 |
Tài xế có dấu hiệu của tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" |
Tài xế vượt xe không đảm bảo an toàn!
Trước đó, ngày 2/5, Bộ Công an cho rằng, tài xế Nguyễn Văn Bảo Trung có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” nên đề nghị hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự, tiếp tục điều tra, xử lý.
Theo khoản 1, Điều 260, Bộ Luật Hình sự 2015, tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, quy định người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm khi làm chết người.
Ở đây, trong vụ án này yếu tố chết người đã thỏa mãn. Đối với tài xế xe tải Trung việc vượt xe có vi phạm quy định hay không? Theo quy định tại Điều 14, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (đang có hiệu lực tại thời điểm xảy ra tai nạn) quy định:
Khoản 2: “Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.” và
Khoản 5: “Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây: a) Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này”.
Theo phân tích tình huống của một số luật sư, đoạn đường xảy ra tai nạn được xác định là đường thẳng, như vậy tầm nhìn sẽ tốt, tài xế Trung có thể quan sát được có “xe chạy ngược chiều” nhưng vẫn thực hiện hành vi vượt và còn lấn qua phía bên kia đường là đã vi phạm vào Điều 14, Luật Giao thông đường bộ. Ngoài ra cũng cần xem xét Trung có đạp phanh khi gặp xe hai nữ sinh và khi cháu Trân té xuống hay không?
Trong Bản kết luận của Đội CSGT-TT - Công an huyện Trà Ôn ngày 14/9/2024 cũng kết luận: Nguyễn Văn Bảo Trung điều khiển xe ô tô tải biển số 84C-102.77 “vượt xe không bảo đảm an toàn” , quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ năm 2008…”.
Cần đánh giá hành vi “vượt chướng ngại vật”?
Một số luật sư cho rằng, đây không phải là hành vi "vượt xe" tại điều 14, Luật giao thông đường bộ 2008 (LGTĐB). Nhận định này đúng bởi xe bán tải đang đỗ cạnh đường chứ không hề di chuyển, theo đó thì cần xác định xe tải như một vật cản (tảng đá, khúc gỗ...), theo đó cần áp dụng quy định tại Khoản 1, Điều 9, Luật GTĐB quy định: "1. Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ."
 |
Tài xế có nhìn thấy chác cháu nhỏ đi ngược chiều nhưng vẫn vượt lên thì xác định luôn là có lỗi |
Ở đây, đường nhỏ hẹp, xe bán tải đậu như vậy thì buộc tài xế xe tải phải đi lấn sang phần đường ngược chiều để lách qua. Do vậy, việc áp dụng quy định tương tự như vượt xe để xác định yếu tố lỗi với tài xế xe tải là hợp lý hơn so với quy định về việc "phải đi đúng làn đường, phần đường quy định". Nếu áp dụng như vậy thì mọi trường hợp vượt xe dù đang dừng hay đang di chuyển thì cũng đều sai cả, bởi khi vượt xe với đường nhỏ hẹp thì buộc phải lấn sang làn bên kia.
Yếu tố cốt lõi là đánh giá hành vi "vượt chướng ngại vật" của tài xế xe tải đã bảo đảm đủ các yếu tố an toàn chưa? Hiện trường thể hiện, với đường thẳng, ban ngày, tầm quan sát không bị hạn chế, xe bán tải đậu khá sát lề đường nên Trung hoàn toàn có thể quan sát rõ ràng có phương tiện đi ngược chiều. Do đó, việc Trung lựa chọn vượt xe và lấn phần lớn đường ngược chiều khi phía trước đang có các cháu học sinh đi ngược chiều là đã vi phạm quy định về vượt xe theo Luật GTĐB.
Đây là yếu tố cốt lõi quan trọng nhất, Trung có nhìn thấy các cháu nhỏ đi ngược chiều không? Nếu câu trả lời là có thì với cách vượt, lấn làn như vậy cần xác định luôn là có lỗi.
Giả sử xe đối diện ngã ngoài ra phần đường của xe tải nhưng ở khoảng cách xa nhất định, với yêu cầu tốc độ tối đa, xe tải buộc phải dừng hoặc tránh vật cản, nếu vẫn cán vào thì xe tải vẫn có thể bị xác định là có lỗi.
“Ở đây các cháu ngã ở phần đường của các cháu, xe tải đang lấn làn vượt và cán vào, do dó, thật khó để xác định rằng xe tải không có lỗi!”, một số luật sư nhận định.
Cháu Trân không có lỗi?
Đánh giá đối với hành vi điều khiển xe đạp điện của cháu Trân. Liệu có thể xác định cháu vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và có lỗi hay không?
Nhiều luật sư đang đồng ý với kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Vĩnh Long và đánh giá cháu Trân vi phạm về việc giữ khoảng cách và chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện.
 |
Bản kết luận xác định tài xế Trung đã vượt xe không đảm bảo an toàn |
"Điều 12. Tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe
1. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe" phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo."
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Thành chia sẻ, điều khiển xe đạp điện, phương tiện này được xếp vào dạng phương tiện xe thô sơ theo Điều 3.19 Luật GTĐB. Theo đó, các vấn đề liên quan tới giữ khoảng cách an toàn hay độ tuổi điều khiển phương tiện sẽ không áp dụng.
