Pháp luật & xã hội

Dự án trăm tỷ tại huyện Yên Lập thi công có đảm bảo chất lượng

15:18 | 09/03/2023

Chia sẻ

QHNNLiên danh 5 nhà thầu thi công dự án hơn 326 tỷ đồng ở huyện Yên Lập bị phản ánh đổ đá thải, đất tạp không đảm bảo chất lượng nền đường.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 313G huyện Tân Sơn đoạn QL32 đi QL70 huyện Yên Lập và đường nối quốc lộ 70B đi đường tỉnh 313D huyện Yên Lập do 5 nhà thầu liên danh để thực hiện dự án này là Liên danh Công ty CP xây dựng giao thông Hồng Hà, Công ty CP Toàn Thịnh, Công ty TNHH xây dựng thương mại Minh Linh Phú Thọ, Công ty CP xây dựng Nam Dương Phú Thọ, Công ty CP xây dựng Trường Sơn –LDP trúng thầu và triển khai thi công từ tháng 10 năm 2022 đến nay.

Tìm hiểu của PV Báo Pháp luật Việt Nam được biết, dự án cải tạo nâng cấp các trục đường liên vùng quan trọng đảm bảo an ninh - quốc phòng trong khu vực và phục vụ giao thông đi lại trên địa bàn hai huyện Yên Lập và Tân Sơn với mục tiêu thúc đẩy giao thương hàng hoá, nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng góp phần xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế với tổng mức đầu tư hơn 326 đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 261 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác là 65.250.000.000 đồng.

Dự án này có tổng chiều dài là 36,4km được chia làm 3 tuyến: Tuyến số 1 là tuyến chính từ đường tỉnh 313G đoạn QL70 huyện Yên Lập đi QL 32 huyện Tân Sơn có chiều dài 8,9km.

Điểm đầu tuyến giao với QL 70B tại Km77+800 thuộc địa phận xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập, điểm cuối tuyến tại KM8+905 đường tỉnh 313G thuộc xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn.

a

Quyết định phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 313G huyện Tân Sơn đoạn QL32 đi QL70 huyện Yên Lập và đường nối quốc lộ 70B đi đường tỉnh 313D huyện Yên Lập của UBND tỉnh Phú Thọ.

Tuyến số 2 đường nối QL70B đến điểm đầu đường tỉnh 313D chiều dài 18,8km trong đó đoạn từ Km0 đến Km2+900 đi trùn đường huyện 99B, đoạn từ km2+900 đi km18+823 đi trùng với đoạn từ km17+980 -km0 đường tỉnh 313D.

Điểm đầu tuyến giao với QL 70B tại Km79+350, thuộc xã Ngọc Lập, điểm cuối tuyến giao với đường tỉnh 313 tại km13+252 thuộc thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập.

Tuyến số 3 đường huyện 97 đoạn nối từ QL70B đến hồ Thượng Long xã Thượng Long có chiều dài 8,7km.

Điểm đầu tuyến giao với QL 70B tại Km72+150 thuộc xã Phúc Khánh, điểm cuối tuyến tại Km4+554 đường huyện 97 thuộc xã Thượng Long, huyện Yên Lập.

Tuy nhiên trong quá trình thi công dự án này, liên danh các nhà thầu nói trên bị phản ánh đã có dấu hiệu đào xới, khai thác, vận chuyển tiêu thụ số lượng lớn "đất lậu" để thực hiện việc đắp và san nền đường, không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khi đất được lấy từ nhiều nơi sau đó chở đổ thẳng vào nền đường.

Theo ghi nhận của PV Báo Pháp luật Việt Nam, trên địa bàn các xã Ngọc Lập, Minh Hoà, Đồng Lạc...thuộc địa bàn huyện Yên Lập nhiều quả đồi bị đào sới nham nhở, từng đoàn xe ô tô vận chuyển đất, đá để thi công dự án đường tỉnh 313D và tuyến đường tỉnh 313G.

e

c

Nhiều quả đồi bị đơn vị thi công lấy đất phục vụ cho việc san nền tại dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 313G huyện Tân Sơn đoạn QL32 đi QL70 huyện Yên Lập và đường nối quốc lộ 70B đi đường tỉnh 313D huyện Yên Lập dưới hình thức hạ cốt nền.

Từng đoàn xe nối đuôi nhau chạy liên tục làm bụi bay mù mịt, đất đá vương vãi gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Theo chân những đoàn xe này, PV Báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận nhiều quả đồi rộng hàng nghìn mét tại Ngọc Đồng, Minh Hòa và Đồng Lạc đang bị nhà thầu cho máy múc công suất lớn đào xới nham nhở, phía dưới những đoàn nối đuôi nhau đang chờ vào “ăn đất” rồi đua nhau chạy về đổ vào dự án.

Một số đoạn đường có đồi sát ngay phần ta luy dương nhà thầu còn cho máy xúc múc cả đá thải, đất tạp để đổ xuống đáy nền đường sau đó mới đổ đất lên trên trái ngược hoàn toàn so với quy mô kết cấu mặt đường được quy định tại quyết định phê duyệt dự án của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ.

b

Đá tạp, đất thải cũng được đơn vị thi công tận thu để đổ vào nền đường nguy cơ không đảm bảo chất lượng nền đường.

Cụ thể, theo quy mô và kết cấu mặt đường của dự án này thể hiện: Thiết kế phải đảm bảo môđuyn đàn hồi E>120MPa.

Mặt đường làm mới và mở rộng: bê tông nhựa chặt 12,5 dày 7 cm, tưới nhựa thấm bám tiêu chuẩn 1kg/m2, móng cấp phối đá dăm loại I dày 15cm, móng cấp phối đá dăm loại II dày 20cm.

Nền đường được đắp đất đầm chặt đảm bảo độ chặt k>0,95 lớp đất dày 30cm dưới lớp kết cấu mặt đường đối với nền đường phải đào xáo lu lèn đảm bảo độ chặt theo quy định.

Tại các đoạn nền đắp độ dốc mái taluy 1/1,5 tại các đoạn nền đào qua đất độ dốc mái taluy 1/1, đối với nên đường đào sâu >8m thiết kế của giật cơ, bậc thềm rộng 2m.

Quy mô và thiết kế của dự án là như vậy, thế nhưng trên thực tế theo như ghi nhận của phóng viên thì lại hoàn toàn khác.

Nền đường thì được nhà thầu lấy đất đồi của bất kỳ người dân nào có nhu cầu hạ cốt nền sẽ được nhà thầu cho nhân công máy múc vào vận chuyển đất để đổ vào nền đường của dự án.

Nghiêm trọng hơn, nhiều điểm nền đường mới khi mở rộng ra không được nhà thầu thi công xây dựng như thiết kế khi không xây giật cơ, có móng mà đơn vị thi công đã đổ đá thải, đất tạp trên đồi đổ trực tiếp xuống sau đó cho máy lu lèn so sài rồi đổ tiếp lượt đất mới lên.

g

f

Quá trình nhà thầu thi công dự án này gây khó khăn trong việc đi lại cho người dân địa phương.

Trao đổi với PV, một người dân cho biết: “Quá trình thi công dự án này đơn vị nhà thầu thi công ẩu, đá thải mềm vỡ vụn cũng được đổ xuống dưới lớp đáy rồi cho xe lu vào lu qua rồi lại tiếp tục đổ một lớp đất khác lên trên.

Hơn nữa, nhà thầu thi công dự án này, xe tải chở đất ra vào tấp nập bùi, khói bay mù mịt ô nhiễm môi trường, nhiều khi trời mưa dân chúng tôi di chuyển rất khó khăn bởi đường trơn trượt, lầy lội như bãi bùn, nhiều em học sinh và người trung tuổi đi xe bị ngã liên tục...Dân chúng tôi khốn khổ lắm...”.

Liên quan đến sự việc này, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Bùi Xuân Tiến, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Yên Lập.

Tại buổi làm việc ông Tiến cho biết: “Phản ánh của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án là có bởi khi đang làm nền đường thì gặp trời mưa xuống nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn, điều này không tránh được, ngay sau khi người dân kiến nghị thì phía chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu tiến hành san gạt phần bùn nhão trả lại đường đi cho bà con nhân dân".

1a

Ông Bùi Xuân Tiến, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Yên Lập trong buổi làm việc với PV Báo Pháp luật Việt Nam.

Giám đốc Ban QLDA đầu tư và xây dựng huyện Yên Lập cho biết thêm: “Gói thầu này được UBND tỉnh cho phép Ban đấu giấy và có 3 nhà thầu tham gia thì có 5 nhà thầu liên danh trúng thầu bao gồm Công ty CP xây dựng giao thông Hồng Hà, Công ty CP Toàn Thịnh, Công ty TNHH xây dựng thương mại Minh Linh Phú Thọ, Công ty CP xây dựng Nam Dương Phú Thọ, Công ty CP xây dựng Trường Sơn –LDP.

Hiện nay, chủ đầu tư đã giải ngân cho nhà thầu 164 tỷ đồng tương ứng với 30% hợp đồng. Khối lượng hoàn thành ở dự án này khoảng 28% còn khối lượng tạm ứng hiện nay đang dư 80 tỷ...”.

1

d

Xe ô tô chở đất đổ vào nền đường không che chắn bụi bay mù mịt.

Trả lời câu hỏi của PV về việc các nhà thầu lấy đất ở đâu để phục vụ việc san lấp nền đường tại dự án này?

Người đứng đầu Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Yên Lập cho hay: “Thực ra mà nói thì ở tỉnh Phú Thọ này không có mỏ vật liệu nên quá trình thi công các địa phương linh động làm các thủ tục hạ cốt san nền để lấy đất khai thác phục vụ dự án.

Khi thí nghiệm mà khu vực đất đó đủ điều kiện thì người dân sẽ làm thủ tục hạ cốt sau đó nhà thầu sẽ lấy đất và chỉ tính công khai thác và vận chuyển chứ không tính giá đất.

Ví dụ như khi mua đất tại mỏ thì bản thân phải mua cả đất thì lại tốn chi phí, hơn nữa làm thủ tục cấp phép mỏ sẽ rất phức tạp và mất thời gian.

Việc cấp phép san gạt hạ cốt nền tuỳ thuộc vào khối lượng thì huyện sẽ cấp và có văn bản chấp thuận trong nội dung người dân xin san hạ cốt nền sẽ có phần đất dư thừa chở đi đâu thì đất đó phục vụ cho việc san lấp mặt và nền đường...

Khi triển khai thi công sẽ khảo sát tại địa phương, nhà thầu lấy đất sẽ tính theo đơn giá cố định tuỳ vào quãng đường vận chuyển bởi ở tỉnh Phú Thọ không có mỏ đất nào nên có làm hồ sơ để trình cấp mỏ thì họ (tức -UBND tỉnh Phú Thọ) cũng không xem xét để cấp...”.

Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Yên Lập cho biết thêm: “Dự án này sử dụng ngân sách nhà nước trong đó ngân sách trung ương là 261 tỷ, còn ngân sách địa phương đối ứng là hơn 65 tỷ đồng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

Riêng các dự án trung hạn ở tỉnh có 18 dự án thì huyện Yên Lập hiện nay chưa dùng bất cứ một đồng nào cho công tác giải phóng mặt bằng mà chủ yếu vận động người dân hiến đất bởi nếu làm thủ tục giải phóng mặt bằng thì rất chậm...”.

Đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ giao Công an tỉnh Phú Thọ vào cuộc thanh kiểm tra quá trình đơn vị thi công lấy đất phục vụ công tác san nền, mặt đường tại dự án này có đảm bảo chất lượng và đúng với thiết kế hay không và để tránh việc thất thoát tài nguyên đất, thất thu cho ngân sách nhà nước.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đình Quyết

Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/giao-thong-do-thi/du-an-tram-ty-tai-huyen-yen-lap-thi-cong-co-dam-bao-chat-luong-d191036.html

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn