Pháp luật & xã hội

Luật sư phân tích việc lái xe taxi "chặt chém" 4,2 triệu đồng có thể đối diện với mức án nào?

17:06 | 18/06/2025

Chia sẻ

QHNNNgày 17/6, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội tạm giữ hình sự Thái Ngọc Anh (SN 1993, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản của 2 người dân ở Lào Cai. Theo chuyên gia pháp lý, hành vi của Thái Ngọc Anh có thể đối diện với mức án 5 năm tù hoặc cao hơn.

Theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, Thái Ngọc Anh là tài xế taxi thu 4,2 triệu đồng của 2 người vùng cao khi chở họ từ khu vực đường Vành đai 3 (Hà Nội) tới đường nối vào cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Tại trụ sở công an, Thái Ngọc Anh thừa nhận hành vi lấy 4,2 triệu đồng tiền cước xe taxi của anh Giàng Hồ (ở Lào Cai) cùng thím là chị Cư Mủa (32 tuổi, ở Lào Cai) cho quãng đường từ bến xe Mỹ Đình đến đầu cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Ngọc Anh khai rằng, vì thấy hai người này dễ nên thu cao. Khi đưa ra giá tiền 2 vị khách kêu đắt thì Ngọc Anh dọa sẽ chở quay về lại Mỹ Đình. Ngoài ra, đối tượng khai không có hành động đe dọa nào khác.

Tuy nhiên, theo anh Giàng Hồ và chị Cư Mủa cho biết, khi hai người kêu giá xe đắt, Ngọc Anh đã khóa cửa và nói sẽ không cho xuống xe, chở quay ngược lại bến xe Mỹ Đình nếu không trả tiền. Lo sợ, anh Hồ đã nhắn tin cho người thân chuyển khoản 4 triệu đồng cho Ngọc Anh và đưa thêm 200.000 đồng. Sau đó, anh Hồ và chị Mủa được Ngọc Anh cho xuống xe

Sau đó, anh Hồ chấp nhận chuyển tiền cho Ngọc Anh. Lý giải về hành động trên, nam tài xế cho biết vì lòng tham, cũng như bản thân nợ nần nhiều nên quẫn trí. Khi biết sự việc lan truyền trên mạng xã hội, Ngọc Anh thấy sợ hãi nên có tìm cách nhắn tin cho anh Xuân Trường (người đã giúp đỡ 2 thím cháu anh Giàng Hồ phản ánh vụ việc) đề nghị trả tiền nhưng không được.

Tại cơ quan công an, nam tài xế thừa nhận bản thân mình đã “quá ngu dốt”, “muốn sửa sai” và gửi lời xin lỗi tới 2 bị hại.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng tiếp tục làm rõ hành vi của 2 lái xe ôm cùng 1 người đàn ông khác liên quan. Trong đó tài xế xe ôm cũng thu của 2 nạn nhân 700.000 đồng cho một quãng đường ngắn. Những đối tượng này khai không có móc nối trước với Ngọc Anh để “chặt chém” khách mà chỉ gọi cho Ngọc Anh chở khách do có quen biết trước.

Luật sư phân tích việc lái xe taxi
Hình ảnh Công an phường Mỹ Đình 2 làm việc với 2 nạn nhân bị "chặt chém" 4,2 triệu đồng khi đi taxi. (Ảnh: Xuân Trường)

Theo cơ quan chức năng, trưa 13/6, anh Giàng Hồ cùng chị Cư Mủa đến bến xe Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, để bắt xe khách về Lào Cai.

Tại bến xe, 2 người được T.T.T. (nhân viên một nhà xe) đến hỏi chuyện. Sau đó, T. gọi N.T.A. và P.V.T. (34 tuổi, ở phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, cùng là xe ôm) chở anh Hồ và chị Mủa ra đường Phạm Hùng để đuổi theo xe khách.

Đi được một đoạn, A. nói sẽ gọi ô tô trung chuyển đưa 2 người đi, vì xe khách vào cao tốc nên xe máy không đi được. A. báo giá 700.000 đồng, là tiền xe ôm và tiền xe khách.

Khi 2 người đồng ý, A. gọi Thái Ngọc Anh đi ô tô đến đón và được 2 vị khách trả 700.000 đồng. Số tiền này, A. chia cho V.T. 250.000 đồng, và cho T.T. 150.000 đồng.

Quá trình di chuyển, anh Hồ và chị Mủa thấy đi lâu mà không thấy xe khách nên yêu cầu Ngọc Anh dừng xe tại khu vực gần lối vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Lúc này, tài xế taxi báo giá cước 4,2 triệu đồng. Anh Hồ nói với Ngọc Anh đã trả tiền cho người lái xe ôm nhưng Ngọc Anh trả lời không có.

Khi 2 vị khách không đồng ý trả tiền, Ngọc Anh nói sẽ không cho xuống xe và chở quay ngược lại bến xe Mỹ Đình. Lo sợ, anh Hồ đã nhắn tin cho người thân chuyển khoản 4 triệu đồng cho Ngọc Anh và đưa thêm 200.000 đồng. Sau đó, anh Hồ và chị Mủa được Ngọc Anh cho xuống xe.

Luật sư phân tích việc lái xe taxi
Hai nạn nhân bị taxi "chặt chém" 4,2 triệu đồng/ cuốc taxi khoảng 30km và anh Xuân Trường (ngoài cùng bên phải) đã giúp đỡ trong quá trình phản ánh vụ việc. (Ảnh: Xuân Trường)

Liên quan đến vụ việc, Luật sư Hồ Thị Phượng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, hành vi “chặt chém” khách không chỉ là vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn là biểu hiện của hành vi xâm phạm đến quyền tài sản và sự an toàn cá nhân của hành khách, đặc biệt nghiêm trọng khi kèm theo các thủ đoạn tinh vi hoặc yếu tố cưỡng ép, đe dọa.

Hành vi khóa cửa xe, đe dọa và buộc hành khách giao nộp một khoản tiền vượt quá giá cước thông thường không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn có dấu hiệu cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo quy định, hành vi cưỡng đoạt tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn uy hiếp tinh thần khác nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Trong trường hợp này, việc tài xế cố ý tạo dựng tình huống khống chế như khóa cửa xe, phát ngôn đe dọa và không cho hành khách rời khỏi xe nếu không chuyển khoản là biểu hiện rõ nét của hành vi uy hiếp tinh thần nhằm chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Đặc biệt, người bị hại là phụ nữ dân tộc thiểu số, đang ở địa bàn xa lạ, cho thấy tài xế đã lợi dụng tình thế đặc biệt dễ bị tổn thương của nạn nhân để thực hiện hành vi phạm pháp, làm gia tăng tính nguy hiểm cho xã hội và mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

“Nếu cơ quan tiến hành tố tụng xác định được đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức hình phạt có thể lên tới 05 năm tù giam hoặc cao hơn, tùy theo giá trị tài sản chiếm đoạt và các tình tiết tăng nặng nếu có.

Đây là một dạng hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản một cách trắng trợn, cần được xử lý nghiêm minh để đảm bảo tính răn đe và bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân trong hoạt động giao thông, vận tải công cộng”, Luật sư Hồ Thị Phượng cho biết.

Luật sư Hồ Thị Phượng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Luật sư Hồ Thị Phượng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Từ vụ việc này, Luật sư Hồ Thị Phượng cũng đưa ra lời khuyên để hạn chế rủi ro bị lợi dụng, cưỡng ép hoặc “chặt chém” khi sử dụng dịch vụ vận chuyển hành khách tại các bến xe, người dân cần nâng cao cảnh giác và lựa chọn phương tiện vận tải có đăng ký hoạt động hợp pháp, sử dụng các ứng dụng gọi xe uy tín để biết rõ giá cước, thông tin tài xế và hành trình.

Trong trường hợp buộc phải đón xe trực tiếp, cần thỏa thuận rõ ràng về giá cả trước khi lên xe và nếu có thể nên ghi lại biển số xe, hình ảnh phương tiện hoặc thông tin tài xế để đề phòng rủi ro.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng địa bàn bến xe để lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ quyền được bảo vệ trong giao dịch dân sự và tiêu dùng dịch vụ.

Việc bảo vệ quyền lợi người dân không chỉ đến từ phía cơ quan nhà nước, mà còn bắt đầu từ sự chủ động pháp lý của mỗi cá nhân khi tham gia vào các giao dịch hàng ngày.

Châu Doanh - Lành Vũ

Nguồn: https://phapluatplus.baophapluat.vn/luat-su-phan-tich-viec-lai-xe-taxi-chat-chem-42-trieu-dong-co-the-doi-dien-voi-muc-an-nao-218231.html

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn