Pháp luật & xã hội

"Vụ án khai thác khoáng sản lớn nhất từ xưa đến nay ở Quỳ Hợp"

10:13 | 11/08/2021

Chia sẻ

QHNNĐó là khẳng định của ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An nói về vụ Công an Nghệ An triệt phá nhóm “đá tặc” gây xôn xao dư luận. Thủ đoạn của chúng rất tinh vi, manh động khi chúng đang trong thời gian chờ đợi xử lý vi phạm hành chính, lại lợi dụng trong lúc cả hệ thống chính trị địa phương đang căng mình phòng chống dịch Covid-19 để cố tình tiếp tục vi phạm nghiêm trọng, quy mô rất lớn…

Như báo chí đã đưa tin, ngày 13/7/2021, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã bắt quả tang ông Trần Văn Bảy, thường trú tại xóm Minh Xuân, xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp đang tổ chức khai thác khoáng sản (đá trắng) trái phép ở khu vực đã xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp. Lực lượng Công an đã tạm giữ 05 máy xúc đào; 01 ô tô tải; 06 máy cắt đá; 02 máy nén hơi; 02 máy khoan; khối lượng đá đã khai thác khoảng 854m2. 
 
Để rộng đường công luận, Phóng viên Nhiếp ảnh và Đời sống đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp.
 


Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Ngô Doanh
 

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết một số ý kiến về tình trạng khai thác trái phép khoáng sản trên địa bàn huyện thời gian qua?
 
Ông Nguyễn Đình Tùng: Quỳ Hợp có nhiều điểm mỏ (73 mỏ), nhiều xưởng chế biến khoáng sản (158 xưởng), nhiều doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản (158 xưởng), nhiều doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản (96 doanh nghiệp); có nhiều khu vực, điểm khoáng sản nhỏ lẻ mà các doanh nghiệp không có nhu cầu xin cấp phép nhưng có nguy cơ khai thác trái phép rất lớn.
 


Ông Nguyễn Đình Tùng (phải) đang trả lời phỏng vấn Phóng viên Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống. Ảnh: Hoàng Thông

 
Từ lâu, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở Quỳ Hợp diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh và Công an tỉnh đánh giá huyện là một trọng điểm phức tạp về tình hình khai thác khoáng sản trái phép, mà trong đó nổi lên thời gian qua là “đá tặc”. Đối tượng vi phạm một phần là người ở trong huyện, còn có nhiều người từ nơi khác tập trung về. Nói chung là cực kỳ phức tạp, nhạy cảm từ xưa đến giờ. Công an tỉnh từng có hẳn Đoàn công tác chốt ở huyện (Dân hay gọi tắt là “Đoàn Ju – mông”), nhưng khi Đoàn rút về, tình hình lại tái diễn phức tạp.
 
Về quản lý Nhà nước (QLNN), huyện Quỳ Hợp thời gian qua cũng đã làm hết sức mình, trong khi khối lượng công việc QLNN ngành Tài nguyên và Môi trường rất lớn. Huyện đã thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản, những hoạt động khai thác trái phép của một số đối tượng rất tinh vi, manh động, thường cử người để theo dõi, dùng ô tô trọng tải lớn chặn đường, khóa cổng không cho đoàn kiểm tra vào, tháo ắc quy làm chết máy, tẩu tán tang vật, phương tiện, bỏ trốn khỏi khu vực mỏ… để chống chế khi đoàn đến kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. 
 


Biên bản Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Quỳ Hợp phối hợp UBND xã Châu Lộc lập ngày 18/6/2021 để xử lý vi phạm hành chính của nhóm “đá tặc”. Ảnh: Ngô Doanh

 
PV: Đối với vụ án “đá tặc” Trần Văn Bảy bị bắt quả tang và khởi tố vụ án, khởi tố bị can vừa qua, ông nhìn nhận như thế nào, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Đình Tùng: Riêng vụ này, nơi Trần Văn Bảy khai thác khoáng sản trái phép trước đây là khu vực mỏ đá đã được UBND tỉnh Nghệ An cấp giấy phép khai thác khoáng sản (đá) cho Công ty TNHH Thành Thủy, tuy nhiên ngày 19/3/2010 UBND tỉnh đã ban hành quyết định đình chỉ khai thác đối với mỏ đá này.
 
Sau khi bị đình chỉ, đây trở thành điểm mỏ có nguy cơ khai thác khoáng sản trái phép, từ đó đến nay thỉnh thoảng vẫn xảy ra khai thác trái phép tại điểm này dưới dạng “thổ phỉ”, quy mô nhỏ lẻ, kiểu “du kích”, không liên tục, không kéo dài. 
 
Vào 9 giờ ngày 18/6/2021 Đoàn liên ngành của huyện phối hợp với UBND xã Châu Lộc đã lập biên bản đối với ông Lê Hùng Cường thường trú tại xóm Minh Tâm, xã Minh Hợp sau khi tiến hành kiểm tra khu vực núi Phá Cụm, xã Châu Lộc, phát hiện ông Cường đang có mặt tại hiện trường cùng với khoảng 20m3 đá bloc và 100m3 hộc đã khai thác từ trước; 01 máy xúc đang dừng hoạt động tại khu vực lán trại… Nhưng đến 00 giờ 00 phút ngày 19/6 xóm Minh Tâm, xã Minh Hợp (nơi ông Cường thường trú) phải cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên Đoàn kiểm tra chưa thể làm việc được với ông Cường để xử lý vi phạm hành chính với hành vi khai thác khoáng sản trái phép.
 
Trong khoảng thời gian từ 18/6-13/7, Đoàn Kiểm tra liên ngành của huyện cũng không nhận được báo cáo của UBND xã Châu Lộc về tái diễn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại vị trí mà đoàn đã lập biên bản đối với ông Lê Hùng Cường.
 
Giữa bối cảnh cả hệ thống chính trị của huyện đang tập trung công tác phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16; Khả năng từ 19/6-21/6 nhóm “đá tặc” của Trần Văn Bảy đã lợi dụng rồi tiếp tục đưa máy móc, phương tiện vào khu vực đang chờ xử lý vi phạm hành chính đối với ông Lê Hùng Cường tại cuộc kiểm tra ngày 18/6 để tổ chức khai thác khoáng sản trái phép với quy mô lớn chưa từng có ở Quỳ Hợp.
 


Lực lượng Công an đang tiến hành bắt giữ các đối tượng khai thác đá trái phép tại hiện trường vụ án. Ảnh: CANA

 
PV: Trước thực trạng nêu trên, ông có đề xuất, kiến nghị gì để góp phần chấn chỉnh và lập lại trật tự trong quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp?
 
Ông Nguyễn Đình Tùng: Đối với vụ án Trần Văn Bảy và đồng phạm, đề nghị Công an tỉnh Nghệ An, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm vi phạm, có tính răn đe để tạo điều kiện thuận lợi cho UBND huyện Quỳ Hợp tăng cường công tác QLNN về hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường nói chung và kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép nói riêng.
 


Lực lượng Công an lập biên bản về hành vi khai thác khoáng sản trái phép đối với Trần Văn Bảy (ngồi ngoài cùng bên trái). Ảnh: CANA

 
Về trước mắt, UBND huyện Quỳ Hợp tập trung rà soát toàn bộ các mỏ trên địa bàn và các điểm nguy cơ hoặc từng bị phát hiện khai thác trái phép; Đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nâng cao vai trò QLNN về khoáng sản của chính quyền xã và Công an xã.
 
Về lâu dài, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo thành lập đoàn liên ngành trong đó có Công an tỉnh Nghệ An chuyên kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường.
 
Đề nghị UBND tỉnh xem Quỳ Hợp là huyện đặc thù có hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường phức tạp, từ đó bổ sung Quỳ Hợp thêm một số biên chế chuyên thực hiện nhiệm vụ QLNN về hoạt động khoáng sản và bảo vệ môi trường. Đồng thời, hàng năm hỗ trợ kinh phí đủ để huyện thực hiện nhiệm vụ QLNN về hoạt động này.

Ngô Doanh

Nguồn: http://nhiepanhdoisong.vn/vu-an-khai-thac-khoang-san-lon-nhat-tu-xua-den-nay-o-quy-hop-1-2-266543.html

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn