Cổng mới được lắp dựng ở di tích quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng.
Đầu tháng 4/2021 vừa qua, một họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật khi đến thăm di tích quốc gia đặc biệt Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) đã vô cùng ngỡ ngàng khi thấy di tích đình làng mang vẻ kiến trúc của thế kỷ XVI lại được dựng thêm một chiếc cổng giống như những chiếc cổng thường được lắp ở nhiều biệt thự; trên hai trụ cổng lại có thêm hai dàn đèn uốn thành hình hai quả cầu nhấp nháy.
Đình Tây Đằng nằm ở thôn Đông, thị trấn Tây Đằng, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 50km. Ngôi đình được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt từ 2013. Đây là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, độc đáo vào loại bậc nhất ở xứ Đoài. Đình thờ ba vị Thành hoàng: Tản Viên, Cao Sơn và Quí Minh, những vị anh hùng văn hoá, biểu trưng cho sức mạnh của dân tộc trong việc chế ngự thiên tai, lũ lụt và chống giặc ngoại xâm...
Hình ảnh về chiếc “cổng mới” lập tức nhận được nhiều phản hồi, cho rằng chiếc cổng sắt đang được dựng ở đình làng Tây Đằng không ăn nhập gì với cảnh quan và kiến trúc cổ. Một họa sĩ đánh giá, chiếc cổng mới là một kiểu kiến trúc hoàn toàn trái với nội dung bên trong. “Cổng đình mới này không khác gì một thứ đồ phổ thông, phá hỏng di tích, rất nhức nhối”, chuyên gia này đánh giá.
Sau khi nắm được thông tin phản ánh, Sở VH&TT Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo yêu cầu kiểm tra. Theo báo cáo của Phòng VH &TT huyện Ba Vì, hai cánh cổng cũ của đình đã được thay bằng hai cánh cổng mới, chất liệu bằng sắt, kích thước mỗi cánh 1,96 x 3,29m, hoa văn trang trí hình trống đồng, sơn màu vàng đồng nhạt.
Trong khi đó, hai cánh cổng cũ được bảo quản cẩn thận tại nhà kho của BQL di tích, và đây cũng chỉ là hai cánh cổng sắt hoen gỉ, cũng chẳng có giá trị nghệ thuật lịch sử văn hóa gì. UBND huyện đã chỉ đạo UBND thị trấn Tây Đằng hạ giải hai cánh cổng mới và lắp trả lại nguyên trạng hai cánh cổng cũ.
Vậy là đình Tây Đằng lại có hai cánh cổng cũ bằng sắt đã cũ, hoen gỉ, gãy bản lề, BQL phải kiên cố bằng dây thép. Cổng cũ hay cổng mới cũng tệ như nhau. Vấn đề quan trọng ở chỗ đây là di tích lịch sử, bất kỳ việc thay thế, tu sửa gì cũng phải báo cáo cơ quan chuyên môn và cấp có thẩm quyền.
Nghị định số 70/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh… đã có những quy định rõ ràng. Cán bộ địa phương có thể không biết những quy định này, nên mới tự ý thay cánh cổng cũ nguy cơ nguy hiểm bằng một cánh cổng mới. Dù động cơ mục đích không có gì, nhưng rõ ràng đã sai luật. Không thể hồn nhiên ứng xử với di tích theo kiểu như vậy.
Thế nên chỉ vì một cái cổng, mà Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL) đã vừa có Công văn số 133, đề nghị Sở VH&TT Hà Nội làm việc với UBND huyện Ba Vì chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn về việc tháo dỡ đèn (trên hai trụ cổng) và nghiên cứu sử dụng cổng đình đảm bảo phù hợp và hài hòa với tính chất, giá trị của di tích.
“Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương trong việc quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, kết hợp tổ chức tuyên truyền trong nhân dân pháp luật về di sản văn hóa; nâng cao nhận thức và ý thức trong công tác quản lý, bảo vệ di tích”. Nhắc nhở này là không thừa.