Cần xác đinh rằng Luật GTĐB chỉ có quy định các lỗi trên với các phương tiện từ xe máy điện, xe máy trở lên (gọi là xe cơ giới theo Điều 3.18), và Người lái xe theo Điều 3.24 cũng được định nghĩa là “người điều khiển xe cơ giới”.
Do vậy, kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Vĩnh Long về hành vi không giữ khoảng cách an toàn theo Điều 12, Luật GTĐB là có thể chưa hợp lý. Dễ hiểu, không có quy định nào bắt 2 người đi xe đạp, hoặc xích lô phải giữ khoảng cách 20m khi di chuyển cả.
Từ các phân tích trên, thì lỗi của Trung chiếm tới 80% nguyên nhân gây ra vụ việc thương tâm này, theo đó, đủ điều kiện để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trung về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260, BLHS hiện hành.
Một quyết định tàn nhẫn!
Theo luật sư Đỗ Thanh Lâm, chia sẻ diễn đàn nghề luật cho biết, thực tiễn cho thấy đối với các vụ TNGT mà có lỗi hỗn hợp (tức cùng có lỗi của cả người gây tai nạn và nạn nhân) thì các cơ quan tố tụng cũng thường khởi tố vụ án.
 |
Bộ Công an đề nghị hủy quyết định không khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra và xử lý nghiêm những cán bộ liên quan nếu để xảy ra sai phạm phạm trong tố tụng |
Ngoài nhận định và kết luận không đúng về hành vi của tài xế xe tải Trung nêu trên, dẫn tới không khởi tố vụ án và khởi tố bị can, Cơ quan cảnh sát Điều tra - Công an huyện Trà Ôn trong Thông báo ban đầu còn nêu lý do của việc không khởi tố: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết”.
Đây là nhận định hoàn toàn không đúng, sai lầm nghiêm trọng tiếp theo của Công an huyện Trà Ôn. Bởi trong quá trình giải quyết tin báo tội phạm, cơ quan tố tụng chỉ ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo quy định trên của Điều 157, BLTTHS với điều kiện là người đã chết chính là người có hành vi phạm tội. Như trong các vụ TNGT, chỉ vận dụng quy định ấy đối với những người có hành vi vi phạm ATGT và gây TNGT làm chết người khác và họ cũng bị chết thì mới đúng quy định của luật. Trong khi bé Trân làm gì có hành vi phạm tội nào (không làm cho ai chết) mà lại ra quyết định không khởi tố vụ án theo hướng như thế!
Từ thông báo lạnh lùng này đã dẫn tới người cha của cháu Trân bức xúc tột cùng. Vì cháu Trân đang từ nạn nhân bị mất trong TNGT, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội này, thành người “thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội”.
Tóm tắt vụ việc:
Sự việc xảy ra ngày 4/9/2024, tài xế Nguyễn Văn Bảo Trung (SN 1992, ngụ tại xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) do tránh xe bán tải đỗ ven đường đã đi lấn sang phần đường còn lại để vượt. Bên phía đường ngược lại, do phát hiện xe tải, cháu N đã dừng lại, nhưng xe đạp điện của cháu Nguyễn Ngọc Bảo Trân (SN 2010, trú tại ấp Bang Chang, xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) chạy phía sau đã tông trúng xe của cháu N rồi sau đó ngã ra đường và bị bánh trước xe tải lái cán qua làm cháu Trân tử vong.
Sau đó, CQĐT huyện Trà Ôn, VKS, toà án cùng họp và đưa ra quan điểm vụ việc. Công an huyện Trà Ôn xác định cháu Trân có lỗi đi xe đạp điện không chú ý quan sát, còn Trung lái xe tải đi không đúng phần đường quy định. VKS và TAND cùng quan điểm lỗi hoàn toàn do tài xế Trung vượt xe không đảm bảo an toàn. Còn cháu Trân lỗi vi phạm hành chính do không chú ý quan sát.
Do ngành tư pháp huyện Trà Ôn không thống nhất quan điểm nên PC01 đã phối hợp Phòng CSGT và VKS tỉnh Vĩnh Long kiểm tra hồ sơ. Cuối cùng CQĐT tỉnh Vĩnh Long kết luận: cháu Trân điều khiển xe đạp điện không giữ khoảng cách an toàn, không chú ý quan sát với xe cùng chiều phía trước là lỗi chính gây ra vụ tai nạn.
Sau đó hồ sơ được chuyển ngược về lại cho Công an huyện Trà Ôn và có lẽ Công an huyện Trà Ôn dựa vào kết luận cuối cùng của Công an tỉnh Vĩnh Long cho rằng: “lỗi chính” là của cháu Trân và “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết” nên không khởi tố”.
Người cha” của nạn nhân trong vụ việc sau những uất ức của mình, khi vụ việc không được giải quyết thỏa đáng, đã dùng súng tự chế bắn tài xế Trung và tự kết liễu.
Ngày 2/5, Bộ Công an cho biết, qua kiểm tra hồ sơ vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 4/9/2024 tại xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định hành vi điều khiển ô tô của tài xế Nguyễn Văn Bảo Trung (SN 1992, ngụ tỉnh Trà Vinh) có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo khoản 1, Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015. Do đó, Bộ Công an đề nghị huỷ quyết định không khởi tố vụ án đối với vụ án nêu trên.
|