Pháp luật & xã hội

Cần làm rõ việc bỗng nhiên "đội giá" trong đấu thầu tại Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội?

08:49 | 04/02/2021

Chia sẻ

QHNNTheo phản ánh, những hàng hóa trong gói thầu của trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội có dấu hiệu được nâng khống, có sản phẩm chênh lệch tới 800 triệu đồng.

Ngày 12/12/2020, ông Trần Vũ Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã ký quyết định số 353/QĐ-CĐNT về việc Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 01: “Mua sắm lắp đặt thiết bị” thuộc dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu giáo dục Nghề nghiệp – Việc làm, an toàn lao động (Hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị đào tạo) năm 2020 của trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

Theo Quyết định thì đơn vị Trúng thầu là Công ty TNHH Tư vấn Kỹ thuật Hùng Linh, loại hợp đồng trọn gói và thời gian thực hiện là 25 ngày.

Liên quan đến gói thầu này, trước đó, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 147/QĐ-UBND ngày 10/01/2020 v/v phê duyệt dự án, Quyết định số 4971/QĐ-UBND ngày 5/11/2020 về việc phê duyệt điều chỉnh dự án, Quyết định số 4657 ngày 6/10/2020 về việc phân bổ và giao dự toán (Ngân sách Trung ương bổ sung mục tiêu – vốn sự nghiệp) thực hiện chương tình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động, phát triển hệ thống trợ giúp xã hội năm 2020.

Untitledfdafd

Quyết định Phê duyệt lựa chọn nhà thầu số 353/QĐ-CĐNT của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

Ngày 17/11/2020, Sở KH&ĐT Thành phố Hà Nội đã ra quyết định số 811/QĐ-KH&ĐT về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án.

Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội cũng đã có Quyết định số 128/QĐ-CĐNT ngày 27/ về việc thực hiện dự án và Quyết định số 320/QĐ-CĐNT về việc phê duyệt dự toán gói thầu số 01: “Mua sắm, lắp đặt thiết bị”.

Trình tự thủ tục để thực hiện gói thầu được thực hiện chặt chẽ, tuy nhiên, theo phản ánh thì quá trình mua sắm tại gói thầu này có nhiều nghi vấn, bất thường.

Ở đây gói thầu đã sử dụng Ngân sách Nhà nước để mua sắm tổng cộng 13 loại mặt hàng + Dịch vụ “Thi công lắp đặt, chuyển giao công nghệ, đào tạo hướng dẫn sử dụng toàn bộ hệ thống”.

Untitledgsgds

Danh mục hàng hóa trúng thầu có giá cao hơn rất nhiều so với giá trên thị trường.

Trong đó có những sản phẩm có giá rất cao như Bàn trộn âm thanh Mixer 128 kênh M-5000C của Roland (Nhật Bản) có giá lên tới 1.083.500.000 đồng; Đàn Piano GP 215 Boston có giá lên tới 2.041.600.000 đồng. Cũng có sản phẩm mua với số lượng nhiều như Micro không dây EW 100 G4-945-S (8 sản phẩm), Loa Full EVENT-26A/Das (4 sản phẩm)…

Đáng chú ý, như sản phẩm Đàn Piano GP 215 Boston có giá trúng thầu lên tới 2.041.600.000 đồng, nhưng theo khảo sát tại các đơn vị kinh doanh uy tín (Giá đã bao gồm VAT, Phí lắp đặt, bảo hành) chỉ có khoảng 1.200.000.000 đồng (Chênh lệch lên tới 800.000.000 đồng).

Gói thầu này mua sắm 8 sản phẩm Micro không dây EW 100 G4-945-S, giá trên thị trường của loại Micro này chưa tới 20.000.000 đồng. Nhưng theo Danh mục hàng hóa trúng thầu thì có dấu hiệu được “nâng khống” lên tới 41.800.000 đồng (Chênh lệch gấp đôi).

SharedScreenshot

Sản phẩm Đàn Đàn Piano GP 215 Boston có giá trúng thầu và giá thị trường chênh lệch tới 800.000.000 đồng.

Khảo sát một sản phẩm khác, đó là Đàn Guitar classic Taylor 814CE (xuất xứ: Mỹ), theo giá bán trên thị trường hiện chỉ có khoảng 80.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau đấu thầu, nhà trường đã bỏ tiền Ngân sách nhà nước ra mua với giá lên tới 152.295.000 đồng.

Như vậy, việc tổ chức đấu thầu tưởng chừng sẽ tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước nhưng hóa ra lại có dấu hiệu gây thâm hụt nghiêm trọng cho ngân sách của Quốc gia. Việc chủ đầu tư, bên mời thầu và các đơn vị liên quan đã thẩm định giá như thế nào trong gói thầu này thì cần các cơ quan điều tra, cơ quan thanh, kiểm tra vào cuộc làm rõ.

Trước đó, Trường Cao đẳng Nghệ Thuật Hà Nội cũng đã dính “lùm xùm” liên quan đến việc vợ Nghệ sỹ Xuân Bắc tố bị đồng nghiệp chèn ép và một số dấu hiệu sai phạm tại trường.

Micro không dây EW 100 G4-945-S có giá chưa tới 20 triệu đồng, nhưng giá trúng thầu lên tới 41 triệu đồng.

Micro không dây EW 100 G4-945-S có giá chưa tới 20 triệu đồng, nhưng giá trúng thầu lên tới gần 42 triệu đồng.

Sau khi sự việc không được giải quyết thỏa đáng, chị Nguyễn Hồng Nhung đã livestream trên mạng xã hội và tiếp tục đăng tải một bức thư gửi đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Bức xúc đầu tiên mà chị Nguyễn Hồng Nhung chia sẻ việc chị là giảng viên duy nhất trong khoa nhưng không được tham gia thẩm định và chấm thi.

Bên cạnh đó chị Nguyễn Hồng Nhung phản ánh nội dung Ban Giám hiệu nhà trường không xử lý nghiêm và thực hiện nghiêm minh, khách quan trong quá trình kê khai đề nghị phong tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ năm 2015.

Tiếp đến việc quản lý cơ sở vật chất nhà trường và cho thuê cơ sở vật chất của nhà trường. Dù phòng học, phòng thực hành, phòng thảo luận nhóm… đều không đạt yêu cầu tối thiểu cho việc học và dạy, nhưng từ 2013 tới nay, Hiệu trưởng đã cho thuê nhà có mặt tiền phố Hai Bà Trưng làm cửa hàng bán quần áo cao cấp.

Hơn nữa, còn nhiều nguồn thu khác từ cho thuê phòng, cho thuê hội trường, cho thuê đàn piano, từ Ban biểu diễn cũng thiếu minh bạch, không công khai tài chính nên không biết cụ thể thu, chi ra sao…

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tiến hành điều tra, xác minh làm rõ sai phạm trong quá trình chỉ định thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Quá trình điều tra bước đầu xác định các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước.

Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu, chứng cứ thu thập được, C03 đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và khởi tố bị can đối với: Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC TP Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC TP Hà Nội; Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST)…

Sau vụ CDC Hà Nội, với việc nâng giá hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19 từ 2,3 lên 7 tỉ đồng, dư luận choáng váng trước tỉ lệ khống 300%.

Ngày 1/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết đã ra quyết định khởi tố, khám xét, bắt tạm giam đối với bị can Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS); Ngô Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Công ty BMS và Trần Lê Hoàng, Thẩm định viên của Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. 

Kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định một số cá nhân tại Công ty BMS và Công ty VFS đã có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.

X. Thái

Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/can-lam-ro-viec-bong-nhien-doi-gia-trong-dau-thau-tai-truong-cao-dang-nghe-thuat-ha-noi-d146774.html

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn