Ngày 21/3, cảnh báo từ công an TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhiều người dân do điện thoại cài đặt phần mềm giả mạo Dịch vụ công bị các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại rồi chiếm đoạt tài sản.
Trong đó có những trường hợp do cho người thân hoặc bạn bè mượn điện thoại để cài đặt phần mềm giả mạo Dịch vụ công.
|
Cảnh báo việc bị chiếm đoạt tài sản khi cho mượn điện thoại để cài đặt phần mềm giả mạo Dịch vụ công. |
Một trong các nạn nhân là anh H (trú tại Hà Nội) do cho bạn mượn điện thoại để cài đặt phần mềm giả mạo Dịch vụ công nên bị chiếm đoạt tài sản.
Tại trụ sở Công an, anh H. cho biết bạn của mình là anh K. nhận được điện thoại của đối tượng tự xưng là cán bộ Công an phường yêu cầu đến cơ quan Công an để cập nhật tài khoản định danh cá nhân.
Do anh K. bận công tác nên không thể trực tiếp đến cơ quan Công an làm việc.
Đối tượng thông báo với anh K là Bộ Công an có chủ trương hỗ trợ qua mạng để thuận tiện cho công dân và hướng dẫn anh K. sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android để tải phần mềm và cài đặt ứng dụng giả mạo Dịch vụ công.
Do anh K. không sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android nên đã mượn điện thoại của anh H. để cài đặt ứng dụng giả mạo theo yêu cầu của đối tượng.
Ngoài ra, đối tượng còn yêu cầu anh K. truy cập vào tài khoản ngân hàng để thanh toán phí dịch vụ.
Mục đích của các đối tượng là thu thập thông tin về số tài khoản, mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng của anh K. khi đăng nhập trên điện thoại của anh H.
Sau khi phần mềm cập nhật xong và chiếm được quyền điểu khiển điện thoại, các đối tượng lấy cắp mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng, mã OTP giao dịch và thực hiện các lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản của tất cả các tài khoản ngân hàng lưu trong máy điện thoại của anh H và tài khoản ngân hàng anh K vừa đăng nhập.
Để phòng ngừa với thủ đoạn trên, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân:
1. Không cài đặt hoặc cho người thân, bạn bè mượn điện thoại để cài đặt phần mềm giả mạo Dịch vụ công, phần mềm không rõ nguồn gốc.
2. Khi người thân, bạn bè mượn điện thoại để cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc cần kiểm tra rõ thông tin trước khi cho mượn.
3. Thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền cho người thân, mọi người xung quanh phòng ngừa.
4. Nếu phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an để kịp thời giải quyết theo quy định.