Góc mở và suy ngẫm

Đừng để nhân loại nhận một tương lai thảm khốc

17:42 | 06/06/2022

Chia sẻ

QHNN“Chúng ta đang đi trên một con đường trượt dốc nguy hiểm, chúng ta có thể hành động cứu thế giới của mình, hoặc để nhân loại nhận một tương lai thảm khốc”, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc António Guterres từng nhận định. Theo cảnh báo của Liên Hợp quốc, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường là ba mối đe dọa đang hiện hữu đối với sức khỏe của con người và sự phát triển kinh tế toàn cầu.

Cháy rừng quốc gia Eldorado ở bang California (Hoa Kỳ) vào tháng 8/2021. Ảnh: Reuters.

“Bản án tử” khi trái đất ấm lên

Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã kêu gọi hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất dưới ngưỡng 2 độ C, lý tưởng nhất ở mức 1,5 độ C.

Tuy nhiên, năm 2021, thế giới đã chứng kiến một loạt những hiện tượng khí hậu cực đoan như những trận lũ lụt lịch sử, nắng nóng bất thường và cháy rừng ở mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy ở các châu lục.

Đó là bằng chứng trực quan nhất và cũng là cay đắng nhất, để chỉ ra: Ngay cả khi Trái đất ấm lên ở ngưỡng 2 độ C, cũng gây ra những hiểm họa thảm khốc đe dọa đến cuộc sống của con người ở bất cứ đâu.

Trong khi thế giới cam kết nỗ lực giảm đà tăng nhiệt độ Trái đất, các dự báo vẫn cho thấy, nhiệt độ toàn cầu vẫn tiếp tục gia tăng trong thập kỷ tới. Vì vậy, trong Thỏa thuận Glasgow năm 2021, gần 200 quốc gia đã đi đến thỏa thuận một lộ trình hạn chế ấm lên toàn cầu dưới mức 1,5 độ C.

Sự khác biệt giữa 1,5 độ C và 2 độ C chính là “một bản án tử” đối với những quốc gia, quốc đảo nhỏ như Maldives và Barbados. Điều này đã được nguyên thủ từ cả 2 quốc đảo này chỉ ra trong các Hội nghị Liên Hợp quốc trong năm 2021.

Đừng để nhân loại nhận một tương lai thảm khốc ảnh 1

Siêu bão số 9 (bão Rai) từ giữa tháng 9 đến tháng 12/2021 ở khu vực miền Trung Việt Nam gây ngập lụt diện rộng, sạt lở nhiều nơi.

Từ trận lũ kinh hoàng ở Đức và Trung Quốc; cháy rừng lớn ở Canada, Hy Lạp, bang California (Hoa Kỳ); đến hiện tượng mưa bất thường, chứ không phải tuyết rơi, tại Greenland – một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, cũng là hòn đảo lớn nhất thế giới nằm trong vùng khí hậu Bắc Cực.

Amanda Maycock, chuyên gia khí hậu từ Đại học Leeds (Anh) cho biết: “Không có mức độ nóng lên toàn cầu nào có thể được coi là an toàn và con người đang chết dần vì biến đổi khí hậu”.

Đơn cử, hiện tượng vòm nhiệt (heatdome) ở Tây Bắc Thái Bình Dương của Hoa Kỳ và bờ biển phía Tây của Canada vào tháng 6/2021, đã dẫn đến hàng trăm người tử vong, giết chết hàng trăm triệu sinh vật biển.

Còn theo nghiên cứu của nhà khoa học khí hậu Joeri Rogelj từ Đại học Imperial London (Anh): Ở mức ấm lên 1,5 độ C, khoảng 14% dân số thế giới sẽ phải hứng chịu những đợt nắng nóng nghiêm trọng mỗi 5 năm một lần.

Còn ở ngưỡng 2 độ C, khoảng 33% dân số toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có hàng triệu người có thể tử vong vì nắng nóng khắc nghiệt.

