Góc mở và suy ngẫm

Cách nhận biết các thủ đoạn giả danh Công an

11:35 | 12/06/2024

Chia sẻ

QHNNLợi dụng niềm tin của người dân đối với lực lượng công an, nhiều đối tượng đã lên mạng mua quân phục công an, công cụ hỗ trợ rồi khoác lên người để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Người dân cần nâng cao cảnh giác và cập nhật các kiến thức cần thiết, cách nhận biết các đối tượng giả danh công an để không rơi vào bẫy của kẻ xấu.

Cách nhận biết các thủ đoạn giả danh Công an.
Cách nhận biết các thủ đoạn giả danh Công an. (Ảnh minh họa)

Để phát hiện hành vi giả danh Công an, Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần vận dụng một số cách nhận biết các thủ đoạn giả danh Công an.

Cụ thể, người dân cần quan sát về hình thức bên ngoài: Đây là cách đơn giản nhất để phát hiện các đối tượng giả danh Công an.

Các đối tượng giả danh Công an tiến hành các hoạt động tuần tra, kiểm soát, liên hệ thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự thường sử dụng trang phục không đồng bộ, không đúng quy định, công cụ hỗ trợ, số hiệu, giấy tờ của ngành Công an không đúng quy định.

Trong trường hợp này, người dân chỉ cần quan sát thái độ, cách thể hiện, tư thế, lễ tiết, tác phong, cử chỉ có thể phân biệt được họ là Công an thật hay giả.

Đối tượng giả danh Công an luôn cố tình để lộ một phần trang phục, khoe công cụ hỗ trợ như khóa số 8, dùi cui, súng..., cố tình để người khác thấy giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND.

Nếu chưa có cơ sở xác định họ giả danh Công an, còn nghi ngờ, cần kết hợp với các cách thức khác để kiểm tra.

Tuy nhiên, cần chú ý đề cao cảnh giác, chỉ nghe họ nói, không làm theo họ.

Người dân nên gợi mở để đối tượng nói thật nhiều về lĩnh vực công tác Công an: Nếu nghi ngờ một người giả danh Công an cần phải khéo léo gợi mở để họ nói về lĩnh vực công tác của mình càng nhiều càng tốt vì càng nói nhiều đối tượng càng bộc lộ sơ hở.

Có thể hỏi đối tượng những thông tin cơ bản như: Trước đây học trường nào, ở đâu?

Điều kiện tuyển dụng vào ngành Công an thế nào? Đơn vị hiện tại địa chỉ ở đâu, lãnh đạo đơn vị là ai? Chức vụ, nhiệm vụ cụ thể hiện nay là gì?...

Nếu nghi ngờ, có thể tạo lý do hợp lý để chụp ảnh đối tượng, ghi âm lời nói của đối tượng để làm bằng chứng đối chiếu hoặc tố giác với cơ quan Công an.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ đối tượng, tốt nhất không nên làm theo yêu cầu của đối tượng, khéo léo từ chối, đồng thời phân tích, đánh giá thông tin để xác định đối tượng có phải là người giả danh Công an hay không.

Cần phân tích, tổng hợp, đánh giá thông tin từ đối tượng: Cần phân tích các thông tin cơ bản mà đối tượng đã nói, đã kể, rút ra những thông tin đúng, thông tin sai sẽ đánh giá được đối tượng nói thật hay nói dối, có phải giả danh Công an hay không.

Nếu không đủ khả năng đánh giá, có thể tổng hợp thông tin sau đó nhờ người thân am hiểu về lĩnh vực Công an, những người đang công tác trong ngành Công an hoặc Cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn nơi người dân cư trú, trực ban đơn vị Công an nơi gần nhất phân tích, đánh giá, không nên vội tin đối tượng, làm theo lời của đối tượng.

Trong trường hợp đã đánh giá nhưng chưa đủ cơ sở xác định đối tượng là người giả danh Công an hay không, người dân cần thực hiện bước đối chiếu, kiểm tra.

Từ việc phân tích, tổng hợp thông tin do đối tượng cung cấp, kết quả quan sát, đánh giá, tư vấn của người trong ngành Công an..., người dân có thể đối chiếu, kiểm tra, xác định đối tượng có hành vi giả danh Công an.

Khoản 3 Điều 7 Nghị định 160/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007 của Chính phủ quy định Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của lực lượng CAND (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 29/2016/NĐ-CP ngày 21/4/2016) quy định như sau: "Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục Công an nhân dân. Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật".

Xử phạt hành chính

Những cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 20 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán hoặc đổi trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất trái phép hoặc làm giả trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND.

Các hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Xử lý hình sự

Trong trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu CAND với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn, đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 190 về tội Sản xuất, buôn bán hàng cấm; Điều 191 về tội Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm và Điều 192 về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả của Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.

Đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND để giả danh Công an nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự 2015 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Trường hợp làm giả, sử dụng giấy chứng minh CAND hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng CAND thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì ngoài tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn có thể bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 341 của Bộ luật Hình sự 2015 về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Dương Trang

Nguồn: https://phapluatplus.vn/cach-nhan-biet-cac-thu-doan-gia-danh-cong-an-199939.html

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn