Bộ TN&MT đang lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 252 (quy định về hiệu lực thi hành), Luật Đất đai số 31/2024/QH15. Theo dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15 của Bộ TN&MT, mục đích là cho phép Luật Đất đai có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Về tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, đối với các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ TN&MT được giao chủ trì soạn thảo: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 quy định về hoạt động lấn biển.
|
Theo đề xuất của Bộ TN&MT, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 thay vì ngày 1/1/2025 như trong Luật Đất đai đã quy định. |
4 dự thảo Nghị định gồm:
Thứ nhất, Nghị định quy định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Thứ hai, Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Thứ ba, Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; Đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.
Thhứ tư, Nghị định quy định về giá đất đã được Bộ TN&MT triển khai xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đến nay, Bộ TN&MT đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Hội đồng để thẩm định 4 hồ sơ dự thảo Nghị định này. Bộ TN&MT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ theo tiến độ được giao.
Đối với các Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ TN&MT gồm: Thông tư quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai,Kỹ thuật bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; Thông tư quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Thông tư quy định về hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Thông tư quy định về nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, Bộ đã thành lập Tổ soạn thảo các Thông tư, các đơn vị cũng đang tập trung nguồn lực để xây dựng bảo đảm thời gian và chất lượng văn bản.
Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Luật Đất đai với các Bộ, ngành và 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (nhiều địa phương trực tuyến đến cấp xã) ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai; chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai cho gần 400 báo cáo viên các cấp; phối hợp với Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam phổ biến cho các đối tượng là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan; Phổ biến cho cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước… Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị phổ biến cho các kiều bào trong và ngoài nước.
Nhiều địa phương đã tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai từ cấp tỉnh đến cấp xã. Từ đây, phổ biến Luật Đất đai, nhiều địa phương, người dân và doanh nghiệp mong muốn Luật Đất đai sớm được thi hành.
Việc đưa Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống sẽ khơi thông nguồn lực đất đai, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn đọng về đất. Bên cạnh đó, hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, phát huy tiềm năng, sử dụng hiệu quả cao nhất giá trị nguồn lực đất đai. Qua đó, tháo gỡ được những khó khăn trong tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, đóng góp lớn cho việc hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, ổn định về xã hội, lợi ích thiết thực cho nhân dân.