Mặt khác, 99% rạn san hô trên thế giới cũng bắt đầu tan biến. Gần 1/10 động vật có xương sống và gần 1/5 thực vật sẽ mất một nửa môi trường sống. Theo Rogelj, các hệ sinh thái bao gồm san hô, đất ngập nước, vùng núi cao và Bắc Cực có thể bị “khai tử” ở mức độ ấm lên toàn cầu này.

Vượt quá 1,5 độ C, nắng nóng ở các vùng nhiệt đới trên thế giới sẽ đẩy các xã hội đến giới hạn, với độ ẩm khiến mồ hôi khó bốc hơi, nhiệt độ cơ thể khó hạ xuống.

Các nhà khoa học nhận thấy rằng các đợt nắng nóng khắc nghiệt có thể khiến một số khu vực ở Trung Đông, Trung Quốc và Ấn Độ trở nên quá nóng khiến con người không thể chịu đựng được. Tuy nhiên, ông Joeri Rogelj cho rằng, rất có thể nhiệt độ Trái đất sẽ sớm đạt đến 1,5 độ C trong thập kỷ tới bởi những hoạt động của con người.

“Tiếng chuông cảnh tỉnh” từ thiên nhiên

Trên khắp hành tinh, mọi người đang phải đối mặt với những cơn bão dữ dội, sóng nhiệt, lũ lụt và hạn hán.

Khoảng 216 triệu người, chủ yếu đến từ các nước đang phát triển, sẽ buộc phải di dời khỏi những khu vực chịu tác động nặng nề vào năm 2050 trừ khi có hành động ứng phó hiệu quả. Ngân hàng Thế giới ước tính, nền kinh tế toàn cầu sẽ bị thiệt hại ít nhất 23 tỷ USD bởi khủng hoảng khí hậu.

Đừng để nhân loại nhận một tương lai thảm khốc ảnh 2

Trận lũ lịch sử ở Đức vào tháng 7/2021. Ảnh: CNN

Lũ lụt, hạn hán bất thường dẫn đến những cuộc khủng hoảng về nước toàn cầu. Hiện tượng ngập lụt xuất hiện thường xuyên hơn, thậm chí gấp đôi mức bình thường, ở các nước phát triển như Đức, Trung Quốc, Mỹ, Vương quốc Anh,… cũng gây thiệt hại nặng nề ở các nước đang phát triển.

Đơn cử, cơn bão năm 2020 tại Sudan đã mang lại lượng nước mưa tương đương một tháng chỉ trong 48 giờ đã quét sạch 110.000 ngôi nhà dân.

Trong khi đó, lượng nước trên cạn cung cấp cho nhân loại cũng đang giảm với tốc độ 1cm mỗi năm. Nếu tiếp tục theo đà này, trong vòng 3 thập kỷ tới, ước tính sẽ có khoảng 5 tỷ người sống trong tình trạng thiếu nước.

Trái đất càng nóng lên, nguy cơ cháy rừng càng tăng cao hơn. Theo các nhà khoa học, nếu nhiệt độ Trái đất tăng lên 3 độ C, toàn bộ Bắc Mỹ và châu Âu sẽ thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng. “Mùa hè đen” ở Úc trong giai đoạn 2019-2020 đã cho thấy mức độ thảm khốc của nạn cháy rừng, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy như trẻ em không thể đến trường, ô nhiễm môi trường, lây lan mầm bệnh,…

Cuộc khủng hoảng khí hậu còn có thể dẫn đến sự gia tăng hiện tượng mất mùa, nạn đói ở nhiều nơi. Vào tháng 8/2021, Liên Hợp quốc cho biết Madagascar đang ở trên bờ vực của “nạn đói do biến đổi khí hậu” đầu tiên trên thế giới, với hàng chục nghìn người nông dân không thể thu hoạch mùa màng sau bốn năm hầu như không có cơn mưa nào.

Bất chấp sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo, chuyển dịch giao thông điện, trên thực tế các quốc gia vẫn còn phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch như than, đầu, khí đốt,... phát thải ô nhiễm không khí. Theo ước tính của các nhà khoa học, chỉ riêng ô nhiễm không khí do đốt những nhiên liệu này đã giết chết gần 9 triệu người mỗi năm trên toàn cầu.

Đừng để nhân loại nhận một tương lai thảm khốc ảnh 3

Trạm làm mát ở Trung tâm Hội nghị Oregon (Hoa Kỳ) trong đợt nắng nóng khắc nghiệt trên toàn Hoa Kỳ vào tháng 6/2021. Ảnh: AFP

Đến bức tranh đáng báo động tại Việt Nam

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung của toàn thế giới. Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia lần thứ nhất năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đánh giá diễn biến của khí hậu, xu thế thay đổi của khí hậu và khí hậu cực đoan trong thời kỳ 1958-2018.

Đáng nói, trong 10 năm cuối của kỳ đánh giá (2009-2018) so với 10 năm kỳ trước (1999-2008), hầu hết các yếu tố khí hậu và cực đoan khí hậu trong thời kỳ 2009-2018 có mức độ dao động mạnh hơn so với thời kỳ 1999-2008.

Cụ thể, nhiệt độ trung bình, nhiệt độ tối cao trung bình năm, nhiệt độ tối thấp trung bình năm trên cả nước và các vùng khí hậu đều có xu thế tăng.

Biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng các cơn bão mạnh ở khu vực Biển Đông; gia tăng lượng mưa ở hầu hết các tháng trong năm, làm gia tăng lượng dòng chảy trong sông; gia tăng nguy cơ về khô hạn, hoang mạc hóa, xâm nhập mặn, ngập lụt, xói mòn, rửa trôi, sạt lở khiến cho diện tích đất suy giảm.

Bên cạnh đó, nguy cơ cháy rừng, nguy cơ phát triển và lây lan sâu bệnh hại rừng cũng gia tăng; mức độ đa dạng sinh học, cấu trúc thành phần loài của các hệ sinh thái có thể bị thay đổi do môi trường sống bị thay đổi, nguy cơ tuyệt chủng loài gia tăng.

Ngoài ra, các hoạt động kinh tế - xã hội cũng chịu tác động mạnh bởi sự gia tăng của thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng bất thường, rét đậm, rét hại,…

Đừng để nhân loại nhận một tương lai thảm khốc ảnh 4

Cơn mưa dai dẳng vào cuối tháng 5/2022 khiến hàng chục khu vực nội đô Hà Nội bị ngập lụt nặng nề.

Khó thể phủ nhận, trong những năm gần đây, nước ta ghi nhận sự gia tăng về cường độ, tần suất xảy ra các hiện tượng thiên tai cực đoan bất thường ngày càng nhiều hơn, trái quy luật. Có thể kể đến trong năm 2021 xuất hiện cơn bão số 9 (bão Rai) được ghi nhận gió mạnh cấp 14, giật cấp 17 trên đảo Song Tử Tây. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử quan trắc ở Việt Nam ghi nhận được một cơn bão mạnh như vậy.

Đến đầu năm 2022 ghi nhận trận mưa lớn trái mùa ở Nam Trung Bộ gây rất nhiều thiệt hại ở khu vực này. Gần đây nhất là trong tháng 5 vừa qua, những trận mưa to diện rộng, kéo dài ở các tỉnh miền Bắc đã gây ra tình trạng sạt lở đất, ngập úng cục bộ,… ở nhiều địa phương, gây cản trở giao thông.

Trước những “lời cảnh báo” và “tiếng kêu cứu” của thiên nhiên, các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, buộc phải hành động ngay lập tức và tích cực hơn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Đó không chỉ là hành động để “cứu” thiên nhiên mà cũng chính là hành động để “cứu” chính con người.

Đỗ Trang

Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dung-de-nhan-loai-nhan-mot-tuong-lai-tham-khoc-d183210.html

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn