Văn hóa - Giáo dục

Bảo tồn dân ca Ví Giặm dưới góc nhìn của một nghệ nhân

11:29 | 05/03/2018

Chia sẻ

QHNN Cao Xuân Thưởng sinh ra và lớn lên ở làng Phượng Lịch, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu (Nghệ An), mảnh đất giàu truyền thống văn hóa. Từ một Kỹ sư lâm nghiệp, không hiểu sao cái máu me đam mê văn nghệ, văn chương, thơ phú nảy sinh vào con người anh lúc nào không hay. Chỉ biết sau này, bạn đọc biết đến anh qua nhiều bài thơ rất giàu cảm xúc, mang nhiều ý nghĩa triết lý về cuộc sống như trong các bài: “Làng ơi”, “Một làng Đông Phái trong tôi”, “Lòng tin nông dân”. Đặc biệt tập thơ “Cau đến hạt” mà anh tặng tôi đã đạt giải B, giải thưởng Hồ Xuân Hương, là một tập thơ xuất sắc, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc.

Nghệ nhân dân gian ưu tứ Cao Xuân Thưởng. Ảnh: VŨ BA LAN
Nghệ nhân dân gian ưu tứ Cao Xuân Thưởng. Ảnh: VŨ BA LAN
 

Sống và gắn bó mật thiết với quê hương với tình yêu tha thiết và đam mê hoạt động văn nghệ, từ ngày bỏ nghề kỹ sư lâm nghiệp về với quê hương, vừa làm thơ, vừa làm thuốc bắc theo nghề gia truyền của cha anh, Cao Xuân Thưởng bén duyên với dân ca ví giặm bằng những sáng tác viết lời mới cho các hoạt cảnh đối ca ví giặm, được công chúng rất yêu thích...
Khi được hỏi vì sao, nguyên nhân nào khiến anh yêu dân ca, say đắm và đam mê dân ca Ví Giặm đến vậy, anh cười vui và nói: “Ngay từ thời nhỏ, được theo cha mẹ đi nghe các cụ trong làng hát đối đáp trong những đêm trăng, những ca từ trong những lời hát giao duyên đã gieo vào lòng tôi nhiều tình cảm xao xuyến, ngọt ngào khó tả về tình yêu của con người, tình yêu quê hương tha thiết… và thế là tình yêu dân ca nó cứ ngấm dần, lớn dần trong con người tôi”.
Nói rồi anh hát cho tôi nghe một cách hào hứng một đoạn hát đố, đối ca mà ngày nay anh sáng tác dựa theo âm hưởng và làn điệu của ngày xưa mà anh vẫn thường say như điếu đổ:

 
“Người ơi, gái làng Mai thích trai làng Phượng,
Đã giỏi việc cày bừa lại chuộng thơ văn,
Muốn làm dượng làng Mai, hỏi rằng tức giận chi ai,
Chồng mang dây đi trước vợ vác gậy dài theo sau...”

