Pháp luật & xã hội

Bài 3 - Thị xã Thái Hòa: Những uẩn khúc từ một bản án

13:37 | 17/01/2019

Chia sẻ

QHNN Ông Đặng Tiến Siêu, Trưởng ban Bảo vệ dân phố phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An được tòa án cấp sơ thẩm triệu tập với tư cách người chứng kiến. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm Luật sư cho rằng ông Đặng Tiến Siêu giả làm người chứng kiến, cố ý khai báo gian dối, cung cấp thông tin tài liệu mâu thuẫn, sai sự thật… (!?)


Bài 3: Giả làm người chứng kiến
 

Theo hồ sơ vụ án, ông Đặng Tiến Siêu khai: Tôi chứng kiến từ đầu khi khám xét đối tượng, đến khi kết thúc biên bản niêm phong, có làm việc tại Công an thị xã Thái Hòa.
Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, Đặng Tiến Siêu lại khai: Tôi không chứng kiến việc khám xét hai đối tượng Lê Ngọc Hiếu và Nguyễn Hoàng Trường, không làm việc tại Công an thị xã Thái Hòa, họ đưa cho tờ giấy A4 bảo tôi ký thì ký thôi.
Bút lục số 01 Biên bản sự việc lập vào hồi 21h50 kết thúc hồi 23h00 ngày 29/6/2016 tại quán nước trước cổng Hạt Kiểm lâm, phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa. Trong khi đó thời gian tiến hành kiểm tra, khám xét đối tượng là 21h10. Luật sư yêu cầu làm rõ từ 21h10 đến 23h00 (kết thúc Biên bản) thì tang vật ở đâu, ai quản lý tang vật (!?)
Bút lục số 20 Biên bản niêm phong lập vào hồi 23h10 kết thúc 23h30 ngày 09/6/2016 tại phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa bởi Điều tra viên Phạm Văn Huy, Cán bộ điều tra Hà Văn Dương, Phó Trưởng Công an phường Ngô Sỹ Tú và ông Đặng Tiến Siêu - người chứng kiến. Tuy nhiên, Biên bản không ghi rõ được lập ở đâu, tại hiện trường hay là tại Công an phường Quang Tiến?

 

Ông Đặng Tiến Siêu, người bị Luật sư cho là “Giả làm người chứng kiến”. Ảnh: PHÁP CHÍNH
Ông Đặng Tiến Siêu, người bị Luật sư cho là “Giả làm người chứng kiến”. Ảnh: PHÁP CHÍNH


Bút lục số 34 là Biên bản ghi lời khai của Đặng Tiến Siêu được lập vào 23h00, kết thúc vào 23h45 ngày 09/6/2016 do Nguyễn Ngọc Linh ghi tại trụ sở Công an thị xã Thái Hòa. Đồng thời điểm tiến hành lấy lời khai này của Đặng Tiến Siêu thì Biên bản sự việc bắt đầu từ 21h50 và kết thúc 23h00, thời gian lập niêm phong từ 23h10 đến 23h30 mới kết thúc.
Nếu tính tổng thời gian từ khi khám xét đối tượng là 21h10 đến khi lập xong Biên bản niêm phong là 23h30 thì Đặng Tiến Siêu có trực tiếp chứng kiến toàn bộ sự việc này?
Trên thực tế, Đặng Tiến Siêu khai không chứng kiến toàn bộ sự việc, mà khi được Công an mời đến Đặng Tiến Siêu mới thấy Công an đưa tang vật để trên bàn uống nước của quán. Trả lời tại Biên bản xác minh thông tin lập ngày 11/12/2018, Đặng Tiến Siêu xác nhận: “Tôi trực tiếp ký chứng kiến biên bản sự việc ban đầu tại quán Lâm Hằng”.
Như vậy, phải đến 23h00 theo thời gian kết thúc Biên bản sự việc, Đặng Tiến Siêu mới rời khỏi quán Lâm Hằng để về trụ sở Công an thị xã Thái Hòa để viết Bản tường trình (Bút lục số 31) và Biên bản ghi lời khai (Bút lục số 34) được lập 23h00 tại trụ sở Công an thị xã Thái Hòa. Khoảng cách từ quán nước Lâm Hằng đến trụ sở Công an thị xã Thái Hòa gần 01km, đi xe máy với tốc độ 40km/h phải mất 07-10 phút mới đến cổng trụ sở, còn thời gian đỗ xe, đi bộ vào phòng làm việc, bật điện, kéo ghế, phổ biến quyền và nghĩa vụ của người chứng kiến… (ít nhất phải mất 10 - 15 phút nữa) do đó không thể bắt đầu buổi làm việc này vào đúng 23h00 được (!?)
Từ đó khẳng định, Đặng Tiến Siêu không thể cùng một lúc, cùng một lượng thời gian để có thể làm việc ở hai nơi, vừa viết tường trình, vừa ghi lời khai ở trụ sở Công an thị xã Thái Hòa, vừa chứng kiến việc lập Biên bản sự việc, Biên bản niêm phong vật chứng ở hiện trường hoặc ở Công an phường Quang Tiến?
Luật sư Đào Việt Hà nhận định: “Đặng Tiến Siêu đã giả mạo làm người chứng kiến để che đậy loại tội phạm khác mà Điều tra viên muốn tạo ra. Biên bản sự việc được lập mà không có mặt của Siêu chứng kiến, nên Điều tra viên Hà Văn Dương cứ viết bừa họ tên người làm chứng “chuyên nghiệp” là Nguyễn Tiến Siêu và để trống năm sinh. Sau đó, Hà Văn Dương mới gặp Siêu thì biết Siêu họ Đặng chứ không phải họ Nguyễn, nên Hà Văn Dương đã tẩy xóa chữ Nguyễn đi để viết đè chữ Đặng lên. Lúc này Dương mới biết Đặng Tiến Siêu sinh năm 1963 nên mới điền vào khoảng trống để cách sẵn từ khi lập biên bản.
Đặng Tiến Siêu không biết gì về các hoạt động khám xét, lập biên bản sự việc, niêm phong, lập biên bản niêm phong của Công an thị xã Thái Hòa được thực hiện ở đâu. Siêu đã ký vào tất cả các biên bản của Công an thị xã Thái Hòa ở nơi khác, vào thời gian khác mà mà không hề biết có sự việc thật hay không, có diễn ra hay không, diễn ra ở đâu”.
Nếu đúng như thế, rõ ràng đây là hành vi giả làm người chứng kiến của Đặng Tiến Siêu. Tòa án cấp phúc thẩm cần xem xét việc Đặng Tiến Siêu có hay không việc cố ý khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, giúp sức tích cực cho việc làm sai lệch hồ sơ vụ án của cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, có dấu hiệu cố ý ra bản án trái luật để buộc tội oan cho người có nhược điểm tâm thần là Trịnh Thái Bảo.

(Bài 4: Xuất hiện chứng cứ mới)

 

Điều tra của Ngô Doanh
Nguồn: QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY
Tạp chí số​ 94 / 2018

 

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn