ lệnh chi viện. Cho đến khi đồng chí Chữ - Đại đội phó đến thay tôi (Quân y) mới viết giấy cho đồng chí Đức ra tuyến sau điều trị...

 
Chứng nhận Thương binh hạng A 4/4 cấp của ông Đặng Quang Đức. Ảnh: PHÁP CHÍNH
Chứng nhận Thương binh hạng A 4/4 cấp cho ông Đặng Quang Đức. Ảnh: PHÁP CHÍNH

Đã mấy chục năm rồi... người chiến đấu dũng cảm nhất đơn vị, phóng biết bao nhiêu quả B40, trực tiếp bắt được 1 tù binh, giải phóng và làm chủ trận địa, mà lại phải ngồi tù oan. Rồi... thả tù vì không có một bằng chứng nào là kẻ phản bội, giết đồng đội. Oan ức, đắng cay lẫn tủi nhục. Kiệt quệ về kinh tế, thua thiệt về tinh thần, suy kiệt sức khỏe, sự kỳ thị càng bùng lên khi ông trở về quê nhà, dai dẳng cho mãi đến hôm nay.
“Khi biết tin đồng chí Đức bị bắt, tôi cũng bàng hoàng cả người vì thấy thời gian anh em cùng chiến đấu và công tác chỉ thấy ở đồng chí Đức một tinh thần chiến đấu dũng cảm, sống chan hòa với anh em và chấp hành mọi mệnh lệnh cấp trên. Từ ấy đến nay đã mấy chục năm trôi đi, đồng chí Đức đã nhiều lần viết đơn xin minh oan lên các cấp có thẩm quyền để làm sáng tỏ sự việc nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Là một Cựu chiến binh, Thương binh tôi tha thiết đề nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm đúng sai, rõ ràng để trả lại danh dự, nhân phẩm cho một con người từng công tác và chiến đấu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc”, ông Nguyễn Xuân Quang là đồng đội của ông Đặng Quang Đức quê ở xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị.
Hỡi những người có lương tri, những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm hãy cứu ông Đặng Quang Đức, trả lại danh dự và quyền lợi chính đáng cho ông, giúp ông sống thanh thản với chuỗi ngày ngắn ngủi còn lại, để trước khi ông từ giã cõi trần ai này được yên lòng, chấm dứt hơn 20 ngàn ngày oan trái, trả lại nụ cười cho đàn con, đàn cháu của ông trên đất Mẹ yêu thương!

(Đón đọc kỳ 4: Trăn trở của một vị Đại tá)
Ngô Doanh - Hồng Phúc
Nguồn: QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn