Phóng sự - Ký sự

20 ngàn ngày oan trái - Kỳ 2

13:11 | 29/07/2016

Chia sẻ

QHNN Kể từ khi được trả tự do vào năm 1991 và nhận số tiền phục viên là 780.000 đồng, anh thương binh Đặng Quang Đức đã nhiều lần gửi đơn kêu oan, đề nghị các cơ quan chức năng ở Quân khu 4 và Viện Kiểm sát Quân khu 4 và Viện Kiểm sát Quân sự trung ương minh oan công khai, khôi phục lại danh dự và bồi thường thiệt hại cho ông trong thời gian bị tù oan kể từ ngày 25/9/1974 đen tối ấy, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng?

Kỳ 2: Ai đã ép cung?

Ngày 23/7/1974 tại Ban chỉ huy đơn vị Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 271 (C5/D8/E271B) thuộc Quân khu Trị Thiên xẩy ra vụ nổ lựu đạn làm 3 người chết, 2 người bị thương. Sau khi vụ nổ xảy ra, Phòng Bảo vệ an ninh Quân khu Trị Thiên ra quyết định khởi tố vụ án số 13 ngày 27/7/1974 và tiến hành điều tra. Đến ngày 25/9/1974, Phòng Bảo vệ an ninh Quân khu Trị Thiên ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Đặng Quang Đức lúc đó là Hạ sỹ, chức vụ Tiểu đội phó.
Sau khi thống nhất đất nước, Quân khu Trị Thiên sáp nhập với Quân khu 4, vụ án này được Phòng Quân pháp Quân khu 4 tiếp nhận điều tra tiếp. Sau 1890 ngày ông Đặng Quang Đức bị tù giam, chịu bao cực khổ, đến ngày 23/12/1979 Phòng Quân pháp Quân khu 4 đã ra Quyết định tạm tha, cho ông Đặng Quang Đức về quê, nhưng chưa kết luận điều tra vụ án. Mãi đến tháng 10 năm 1989, Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 4 tiếp tục nghiên cứu hồ sơ vụ án này. Do không đủ chứng cứ kết luận ông Đức có hành vi phạm tội nên ngày 18/8/1990, Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 4 đã ra Quyết định đình chỉ vụ án số 13 ngày 27/7/1974 của Phòng Bảo vệ an ninh Quân khu Trị Thiên đối với ông Đặng Quang Đức, đồng thời có công văn số 63/KS4 ngày 25/9/1990 đề nghị Thường vụ Quân ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chỉ đạo giải quyết, khôi phục các quyền lợi cho ông Đức. Ngày 20/1/1991, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 ra Quyết định số 47/QĐ giải quyết cho ông Đức về phục viên, thời gian phục vụ tại ngũ được thanh toán chế độ phục viên là 8 năm 11 tháng (tính cả thời gian Hạ sỹ Đặng Quang Đức bị bắt tạm giam 5 năm 3 tháng)...

Quyết định phục viên của Quân khu 4 đối với Hạ sỹ - Tiểu đội trưởng Trần Quang Đức. Ảnh: PHÁP CHÍNH
Quyết định phục viên của Quân khu 4 đối với Hạ sỹ - Tiểu đội trưởng Trần Quang Đức. Ảnh: PHÁP CHÍNH

 
Như vậy, ông Đặng Quang Đức bị bắt giam, tù đày oan sai là một sự thật không thể chối cãi!

Sở dĩ xảy ra oan sai và vụ án bị điều tra kéo dài, gây nhiều đau khổ và mất mát cho “anh bộ đội cụ Hồ” Đặng Quang Đức là vì định kiến hẹp hòi cũng như hành vi có dấu hiệu ép cung của người thực thi pháp luật lúc đó là ông Thực, cán bộ tăng cường của Phòng Bảo vệ An ninh Quân khu Trị Thiên xuống hiện trường để xác minh vụ việc và phân loại đối tượng để tìm ra thủ phạm trong nội bộ. Chỉ vì “suy đoán có tội” do Hạ sỹ Đặng Quang Đức là một giáo dân, ngoài ra không có bất kỳ một chứng cứ gì, ngày 25/9/1974 bất ngờ Hạ sỹ Đặng Quang Đức bị ông Thực và một cán bộ khác đến đơn vị bắt đưa đi tạm giam. Cả Tiểu đoàn 8 từ Tiểu đoàn trưởng đến các chiến sỹ, ai cũng bàng hoàng vì Hạ sỹ - Tiểu đội phó Đặng Quang Đức là người lính ngày thường hiền lành, được đồng đội yêu mến, trong chiến đấu thì can trường, từng viết quyết tâm thư bằng máu để xin ra tiền tuyến và lập được nhiều thành tích vẻ vang, đang chuẩn bị được kết nạp vào Đảng.
“Ông Nguyễn Văn Thực chính là người bắt và làm oan cho tôi. Trong suốt thời gian hỏi cung, ông Thực đã trực tiếp ép cung tôi. Ông Thực luôn nhắc đến câu “Anh đã vào đây rồi, nếu ngoan cố không nhận tội thì chúng tôi cũng đủ điều kiện để kết liễu đời anh”... Hết dọa dẫm, ông ta lại dụ dỗ: “Em nhận tội đi rồi anh sẽ giúp đỡ, nhận theo cách anh bày thì nhẹ tội và lại em có thành tích và chiền công thì lại càng được giảm nhẹ tội hơn”. Vào một buổi sáng, do không chịu được áp lực, tôi hỏi ông Thực nếu em nhận tội thì phải ngồi tù mấy năm. Ông Thực nói: “dăm bảy năm”. Tôi nghẹn ngào, vừa tức tối vừa đau khổ, nấc lên nhiều lần... Khi tôi hết khóc, ông Thực hỏi tôi: “có đói bụng không”, tôi gật đầu và một hồi sau anh bảo vệ đem cơm nếp đến cho tôi ăn. Tôi vừa ăn và ông Thực vừa hỏi, hỏi đến đâu và như thế nào tôi cũng gật đầu, mặc kệ họ viết gì thì viết, làm gì thì làm...”, ông Đặng Quang Đức kể lại.
Sau buổi sáng định mệnh ấy, ông Đặng Quang Đức bị đem ra Đông Hà (Quảng Trị) giam ở trại giam An Ninh. Đến đây ông Đức mới biết bị mắc lừa ông Thực rồi gào khóc, kêu oan nhưng đã muộn. Ông Đức tuyệt thực 3 ngày để phản cung nhưng không có tác dụng gì? Chỉ ở đó khoảng 20 ngày, ông Đức lại bị đưa về trại giam cũ... Tháng 11 năm 1977, ông Đức tiếp tục tuyệt thực 6 ngày để đòi trả tự do. Đến tháng 5/1979, ông Đức tuyệt thực 4 ngày rồi đến tháng 6/1979, ông Nguyễn Văn Thực tiếp tục hỏi cung.
Ông Đặng Quang Đức cho biết thêm: “Ông Thực thúc ép: “Anh nhận tội đi”. Ông Đức trả lời: “Tôi không có tội thì tôi nhận sao được trước pháp luật, giờ ông có bắn chết tôi trước bàn hỏi cung này” thì tôi cũng chịu chết để bảo vệ chân lý”. Ông Thực chỉ tay vào mặt tôi, thét lên: “Chân lý là gì”. Tôi nhìn thẳng vào mắt ông ấy nói “chân lý là sự thật”, ông Thực tức tối nhìn tôi rồi bỏ đi”.
Một cán bộ khác đi cùng ông Thực lúc đó thốt lên với ông Đức một câu: “Nếu anh bị oan thật, thì là một cái oan tày trời”!!!

 
(Đón đọc kỳ 3: Đồng đội lên tiếng)

Ngô Doanh - Hồng Phúc
Nguồn: QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn