Nhìn ra thế giới

Yếu tố gì Đức phải làm trung gian hòa giải ở Ukraine?

14:35 | 20/03/2015

Chia sẻ

QHNN Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeirer đã có chuyến công du tới cả Kiev và Moskva nhằm làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Ông đã có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Ngoại trưởng Nga Seigei Lavrov và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chuyến công du của ông Steinmeirer diễn ra trong bối cảnh giới chức Đức khẳng định rằng một trong các nhà ngoại giao nước này ở Moskva đã bị trục xuất, do Nga trả đũa việc Đức trục xuất một nhà ngoại giao nước họ. Theo mạng phân tích “Stratfor” (Mỹ), bất chấp sự cố này mục tiêu của Đức vẫn là duy trì mối quan hệ với Nga, tránh để có thêm các biện pháp cấm vận đáng kể của Liên minh châu Âu (EU) đối với nền kinh tế Nga và đảm bảo rằng lệnh ngừng bắn được giữ vững ở miền Đông Ukraine.

Dù giới lãnh đạo Đức sẽ tiếp tục có các động thái được tính toán kỹ lưỡng nhằm chỉ trích điện Kremlin cũng như lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn, song Đức cũng sẽ tránh có các biện pháp thực chất có thể làm tổn hại hơn nữa mối quan hệ chính trị, thương mại với Nga.
Berlin luôn đề cao mối quan hệ thực dụng với Moskva. Do vị trí địa lý của Đức trên cao nguyên Bắc Âu, nước này luôn định hình chính sách đối ngoại với những tính toán đến cả hai cường quốc Pháp và Nga. Mối quan hệ của Đức với hai quốc gia này đã định hình cả hai cuộc chiến tranh thể giới của thế kỷ 20. Ngày nay, mục tiêu của Đức bao gồm duy trì mối quan hệ gần gũi với các nước láng giềng phía Tây, mở cửa thị trường châu Âu để phục vụ thương mại trong khi vẫn phải bảo đảm các mối quan hệ chính trị, thương mại gần gũi với Nga về phía Đông.

Các hướng tấn công của quân chính phủ Ukraina chống các lực lượng ly khai ở miền đông Ukraina, trong đó tập trung đánh chiếm hai thành phố lớn là Donetsk và Lugansk.
Các hướng tấn công của quân chính phủ Ukraina chống các lực lượng ly khai ở miền đông Ukraina, trong đó tập trung đánh chiếm hai thành phố lớn là Donetsk và Lugansk.

Là cường quốc hàng đầu trong EU, Đức cũng phải cân bằng sự đa dạng về an ninh, các mối quan ngại kinh tế của các nước thành viên. Các nước khu vực Baltic và Ba Lan muốn có một lập trường mở rộng châu Âu quyết đoán hơn, trong khi những nước châu Âu có mối quan hệ thương mại gần gũi với Nga muốn có một lập trường ít đối đầu hơn với Moskva và phản đối bất kỳ hình thức cấm vận thêm nào.
Một loạt biện pháp cấm vận kinh tế lớn đối với Nga sẽ làm tổn hại các doanh nghiệp Đức và nền kinh tế EU nói chung. Dù Thủ tướng Angela Merkel đã công khai đổ lỗi Nga hậu thuận các hoạt động chiến tranh diễn ra ở Ukraine và gần đây bà ủng hộ việc bổ sung thêm những nhà lãnh đạo phe li khai vào danh sách cấm vận của EU, nhưng bà cũng phản đối việc mở rộng lệnh cấm vận làm ảnh hưởng tới nền kinh tế Nga.
Để tránh có thêm các biện pháp cấm vận kinh tế mới đối với Nga, Đức đang nỗ lực cứu vãn các thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine. Nếu lệnh ngừng bắn này chính thức bị phá vỡ và các lực lượng do Nga hậu thuẫn mở rộng quyền kiểm soát đối với các thị trấn quan trọng như Mariupol, các nước Đông Âu và một bộ phận người dân Đức sẽ tăng cường kêu gọi Berlin ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới.
Điện Kremlin cũng đang nỗ lực để duy trì mối quan hệ thân thiện với giới lãnh đạo Đức và công chúng nước này. Ngày 16/11, kênh truyền hình Đức ARD đã cho phát cuộc phỏng vấn với Tổng thống Putin, trong đó ông nói rằng trong bối cảnh Nga thường xuyên chịu sức ép phải gây ảnh hưởng tới lực lượng ly khai ở Ukraine, vậy thì Đức cũng cần phải gây ảnh hưởng lên chính quyền ở Kiev để làm cho hai bên hiểu nhau nhiều hơn. Nga có thể đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Đức trong việc thuyết phục Kiev đàm phán về các vấn đề như liên bang hóa và rút quân khỏi một số khu vực của tỉnh Lugansk và Donetsk, những yêu cầu mà chính phủ Ukraine phản đối.
Chính phủ Đức không chỉ có ảnh hưởng lớn trong EU mà còn cả với Kiev. Berlin sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc quyết định mức độ trợ giúp tài chính và sự hậu thuẫn chính trị từ EU. Thêm vào đó, những thành viên chủ chốt trong liên minh thân phương Tây ở Kiev có mối quan hệ từ lâu với Đức và các thể chế nước này. Đề nghị của Putin rằng các nước phải tăng áp lực buộc Kiev hợp tác trong các cuộc đàm phán tương lai là sự ám chỉ gián tiếp đến mối quan hệ này. Điện Kremlin đã nhận ra mối quan hệ của Đức với Ukraine và nhu cầu của Berlin muốn duy trì mối quan hệ tốt với Moskva. Những mối quan hệ này buộc Đức phải tiếp tục đóng vai trò làm trung gian hòa giải cho nỗ lực giảm căng thẳng ở Ukraine.
Hạc Thúy (Tổng hợp)
* QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY
 

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn