Ảnh minh họa.
Phương án 1, chỉ nhóm tham gia trước khi luật có hiệu lực (trước 1/1/2025) mới được rút. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án 2, không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau 1 năm không tham gia hệ thống đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ. Phương án này không giới hạn số lần lao động được rút.
“Chốt” phương án nào, còn phải tính toán bàn luận và chờ Quốc hội quyết định. Thế nhưng theo dư luận phản ánh, đã xuất hiện tình trạng một số lao động e ngại sẽ không được rút BHXH một lần; không được nhận trợ cấp một lần; hoặc tiền rút bị giảm khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực; nên đúng thời điểm công việc đang ít; đã chủ động nghỉ việc để rút BHXH “một cục”.
Ví dụ như một nữ công nhân tại TP HCM mới đây quyết định nộp đơn nghỉ việc sau gần 1 tuần suy tính. Ở tuổi 36, nhà máy chị làm đang giảm đơn hàng, mỗi ngày đến xưởng lại nghe đồng nghiệp bàn luận nếu Luật thay đổi, không rút được số tiền đã đóng, nên chị quyết định rút BHXH một lần được gần 50 triệu đồng. Nếu sau này không tìm được việc mới, chị về quê buôn bán với số tiền này. “Tôi thích lấy một cục chứ không nghĩ đến lương hưu”, chị nói. Điều đáng lưu ý, trước đây chị từng rút BHXH một lần được gần 40 triệu đồng. Có tiền, chị bỏ nhà máy, về quê buôn bán nhỏ. Công việc buôn bán không thuận lợi, hết sạch vốn; nhưng nay chị vẫn quyết định rút BHXH “một cục” lần nữa.
Phó Chủ tịch Công đoàn một Cty tại TP HCM cho biết thời gian gần đây, còn có tình trạng để “né” phương án 2, một số lao động cho rằng nghỉ việc lúc này vừa đủ thời gian chờ 1 năm không tham gia BHXH rồi rút toàn bộ tiền đã đóng. Sau đó họ vẫn kịp tham gia lại thị trường lao động trước năm 2025, tức thuộc nhóm tham gia trước khi luật hiệu lực, nên sau này nếu phương án 1 được chọn, họ vẫn được rút “một cục” lần nữa.
Quốc hội, Chính phủ, hệ thống truyền thông đã nói rất nhiều lần, phân tích rất sâu sắc về lợi ích của việc tham gia BHXH; chỉ ra cặn kẽ những mặt có hại của việc rút BHXH một lần; nhưng thực tế nhiều năm nay cho thấy, vẫn có một số lao động khó hoặc không thay đổi quan niệm về khoản tiền này. Như lãnh đạo của một Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn thuộc Liên đoàn lao động một tỉnh phía Nam đánh giá “với nhiều người, việc tuyên truyền hầu như không tác dụng bởi khoản tiền rút một lần là mục đích họ hướng đến”.
Cùng quan điểm, một vị nguyên lãnh đạo BHXH một tỉnh phía Nam, cho rằng lao động nghỉ việc rút BHXH một lần để “chạy luật” là tình huống “buộc phải chấp nhận” ở lần sửa luật này. Với những người xem BHXH một lần là mục tiêu hướng đến và đã có kế hoạch rút, thì lần sửa luật này chỉ làm cho quyết định của họ… đến nhanh hơn dự tính. Gần 30 năm luật đã cho phép rút nên giờ đây phải chấp nhận. Quan trọng là tới đây, trong dự luật sửa đổi, chúng ta cần có những quy định “dài hơi” hơn, phù hợp, đồng nhất, tạo sự ổn định lâu dài trong lĩnh vực.