Hóa ra đây là cảnh đố nhau trong buổi trục lúa dưới trăng của bà con nông dân…
Thế rồi trong những năm gần đây, người ta biết đến anh Cao Xuân Thưởng, từ một nhà thơ, anh rẽ ngang sang lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu, và sáng tác ca trù và dân ca Ví Giặm. Và chính anh là người đạt giải thưởng  “Tác giả xuất sắc trong việc sưu tầm, nghiên cứu và sáng tác dân ca Ví Giặm”. Từ đây anh trở thành “linh hồn” trong các hoạt động văn nghệ tại địa phương và của tỉnh. Đặc biệt trong lĩnh vực sáng tác kịch bản dân ca cho các vở diễn dân ca Ví Giặm. Với những hoạt động đầy đam mê và sôi nổi trong các phong trào văn nghệ quần chúng , các kỳ hội diễn, hội thi, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở cơ sở, tâm huyết, tài năng của nhà thơ đã nở rộ trong các vở diễn đặc sắc như : “O Thất mất bò”, “O hàng bán rượu”, “Vợ chồng anh khóa”, “Khúc ca đồng ruộng”, “Tâm sự nông dân”… Với những cống hiến không mệt mỏi cho phong trào văn nghệ của tỉnh nói chung và cho việc sưu tầm, bảo tồn, sáng tác dân ca ví giặm nói riêng, năm 2015, anh đã được Nhà nước tặng bằng công nhận Nghệ nhân dân gian ưu tú.
Như mọi người đã biết, những môi trường diễn xướng truyền thống của Ví Giặm trước đây, ngày nay không còn nữa. Ngày nay rất hiếm có những cảnh quay tơ dệt vải, hát đò đưa trên sông, cây đa, bến nước, sân đình ngày càng vắng bóng… Đây là những môi trường diễn xướng cổ, ngày nay không còn nữa. Vậy ngày nay chúng ta có môi trường diễn xướng mới, đó là những sinh hoạt văn hóa cộng đồng, từ đồng ruộng đến nhà máy, xí nghiệp, từ các hoạt động của các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, trường học, phong trào văn nghệ quần chúng… Ngày xưa có không gian cây đa, bến nước, sân đình, các lễ hội đình làng, có quay tơ dệt vải, thì ngày nay chúng ta có các sinh hoạt cộng đồng như lễ hội mừng Đảng, mừng Xuân, chào mừng những sự kiện trọng đại của đất nước, lễ hội các làng nghề…vẫn luôn có mặt các tiết mục dân ca ví giặm.
Đây là điều đáng mừng vì dân ca Ví Giặm đã nói lên được những nỗi niềm sâu kín, những tâm tư, nguyện vọng và những ước mơ của nhân dân lao động, bởi ví giặm đã bắt nguồn từ chính cuộc sống của người dân, bám sát và sát thực với đời sống của họ. Bảo tồn hình thức diễn xướng ví giặm đối đáp trong không gian và hình thức diễn xướng mới, hoàn cảnh mới, phải có nội dung mới phù hợp thì vở diễn mới thật sự đi vào lòng người. Những vở diễn và kịch bản dân ca ví giặm mà Cao Xuân Thưởng đã trình làng và biểu diễn vừa qua đã nói được điều đó. Vì vậy các sáng tác của anh rất có duyên với khán giả, được công chúng mến mộ và dàn dựng thành công trong các kỳ hội diễn và các sinh hoạt văn hóa cộng đồng thời gian qua.
Vậy cái gì, yếu tố nào đã tạo nên nét duyên riêng trong các kịch bản dân ca ví giặm của anh? Phải chăng, đây là chất văn học, chất thơ trong các ca từ hát đối đáp, hát ví, hát giặm mà anh đã kỳ công sáng tạo và trau chuốt, trên cái nền hai làn điệu cổ là Ví và Giặm ông cha ta để lại. Bởi thế, theo anh chính chất thơ, chất văn học đã tạo cho ví giặm có sức sống, dễ đi vào lòng người. Không có tài năng của nhà văn, nhà thơ tham gia vào kịch bản dân ca Ví Giặm thì sẽ không có kịch bản hay được, diễn sẽ không hay được, nội dung sẽ không hấp dẫn nếu không có những câu hát do những câu thơ, lời văn hay tạo ra. Vì vậy anh khẳng định, một vở diễn dân ca Ví Giặm muốn hay phải có nhà văn, nhà thơ có nghề tham gia sáng tác. Việc bảo tồn cũng vậy, phải đưa các nhà văn, nhà thơ vào trong tổ chức, phải có sự đóng góp tài năng của các nhà văn, nhà thơ.
Để chứng minh cho vai trò của các nhà thơ, nhà văn, trong sáng tác và bảo tồn dân ca ví giặm, Cao Xuân Thưởng vui vẻ ví von: “So với các nhạc sỹ, người ta 10 thì mình chỉ được 7, so với  các nhà thơ, người ta 10 thì tôi cũng được 7, vậy trong người tôi có hai lần 7 là 14, có 14 chắc chắn sẽ hơn nhiều so với chỉ có 7”. Vì vậy, có tài năng thơ văn và am hiểu bản chất của các làn điệu Ví, Giặm, chắc chắn sẽ viết lời dân ca hay hơn là anh chỉ biết từng ấy làn điệu mà lời ca nghèo nàn, không có chất thơ, không giàu hình ảnh… Tóm lại phải có người có “chữ nghĩa” chứ không phải ai làm cũng được. Nếu chỉ chú tâm đến việc bảo tồn các làn điệu cổ, lời cổ, mà không chú trọng đến môi trường diễn xướng mới, nội dung mới mà khán giả và người dân cần. Nội dung không gắn bó, không thiết thực thì người dân không yêu thích, người ta quay lưng hoặc hờ hững với dân ca là điều dĩ nhiên.
Một yếu tố cực kỳ quan trọng là phải thường xuyên đưa dân ca vào các sinh hoạt cộng đồng để tạo cho người dân yêu dân ca, say dân ca,  tự khắc dân ca sẽ thấm dần, ăn sâu và bén rễ vào đời sống thường ngày của người dân. Chính các sinh hoạt cộng đồng có sự tham gia của dân ca đã giúp ta đang bảo tồn một cách hiệu quả và thiết thực nhất, trong đó có việc đưa dân ca vào trường học mà chúng ta đang thực hiện…
 “Nói gì thì nói, làm gì thì làm, cần phải có những người đam mê và tâm huyết, sống chết với dân ca, hiểu sâu và yêu dân ca Ví Giặm thì mới làm hạt nhân tiên phong trong việc bảo tồn ví giặm được”, như lời anh Cao Xuân Thưởng vẫn hay thổ lộ.
Việc quan tâm và đãi ngộ các nghệ nhân cũng rất quan trọng để góp phần làm tốt công tác bảo tồn dân ca Ví Giặm. Việc này hiện nay vẫn còn hạn chế, chúng ta phong nghệ nhân xong rồi để đó, chưa có kế hoạch và phương thức hoạt đông cho nghệ nhân, việc đãi ngộ cũng chưa xứng đáng để tạo cho nghệ nhân phát huy trí tuệ, tài năng đóng góp vào việc chung. Đây là hạn chế cần khắc phục sớm, nếu không tài năng và tâm huyết của họ cũng sẽ tàn lụi dần theo tuổi tác…
Nghệ nhân Cao Xuân Thưởng năm nay đã gần đến tuổi 70 xuân nhưng sức sáng tạo của anh vẫn đang độ sung sức. Anh tâm sự với chúng tôi là còn nhiều dự định trong sáng tác. Tôi cảm phục tâm huyết, tài năng, sự cống hiến thầm lặng, vô tư của anh với các hoạt động văn nghệ tại cộng đồng, đặc biệt là với dân ca ví giặm. Trong công cuộc bảo tồn dân ca Ví Giặm đầy khó khăn hiện nay, mong sao có nhiều những nghệ nhân như Cao Xuân Thưởng, miệng nói, tay viết, nhiệt tình, hăng say trong sáng tác và luôn tiên phong trong việc sưu tầm, sáng tác, bảo tồn dân ca ví giặm trong đời sống hôm nay.
Vũ Ba Lan
Nguồn: QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY
Tạp chí số 79

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn