Để giải đáp thắc mắc trên, Báo PLVN đã trao đổi với Luật sư Nguyễn Thị Phương Loan - Giám đốc Công ty luật Noah.
Luật sư Loan cho biết: "Hiện nay chưa có văn bản quy định thống nhất thế nào là bệnh hiểm nghèo và danh mục các bệnh được coi là bệnh hiểm nghèo.
Việc xác định thế nào là bệnh hiểm nghèo và danh mục các bệnh được coi là bệnh hiểm nghèo lại được quy định tại một số văn bản khác nhau."
Cụ thể, theo Nghị định số 76/2003/NĐ-CP ngày 27/6/2003 của Chính phủ quy định và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục thì người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng, như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế coi là bệnh hiểm nghèo.
Còn theo Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không định nghĩa thế nào là bệnh hiểm nghèo nhưng đã liệt kê 42 loại bệnh được coi là bệnh hiểm nghèo.
|
42 loại bệnh được coi là bệnh hiểm nghèo. |
Tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP quy định mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.
Cũng theo Thông tư số 26/2014/TT-BQP ngày 20/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định danh mục bệnh hiểm nghèo, danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày để thực hiện chế độ, chính sách trong quân đội có quy định 09 loại bệnh nguy hiểm, gồm: Các bệnh ung thư, các bệnh hệ thần kinh; các bệnh về gan; các bệnh hệ tiết niệu; các bệnh chuyển hóa; các bệnh hệ hô hấp; các bệnh hệ tuần hoàn; các bệnh hệ cơ, xương, khớp; hội chứng suy giảm miễn dịch.
Do vậy, tùy từng trường hợp có thể áp dụng các quy định nêu trên để xác định người nào đang mắc bệnh hiểm nghèo.
|
Ảnh minh họa |
Đối với thắc mắc: "Có phải người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự?", Giám đốc Công ty Luật Noah cho biết: BLHS năm 2015 đã quy định đầy đủ các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, tuy nhiên quá trình áp dụng vào thực tiễn vẫn còn những quan điểm, cách hiểu khác nhau.
Cụ thể, theo Điều 29 BLHS năm 2015 có quy định như sau:
"1.Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”
Như vậy, tại điểm b, khoản 2, điều 29 - Bộ Luật hình sự hiện hành có quy định người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo.
Tuy nhiên, để được vận dụng căn cứ này trong việc đưa ra yêu cầu được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự thì cần phải đảm bảo 2 yếu tố như sau:
- Người phạm tội phải mắc bệnh hiểm nghèo thuộc danh mục các bệnh hiểm nghèo theo qui định của pháp luật.
- Không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội: Điều này đồng nghĩa với việc không phải bất kỳ người phạm tội nào mắc bệnh hiểm nghèo đều được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự mà còn phải xác định khả năng gây nguy hiểm cho xã hội của họ trên thực tế.
Ví dụ: A mắc bệnh ung thư nhưng được phát hiện, điều trị tại giai đoạn đầu nên vẫn còn khỏe mạnh, khả năng khỏi bệnh rất cao, vì vậy hoàn toàn không có cơ sở để miễn trách nhiệm hình sự cho A. Tuy nhiên, nếu xét trường hợp A bị ung thư giai đoạn cuối, đã di căn, sức khỏe ốm yếu thì cần phải xem xét áp dụng việc miễn trách nhiệm hình sự.