Thật là lạ, chỉ nghe qua tiếng gõ cạch cạch của nhịp gõ cầu thang gỗ, tôi lại có cảm giác là lạ, quen quen, chợt nhớ ra rằng, hình ảnh chung cư số 53 Hàng Buồm được truyền hình Việt Nam đưa tin và ghi vào “danh sách đỏ” chung cư xuống cấp trầm trọng bậc nhất Hà Nội. Không ngờ đấy lại là nơi sinh sống của nhà thơ Mai Hồng Niên. Còn với tôi cảm giác mỗi lần vào chung cư: chầm chậm đi sâu vào con ngõ hun hút bóng tối, ẩn khuất giữa ban ngày để nhận ra bao điều mới lạ “Hà Nội xưa đây rồi” chăng? Hà Nội xưa về trong lòng hậu sinh, sinh ra trong thời đổi mới. Ngoài đường phố bon chen, nhộn nhịp bao dòng đời mưu sinh, vậy mà căn phòng của nhà thơ vẫn chất chứa một không gian tĩnh lặng như tấm lòng người thi sĩ.
Nhà thơ Mai Hồng Niên thấy tôi đến đúng lúc ông vừa về, nhẹ nhàng mở cánh cửa. “Cháu ra chơi à. Răng không gọi điện báo cho ông biết”... Trong câu nói của ông, tôi nhận ra một điều mà bao năm chưa nhận ra “mùi khoai lang nồng khay xứ Nghệ”.
Nhà thơ Mai Hồng Niên
Mới một năm trôi qua, từ sau ngày vượt qua cơn bạo bệnh, điều trị tại bệnh viện 108, tóc ông bạc trắng hơn rất nhiều, con người cao lớn dường như gầy tóp đi. Có lẽ giữa cái tuổi thất thập cổ lai hy con người ta phải một lần vượt qua định mệnh. Lần nào gặp ông cũng nhẹ nhàng và đôi lúc cũng xuề xòa, hài hước, xóa đi mọi khoảng cách để nghe ông tâm sự về nghề báo, nghiệp thơ văn.
Lật giở từng trang sách, tờ báo, tạp chí sẵn ở trên mặt bàn của ông. Đó là những hình ảnh dòng sông, cửa biển. Hình ảnh đó đã gắn bó như một phần cuộc đời nhà thơ. Mai Hồng Niên từng là cán bộ tuyên truyền của Bộ Giao thông vận tải, Phó Tổng biên tập Tạp chí Bờ và Biển, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào ông vẫn giữ cái tâm trong sáng. Một điều dễ nhận ra thơ Mai Hồng Niên không cầu kỳ, đánh đố bạn đọc mà thơ ông chất chứa bao nỗi niềm nhân thế. Có lẽ nhà thơ là người tiếp nối mạch nguồn thơ ca, nơi quê hương của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ như một điệp khúc luân hồi chín kiếp mê ly, trào tuôn ra biển cả.
Cầm trên tay hai tập thơ ông trình làng văn gần đây nhất: “Lại về với biển” và “Đây đó Hồ Gươm”, “Quê mình xứ Nghệ”. Hàng vạn độc giả thân quen gần xa lại thêm một lần được thưởng thức những tác phẩm thơ về thế sự - trữ tình. Ông trăn trở trước những bất cập, nhố nhăng trong xã hội, thân phận của những con người nhỏ bé. Các bài thơ đã ghi lại dấu ấn không phai trong lòng bạn đọc: Nhận chị đồng hương, Lại về với biển, Bệnh viện chó mèo, Về Lộc Hà, Thuyền quyên ứ hự chưa già hay như Tiễn vợ đi lấy chồng... và biết bao bài thơ hay khác nữa.
Trong không gian tĩnh lặng, nhà thơ Mai Hồng Niên vào nhà bê ra một rá (rổ) khoai lang đang bốc mùi thơm phức. À hóa ra mùi thơm mình đã cảm nhận thật chứ không chỉ còn trong mùi vị trong tâm tưởng. Tôi vội vàng hỏi: “khoai mới mua hả ông”?, “Không, khoai xứ Nghệ mình đấy cháu. Chị Chi vừa mới mang từ quê ra, cháu ăn đi khi đang còn nóng”. Chị Chi giờ sang làm biên tập tạp chí Hàng Hải, chị lấy chồng ra nên ra ở riêng ở Đông Anh rồi”... Cuộc hội thoại thật mộc mạc, bình dị, như thể đang ở quê nhà.
Bốn người con của ông đã phương trưởng nhưng chỉ có chị Chi nối nghiệp văn thơ ông. Thật vui đã lâu lắm rồi mình không được thưởng thức mùi vị của đồng quê, nơi đất cằn sỏi đá mà sinh ra những thứ thơm ngon và giản dị đến thế. Vì thế dù đi đâu về đâu người dân xứ Nghệ - Tĩnh luôn đau đáu nhớ thương quê hương mình da diết.
Con người thơ Mai Hồng Niên là thế, bao tâm trạng dồn nén vào thơ ca, dù mỗi năm vào những ngày rằm, ngày giỗ hay ngày Tết ông đều về quê. Nhưng trong thơ ông vẫn mang nỗi nhớ. Nỗi nhớ về quê đã ăn sâu vào huyết quản như mạch nguồn của dòng sông chảy về cửa biển. Với tôi, một người yêu thơ và thưởng thức thơ, tôi hiểu được một điều rằng thơ và con người ông đều xuất phát từ cõi lòng không toan tính lợi danh. Sau bao nhiêu giông bão cuộc đời – bao nhiêu điều thị phi – lòng ngay thẳng của nhà thơ dám nói lên tất cả hiện thực “xã hội nào văn chương nấy” đã in hằn trong tâm trí của biết bao nhiêu bạn đọc yêu thơ.
Văn Mạnh
* QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY