Văn nghệ & Thư giãn

Mùa đổ nước ải

17:33 | 16/11/2016

Chia sẻ

QHNN Gọi là mùa, chứ thật ra việc đổ nước vào cánh đồng sau khi phơi ải (thường gọi tắt là đổ ải) chỉ diễn ra trong dăm ba hôm. Mùa đổ ải có tính đồng loạt, khởi đầu cho vụ mùa Hè - Thu ở quê tôi. Tính cộng đồng này đã dệt nên bao kỷ niệm. Rồi bám giữ trong kí ức dân quê. Theo vòng xoay nối mùa, những kỉ niệm giản đơn, nhưng rất đỗi thân thương cứ dần dà thành chuyện xưa cũ. Rồi được người dân quê tôi kể lại trong những buổi làm đồng, trong những đêm trăng cùng nhau hàn huyên tâm sự nơi chốn quê yên bình. Vì thế, dẫu chỉ diễn ra trong thời gian ngắn vẫn gọi là mùa đổ ải là vậy.

Để có mùa đổ ải, phải kể đến mùa cày ải. Cánh đồng sau vụ Đông - Xuân chỉ còn trơ gốc rạ. Nơi ấy lại là nơi tụ hội của mục đồng với bao trò chơi dân dã của tuổi thơ. Trong đó thả diều như được quan tâm hơn hết. Những cánh diều vi vu cùng gió chiều lồng lộng, mơn man cùng khói đồng lãng đãng, mơ hồ. Ước mơ tuổi thơ cứ quyện hòa cùng cánh diều vi vút. Và tâm hồn luôn lưu giữ mùi khoai nướng thơm lừng được nướng bằng những cọng rơm còn sót lại sau vụ gặt.
Cảnh thanh bình nơi chốn quê như dồn nén. Rồi bật lên những cảm xúc thật khó gọi tên. Rồi lưu lại trong ký ức thành tình yêu đằm thắm, đắm say không dễ gì rũ bỏ. Nhà thơ Đồng Đức Bốn mượn vần lục bát để nhớ lại “Mãi mê đuổi một con diều / Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”. Với tuổi ấu thơ có ai nghĩ đến cái triết lí mất còn. Duy kỷ niệm “con diều”, “củ khoai” cứ  khắc khoải hoài trong tiếc nuối khi thời gian lặng lẽ trôi đi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trải qua bao đời, người dân quê đã đúc kết được kinh nghiệm canh tác: “Cày ải hơn rải phân”. Mục đích của công việc này là diệt trừ sâu bọ và cho đất thông thoáng, nghỉ ngơi để bước vào vụ mới. Những luống cày trơ ra, mấp mô, khô khốc trong nắng và được gọi với cái tên: Mùa phơi ải. Trẻ mục đồng lại có thêm trò chơi mới: trốn tìm, chia phe chọi đất… với bước đi khập khiễng trên luống cày mấp mô, đôi lúc té ngã rồi cùng nhau bật cười giòn tan. Những hình ảnh ấy, giờ nhớ lại ta thấy có bóng dáng của mình ngày xưa. Lại thêm trò chơi mơ ước cao vời. Đấy là xây những lâu đài bằng những tảng đất cục, rồi ước mình hóa thành Hoàng tử đầy quyền uy, hay nàng công chúa kiều diễm thông minh…
Trên cánh đồng này. Biết bao ước mơ đã trở thành hiện thực và có những ước mơ mãi mãi ở lại với cánh đồng  thân thuộc này. Dẫu sao cũng là hạnh phúc thuở ấu thơ. Duy cái âm thanh cha dùng cuốc đảo đất cho khô đều, hay tiếng kêu “bình bịch” khi cha dùng chồ đập đất cục cho đất tơi xốp rệu ra dưới nắng chang chang cứ vang vọng  và níu kéo những người con xa quê  luôn mong mỏi quay về.
Khi tiếng chim tu hú gọi nôn nao ngoài bãi vắng. Khi những cánh hoa phượng đỏ thắm xòe ra, cùng tiếng ve lác đác ngân vang thì mùa đổ ải lại về.
Chiều, gió trên cánh đồng đổ ải như đầy hơn, mát hơn. Bởi có thêm hơi nước quyện vào gió đồng diệu khiết như xua đi cái mệt nhọc nông trang. Cánh đồng nhộn nhịp, gấp gáp hẵn lên. Tiếng lộc cộc quay đều của guồng quay nước bằng sức người, tiếng kẽo kịt của cần vọt, tiếng xập xòa của gàu sòng nhịp nhàng cùng đôi bóng nhấp nhô trên kênh nước trong xanh. Những hình ảnh ấy cứ thế chạy dài theo theo con kênh ắp đầy nước mát cùng tiếng nói cười rộn rã hòa cùng miên man gió hát.

 

Còn gì thơ mộng hơn, yên bình hơn khi đêm về, trăng mười sáu đã lên buông sắc vàng sóng sánh, rồi ẩn mình trong dòng nước mát, để chiếc gàu sòng lặn ngụp, múc lên sắc vàng huyền diệu tạo ra sóng nước điệp tròn gợn tỏa xênh xang. Và khúc ca dao chợt ngan ngát cùng tiếng đêm, lay gọi ta về một thời thao thức: “Hỡi cô tát nước đầu làng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”.
Những giọt nước theo tay người. Chẳng mấy chốc cánh đồng  ngời lên trắng xóa. Và ếch nhái, côn trùng được dịp tấu lên bản hòa ca muôn thuở, như dắt hồn người về với miền cổ tích xa xăm. Những ánh đuốc bập bùng trong đêm soi đồng được thắp lên cùng tiếng cười đùa gọi nhau í ới. Cánh đồng như được giãn ra theo ánh đuốc. Tiếng đêm như đồng cảm cùng con người dệt nên ký ức. Hỡi ai xa quê có cùng tôi đồng vọng…
Thấm thoắt mùa đổ ải đã xong. Ngày mai, với sức dẻo dai, chịu thương chịu khó của mình, những người nông dân cùng sự hỗ trợ sức kéo của trâu bò cánh đồng được cày bừa, sẽ phẳng lì trắng nước chỉ còn hiện lên bờ vùng, bờ thửa dọc ngang như ô bàn cờ không hoàn chỉnh . Rồi những cây mạ non sẽ được cấy xuống và hẹn nên mùa vàng…
Bây giờ vẫn mùa đổ ải. Nhưng, có phần khác xưa. Bởi guồng quay nước, gàu sòng, gàu giai… được thay bằng máy bơm nước gắn bằng động cơ điện hay động cơ nổ. Hay chỉ cần be bờ tháo nước do hệ thống kênh mương đã được xây dựng kiên cố bằng bê tông và được tính toán khoa học nước có thể được tháo thẳng vào chân ruộng. Và hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau cũng dần mất đi, được thay bằng máy cày chạy rầm rập trên đồng ruộng. Cụm từ “đi cấy mạ non” cũng mất đi, được thay bằng cách gieo sạ nhanh gọn xiết bao.  Dẫu sao đi chăng nữa, mùa đổ ải vẫn còn mãi trong tâm thức người dân quê.
Với tôi mùa đổ ải vẫn in sâu trong miền nhớ!
Bùi Huyền Tương
(Hội VHNT tỉnh Quảng Ngãi)
Nguồn: QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY
Tạp chí số 72 + 73 / 2016
 

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn