Nhịp đời qua ống kính

Thanh Hóa: Hành động dũng cảm cứu người chậm được khen thưởng kịp thời

10:29 | 15/10/2024

Chia sẻ

QHNNGần tròn 7 tháng, người dân và chính quyền xã Trung Sơn vẫn mỏn mỏi chờ đợi quyết định khen thưởng đột xuất, kịp thời của UBND huyện Quan Hóa.

Là người dân tộc Thái có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, một mình nuôi 3 con người con, trong đó có 2 cháu nhỏ bị bệnh xoắn ruột, thường xuyên đau ốm. Để mưu sinh cuộc sống hàng ngày, chị Vi Thị Dung, trú tại bản Co Me, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa thường xuyên phải đi mò cua, bắt ốc trên sông để kiếm sống.

Chị Vi Thị Dung được anh Hoàng Đạt và một số người cứu lên bờ và đưa đến Trạm y tế xã Trung Sơn chăm sóc,
Chị Vi Thị Dung được anh Hoàng Đạt và một số người cứu lên bờ và đưa đến Trạm y tế xã Trung Sơn chăm sóc.

Sự việc xảy ra với chị vào buổi sáng ngày 22/3/2024, do bị trơn trượt chị Vi Thị Dung đã ngã xuống sông, nhưng may mắn chị đã được cứu sống bởi hành động dũng cảm của một người đàn ông cùng sự giúp đỡ của nhóm người trên đường đi thiện nguyện, nếu không hậu quả sẽ không thể lường hết được.

Mặc dù ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND xã Trung Sơn đã kịp thời có báo cáo gửi UBND huyện Quan Hóa báo cáo sự việc, đồng thời để có cơ sởUBND huyện Quan Hóa xem xét đưa ra hình thức khen thưởng kịp thời. Tuy nhiên, đến nay đã gần tròn 7 tháng, người dân và chính quyền xã Trung Sơn vẫn mỏn mỏi chờ đợi quyết định khen thưởng đột xuất, kịp thời của UBND huyện Quan Hóa.

Báo cáo số 41/BC-UBND ngày 22/3/2024 của UBND xã Trung Sơn “Về trường hợp bị đuối nước được người qua đường cứu vớt” gửi UBND huyện Quan Hóa cho thấy: Vào buổi sáng ngày 22/3/2024 khi Thủy điện Trung Sơn tích nước, chị Vi Thị Dung, sinh năm 1987, thường trú tại bản Co Me đã ra bờ sông để nhặt ốc. Đến khoảng 11h40 tại khu vực cánh E Hén thuộc địa phận bản Co Me do bùn lầy trơn trượt chị Vi Thị Dung bị trượt chân xuống khu vực nước sâu. Tại thời điểm xảy ra sự việc có bà Hà Thị Sèn đang ở trên bè gần đấy thấy đã hô hoán kêu cứu.

Cùng lúc đấy anh Hoàng Đạt, sinh năm 1989, địa chỉ 15 Cửa Tả, phường Lam Sơn, TP.Thanh Hóa cùng Đoàn thuộc Công ty BLS đang trên đường lên xã Trung Sơn khảo sát để làm công tác thiện nguyện, đến khu tái định cư bản Co Me nghe được tiếng kêu cứu của bà Hà Thị Sèn, anh Hoàng Đạt (trong Đoàn thiện nguyện) đã nhảy xuống sông cứu được chị Vi Thị Dung lên bờ vào lúc 11h43.

undefined
 

Sau khi đưa nạn nhân lên bờ và sơ cứu cho nạn nhân, anh Hoàng Đạt và các thành viên cùng đoàn đã đưa nạn nhân đến Trạm y tế xã Trung Sơn để nhân viên y tế chăm sóc, đến 13h sức khỏe của chị Vi Thị Dung đã ổn định. Sau khi nhận được tin lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Trung Sơn đã đến thăm hỏi, động viên.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, phóng viên đã trao đổi qua điện thoại với đại diện lãnh đạo xã Trung Sơn được biết, xã đã có ngay báo cáo gửi UBND huyện Quan Hóa để báo cáo sự việc, đồng thời làm cơ sở để huyện có hình thức khen thưởng kịp thời đối với người đã có hành động dũng cảm cứu người là chị Vi Thị Dung khỏi đuối nước.

​Phóng viên cũng đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Đức Dũng – Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, tuy nhiên ông cho rằng sự việc cần phải được xác minh lại?

​Theo thông tin mà phóng viên nắm được, đến nay hành động cứu chị Vi Thị Dung bị đuối nước của anh Hoàng Đạt vẫn chưa được UBND Quan Hóa giải quyết thỏa đáng cho dù UBND xã Trung Sơn cũng đã có trao đổi lại vụ việc với phía UBND huyện Quan Hóa, trong đó có Phòng Nội vụ của huyện này.

​Thiết nghĩ UBND tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo kiểm tra lại vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, tránh dư luận cho rằng UBND huyện Quan Hóa, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu khi để sự việc chậm trễ, kéo dài.

Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, thì trong đó, khen thưởng đột xuất là khen thưởng cho tập thể cá nhân lập được thành tích đột xuất. “Thành tích đột xuất là thành tích đạt được ngoài chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ mà tập thể, cá nhân phải đảm nhiệm. Thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất là thành tích đột xuất đạt được ở mức độ đặc biệt xuất sắc khi dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhân dân, của Nhà nước hoặc chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực được khu vực hoặc thế giới ghi nhận…”, Điều 13 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ.

Như vậy, cá nhân, tổ chức có thẩm quyền sau khi nhận được đề nghị từ cá nhân, cơ quan cấp dưới đã phát hiện, ghi nhận hành động dũng cảm cứu người của người khác có trách nhiệm trao giấy khen thưởng cho người đã có hành động dũng cảm cứu người.
Hành vi chậm trễ hoặc từ chối giải quyết việc khen thưởng có thể được xem là hành vi cản trở, nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Thi đua khen thưởng.

Trường hợp nếu người nào có hành vi vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 93 Luật Thi đua khen thưởng).

Đặng Vũ

Nguồn: https://phapluatplus.baophapluat.vn/thanh-hoa-hanh-dong-dung-cam-cuu-nguoi-cham-duoc-khen-thuong-kip-thoi-203274.html

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn