Ngày 10/12, trao đổi với PV, Thượng tá Nguyễn Văn Tuyên, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Buôn Hồ thông tin, vụ việc 37 phụ huynh dính án tù do sử dụng giấy tờ giả để con em mình tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự đã bị cơ quan phát hiện từ khi nộp hồ sơ
Theo Thượng tá Tuyên cho biết, ngay từ ban đầu, Ban chỉ huy Quân sự thị xã Buôn Hồ đã nghi ngờ khi người dân nộp các loại giấy nhập học, giấy xác nhận con em mình là sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng nên vào cuộc xác minh và phát hiện nhiều giấy tờ được làm giả.
"Dù phụ huynh nộp giấy tờ giả nhưng con cái của họ vẫn chấp hành nghiêm chỉnh việc khám nghĩa vụ quân sự đầy đủ. Trong số này, một số thanh niên đủ điều kiện đã được cho nhập ngũ. Việc này là sai từ các bậc cha mẹ, không phải của những người làm con, nên ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm", Thượng tá Tuyên cho biết.
|
Các bị cáo bị tuyên phạt về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Ảnh: Cao Nguyên
|
Đối với những trường hợp những thanh niên có giấy nhập học hợp pháp (ngoài số thanh niên được cha mẹ làm giấy tờ giả), Thượng tá Tuyên cho biết, những trường hợp này sẽ được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự chứ không phải miễn. Sau khi xong việc học, nếu còn trong độ tuổi gọi nhập ngũ (đến hết 27 tuổi) và đáp ứng đủ tiêu chuẩn tuyển chọn vẫn tham gia nghĩa vụ quân sự.
Như Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin trước đó, ngày 6/12, Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ mở phiên xét xử sơ thẩm đối với 3 bị cáo về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" và 34 bị cáo về tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Theo cáo trạng của VKSND thị xã Buôn Hồ, tháng 9/2023, Hội đồng nghĩa vụ quân sự các xã, phường trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, triệu tập công dân đến độ tuổi, tham gia khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự để chuẩn bị cho đợt tuyển quân nghĩa vụ quân sự năm 2024.
Nhiều gia đình trú tại phường Thống Nhất và phường Bình Tân (thị xã Buôn Hồ) đã liên hệ với 3 đối tượng để nhờ làm giấy tờ giả giấy báo trúng tuyển của các trường đại học chính quy, giấy xác nhận sinh viên đang học tại trường nhằm giúp con em mình "né" nghĩa vụ quân sự.
Có được giấy tờ, hồ sơ giả, những hộ gia đình này đã nộp lên cơ quan chức năng và sau đó bị phát hiện.
|
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Cao Nguyên |
Tại phiên tòa trước đó, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trịnh Thu Tâm (72 tuổi, trú phường Thống Nhất) 3 năm 9 tháng tù; bị cáo Trần Thế Hùng (59 tuổi, trú phường Thống Nhất) 3 năm tù và Nguyễn Huy Hoàng (43 tuổi, trú phường Thống Nhất) 2 năm tù cùng về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
37 bị cáo còn lại (có con em đi khám nghĩa vụ quân sự) bị tuyên phạt từ 6 đến 9 tháng tù (có 1 bị cáo bị phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo) về tội "Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Đây là bài học sâu sắc cho những bậc làm cha, mẹ, cho rất nhiều những thanh niên đến tuổi nhập ngũ, huấn luyện để bảo vệ đất nước.