Văn nghệ & Thư giãn

Đến với bài thơ hay: “Quê tôi” của Đặng Quốc Vinh

20:12 | 05/05/2017

Chia sẻ

QHNN Trong sáng tác nghệ thuật, có một điều vừa tự nhiên vừa kỳ diệu, dường như mỗi nghệ sỹ đều có một quê hương để mà ký thác, hoài niệm; đồng thời mỗi quê hương cũng tự tìm đến và trao gửi hồn vía của mình cho một vài nghệ sỹ nào đó. Người nghệ sỹ ấy mang bao suy tư, nỗi niềm đam mê, chiêm nghiệm gửi gắm vào hình tượng, tôn vinh hình tượng quê hương và quê hương yêu dấu gợi ý mách bảo, góp phần thăng hoa cảm xúc thơ, làm nên gương mặt tinh thần của người nghệ sỹ qua những hình tượng nghệ thuật. Và Đặng Quốc Vinh cũng đã đưa quê hương ông vào cõi thơ với bài “Quê tôi”.

Miền quê tác giả sinh ra có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, nơi núi sông tụ hội, sơn thủy hữu tình. Và nơi đó cũng sản sinh ra bao anh hùng hào kiệt như Mai Hắc Đế, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ... Chính dưới ngọn đại ngàn Hồng Lĩnh, bên biển Đông sóng vỗ trùng trùng cũng đã chứng kiến bao cuộc chiến tranh mà người dân nơi đây đã anh hùng bất khuất để giữ đất, giữ làng:

Tôi sinh ra dưới đại ngàn Hồng Lĩnh
Bên biển Đông sóng vỗ trùng trùng
Thủa còn thơ đội bom đi học
Lớn lên cùng nắng gió miền Trung

Miền Trung – đòn gánh hai đầu đất nước, nơi thiên nhiên khắc nghiệt, mùa rét bầm thịt da, mùa nóng gió Lào thổi cong đòn gánh, mùa mưa nước ngập trắng trời. Miền Trung cũng là nơi gánh chịu bao cuộc chiến tranh, từ giặc phương Bắc đến Đế quốc phương Tây. Chính thiên nhiên khắc nghiệt, lịch sử oai hùng bi tráng đã tôi luyện, hun đúc nên bản chất kiên cường, trung dũng của con người nơi đây. Trong chiến tranh bom đạn vẫn đội bom đi học và lớn lên cùng nắng gió khắc nghiệt miền Trung.
Ở khổ thơ thứ hai, Đặng Quốc Vinh kể về những di tích lịch sử, những câu chuyện huyền thoại, về vị vua đáng kính Mai Hắc Đế trên quê hương mình với giọng tự hào:

Quê hương tôi có câu hò Ví, Dặm
Có vua Mai dẹp giặc nhà Đường
Có ông Đùng gánh rú Bin, rú Bể
Có Chân Tiên, chùa cổ Kim Dung

Những di sản của huyện Lộc Hà – quê hương tác giả, chính là hành trang nâng bước mỗi người con quê hương trên bước đường đời, từ câu hò Ví, Dặm đến hát Phường Vải những đêm trăng thanh, gió mát sau mỗi mùa gặt hay những câu chuyện thần thoại như ông Đùng gánh rú Bin, rú Bể bên bát nước chè xanh hoặc câu chuyện lịch sử về ông vua đen họ Mai dũng cảm, kiên cường lãnh đạo nhân dân đứng dậy đánh đuổi giặc nhà Đường. Những cụ ông cụ bà là người kể chuyện cho con cháu nghe về truyền thống quê hương, từ những câu chuyện đó lòng tự hào về miền như thấm vào người qua từng câu chuyện kể. Tác giả cũng được nghe những truyền thống, những địa danh và nhân vật lịch sử của quê hương mình và đó chính là cảm hứng để có những vần thơ về cố hương:

Tôi xa quê, xa mái trường yêu dấu
Vẫn luôn luôn nhớ bè bạn Kim, Bằng
Bữa xuống biển ra khơi câu cá
Bữa lên non hái quả, trông trăng.

Dù xa quê, xa mái trường yêu dấu nhưng nhà thơ vẫn luôn nhớ về kỷ niệm một thời thanh xuân, ở đó quê hương vẫn bình thản, suy tư qua bao dâu bể, biến thiên, vẫn mái trường xưa yêu dấu nhưng chỗ ngồi, lớp học giờ là thế hệ cháu, con. Trong hoài niệm về quá khứ nhà thơ chợt nhớ về những người bạn ở Thạch Kim, Thạch Bằng với những kỷ niệm cùng bạn bè xuống biển câu cá hay lên non hái quả, trông trăng. Kỷ niệm ngọt ngào, tuổi thơ yêu dấu vẫn bảng lảng đâu đây trong tâm tưởng của nhà thơ.
Hoài niệm về quá khứ nhưng tác giả cũng không quên hiện tại và cũng tự hào với những gì đã làm được trên quê hương. Quê hương anh là nơi tụ hội núi cao, biển rộng, nơi thiên nhiên khắc nghiệt nhưng địa hình lại đa dạng với nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ từ những di tích lịch sử - văn hóa, những huyền thoại, địa danh lịch sử hay sức vươn Phù Đổng của những người con trên quê hương hôm nay.

Quê hương tôi núi cao, biển rộng
Sẽ là nơi hội tụ muôn phương
Mười tuổi mới Lộc Hà vươn Phù Đổng
Vượt trùng khơi rẽ sóng lên đường.

Người ta thường ví tình cảm con người xa quê với cố hương giống như hình tượng con diều và mặt đất, con diều dù có lên cao bao nhiêu vẫn phải gắn liền với mặt đất bằng một sợi dây, hình ảnh đó khiến ta liên tưởng đến tình cảm sâu nặng, nỗi hoài mong của những người con xa quê với cố hương của mình.
Ngày xưa Thôi Hiệu khắc ghi nỗi nhớ quê vào bài thơ Hoàng Hạc Lâu:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Dịch thơ:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

Nhà thơ Đặng Quốc Vinh còn có nỗi niềm sâu nặng hơn thế nữa, trong bài thơ “Làng tôi” anh đã có một ước nguyện thật chân thành:

Mai rồi hết cuộc ruổi rong
Cho tôi xin được về trong đất làng.

Một ước mơ thật bình dị nhưng không phải ai cũng làm được trong cõi đời.
Bài thơ “Quê tôi” của Đặng Quốc Vinh đã để lại cho người đọc những tình cảm chân thành, cảm động về quê hương đất nước. Tuy vậy, ý thơ không chỉ dừng lại ở một tình quê thuần túy. Phải chăng, “Quê tôi” còn thể hiện nỗi niềm thầm kín từ đáy thẳm tâm linh của con người, nỗi niềm của một cái tôi cô đơn, nhỏ bé trước lịch sử đang tìm về giao hòa, nương tựa với cái ta rộng lớn hơn, nương tựa vào bến đậu bình yên của quê nhà.

Tạp chí Quê Hương Ngày Nay xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài thơ “Quê tôi” của Đặng Quốc Vinh:
 
Tôi sinh ra dưới đại ngàn Hồng Lĩnh
Bên biển Đông sóng vỗ trùng trùng
Thủa còn thơ đội bom đi học
Lớn lên cùng nắng gió miền Trung.
 
Quê hương tôi có câu hò Ví, Dặm
Có vua Mai dẹp giặc nhà Đường
Có ông Đùng gánh rú Bin, rú Bể
Có Chân Tiên, chùa cổ Kim Dung
 
Tôi xa quê, xa mái trường yêu dấu
Vẫn luôn luôn nhớ bè bạn Kim, Bằng
Bữa xuống biển ra khơi câu cá
Bữa lên non hái quả, trông trăng.
 
Quê hương tôi núi cao, biển rộng
Sẽ là nơi hội tụ muôn phương
Mười tuổi mới Lộc Hà vươn Phù Đổng
Vượt trùng khơi rẽ sóng lên đường.
 
Mai Thanh Hải
( Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh)
Nguồn: QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY
Tạp chí số 79 / 2017
 

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn