Theo đó, điểm mới đáng chú ý của Thông tư này là có nhiều thay đổi so với quy định hiện hành liên quan đến người có GPLX quá thời hạn sử dụng. Theo đó, người có GPLX các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE quá thời hạn sử dụng dưới 1 năm kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lý thuyết theo quy định.
GPLX quá hạn từ 1 năm trở lên kể từ ngày hết hạn phải sát hạch lý thuyết, thực hành lái xe trong hình và trên đường trường.
Thông tư mới của Bộ GTVT cũng quy định: Người có GPLX thuộc các hạng nêu trên bị mất nhưng quá thời hạn sử dụng dưới 1 năm, phải dự sát hạch lý thuyết; quá hạn từ 1 năm trở lên kể từ ngày hết hạn phải sát hạch cả lý thuyết và thực hành.
GPLX thuộc trường hợp này phải có tên trong hồ sơ của sở GTVT, không thuộc trường hợp đang bị các cơ quan có thẩm quyền thu giữ, xử lý.
Thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết: Tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua quy định: Người có GPLX được đổi, cấp lại trước thời hạn ghi trên GPLX.
Điều này có nghĩa là người có GPLX quá hạn dù chỉ 1 ngày khi muốn đổi sang GPLX mới sẽ phải sát hạch lại.
Vì vậy, tại Thông tư 35/2024 của Bộ GTVT hướng dẫn thi hành Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ GTVT quy định: Người có GPLX quá hạn dưới 1 năm sẽ phải thi lại lý thuyết, quá hạn trên 1 năm sẽ phải thi lại thực hành.
Lấy minh chứng cụ thể hơn, vị này cho hay, ví như anh Nguyễn Văn A có GPLX hết hạn vào 29/1/2025 thì theo quy định của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, trước ngày 29/1, anh A được đổi, cấp lại GPLX. Nhưng nếu đến ngày 30/1 anh A mới đi đổi thì sẽ phải thi lại lý thuyết.
Liên quan đến cấp lại GPLX, tại thông tư mới, Bộ GTVT cho phép người có GPLX bị mất, còn thời hạn sử dụng được xét cấp lại ngay mà không phải chờ xác minh.
Việc cấp lại GPLX bị mất thực hiện theo quy định của Thông tư này. Thêm vào đó, Bộ GTVT quy định không cấp lại GPLX đối với các trường hợp: GPLX không có trong hệ thống thông tin GPLX tại Cục Đường bộ Việt Nam, bảng kê danh sách cấp GPLX (sổ quản lý); chưa cấp lại GPLX đối với người vi phạm trật tự ATGT chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm.
|
Giấy phép lái xe ôtô quá hạn 1 ngày cũng phải thi lại lý thuyết - Ảnh minh họa. |
Để làm được điều này theo Cục Đường bộ Việt Nam là do ở thời điểm hiện tại công nghệ đã phát triển, lực lượng CSGT có thể cập nhật ngay vào dữ liệu xử lý vi phạm đối với các trường hợp bị tạm giữ hay bị tước GPLX.
Cơ quan cấp đổi sẽ cập nhật vào cơ sở dữ liệu để kiểm tra và cấp lại GPLX.
Ngoài các quy định trên, từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ bắt đầu có hiệu lực với nhiều điểm mới về phân hạng giấy phép lái xe.
Luật quy định 15 hạng gồm: A, A1, B, B1, C, C1, D, D1, D2, BE, C1E, CE, DE, D1E, D2E, tăng 2 hạng so với luật hiện hành.
Trong đó hạng A1 cấp cho người lái môtô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125cm3 hoặc công suất động cơ điện đến 11kW.
Hạng A cấp cho người lái môtô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 125cm3 hoặc công suất động cơ trên 11kW và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.
Hạng B1 cấp cho người lái môtô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.
Với ôtô, giấy phép hạng B dành cho người lái xe đến 8 chỗ (không kể chỗ lái xe); ôtô tải và chuyên dùng đến 3,5 tấn.
So với Luật giao thông đường bộ 2008, hạng B đã được gộp giữa bằng B1 (cấp cho không hành nghề lái xe đi ôtô đến 9 chỗ ngồi; xe tải dưới 3,5 tấn) và bằng B2 (cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe đến 9 chỗ ngồi; xe ôtô tải dưới 3,5 tấn).
Giấy phép lái xe hạng C trước đây dành cho lái xe tải từ 3,5 tấn trở lên được tách thành C1 (dành cho lái xe 3,5-7,5 tấn) và C (trên 7,5 tấn).
Hạng D trước đây cấp cho lái xe chở người từ 10 đến 30 chỗ được tách thành các hạng D1 (từ 8 đến 16 chỗ, không kể chỗ của lái xe) và D2 (từ 16 đến 29 chỗ), hạng D (trên 29 chỗ).
Hạng BE cấp cho người lái các loại xe ôtô quy định cho giấy phép lái xe hạng B kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg. Tương tự, các hạng C1E, CE, D1E, D2E, DE được cấp cho người lái các loại xe ôtô hạng C1, C, D1, D2, D kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750kg.
Luật mới kế thừa Luật hiện hành và các văn bản hướng dẫn quy định giấy phép lái xe các hạng A1, A, B1 không thời hạn; giấy phép hạng B và hạng C1 thời hạn 10 năm; giấy phép hạng C, D1, D2, D và các giấy phép lái xe rơ moóc chỉ 5 năm.
Về độ tuổi được lái xe, Luật mới quy định người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy (dung tích dưới 50cm3; động cơ điện không lớn hơn 4 kW); người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1.
Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE; người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE; người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE.
Khi người có giấy phép lái xe đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực có nhu cầu đổi, cấp lại sẽ được áp dụng theo nguyên tắc sau: Người có giấy phép hạng A1 (theo Luật Giao thông đường bộ 2008) được chuyển sang hạng A, song chỉ được điều khiển xe môtô đến 175cm3 hoặc động cơ điện đến 14 kW. Hạng A2 được đổi sang hạng A; hạng A3 được đổi sang hạng B1.
Người có giấy phép hạng B1 số tự động được đổi, cấp lại sang hạng B, song chỉ được điều khiển ôtô số tự động; hạng B1, B2 được đổi sang hạng B và C1; hạng C được đổi cùng loại; hạng D được đổi, cấp lại sang hạng D2; hạng E được đổi, cấp lại sang hạng D; hạng FB2 được đổi, cấp lại sang C1E...