Nhằm làm rõ tính khả thi của các giải pháp trong dự thảo đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 con sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét” do Sở Tài Nguyên Môi trường Hà Nội xây dựng năm 2022. Đây cũng là nhiệm vụ của Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020 -2025 đã được UBND thành phố phê duyệt năm 2021.
Toàn cảnh tọa đàm Làm “sống lại” 4 con sông nội đô: Tô Lịch - Kim Ngưu - Lừ - Sét. Ảnh Môi trường và Đô thị Việt Nam.
Ngày 22/8, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức Tọa đàm Làm “sống lại” 4 con sông nội đô: Tô Lịch - Kim Ngưu - Lừ - Sét.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Thị Việt Nga, Trưởng khoa Kỹ thuật Môi trường, Đại học Xây dựng Hà Nội, chủ trì tư vấn lập đề án cho biết, vai trò thoát nước của hệ thống 4 sông nội đô luôn rất quan trọng, nhưng thực trạng ô nhiễm đã và đang ở mức báo động. Từ quá trình phát triển KT-XH, đô thị hoá và sức ép dân số cơ học trên địa bàn TP Hà Nội ngày càng tăng dẫn đến thách thức việc quản lý hệ thống sông nội đô… Cần có một cách tiếp cận tổng thể, toàn diện những gói giải pháp được thực hiện đồng bộ mới hiệu quả. Nếu chỉ áp dụng một vài giải pháp, sẽ không đạt được mục tiêu mà còn tốn kém nguồn lực. Bởi ngoài vai trò vật lý, mà còn có vai trò về giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội, Thủ đô của chúng ta cũng được mệnh danh là thành phố sông hồ….
PGS.TS Trần Thị Việt Nga, Trưởng khoa Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Chủ trì tư vấn lập Đề án trình bày dự thảo Đề án. Ảnh Xuân Thành
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng, Bộ Xây dựng cùng đồng quan điểm, thống nhất với các mục tiêu của Đề án, về mặt nội dung PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến cho rằng: Nên gọi bằng 4 nhiệm vụ bao gồm kiểm soát phòng ngừa; xây dựng hệ thống cân bằng sinh thái; cải tạo chỉnh trang không gian cảnh quan và tăng cường năng lực. Kèm theo những nhiệm vụ lớn nêu trên, các chương trình và các dự án đi theo.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến,nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng, Bộ Xây dựng, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu KH&CN . Ảnh Môi trường và Đô thị Việt Nam.
Về cơ chế chính sách ông Tiến quan điểm, nếu thực hiện dự án này, ai tham gia vào dự án sẽ được hưởng các ưu đãi gì? Như vậy mới khuyến khích, kêu gọi được. Huy động các nguồn lực, nếu chỉ chung chung là xã hội hóa, nhưng phải làm rõ được sẽ huy động thế nào, làm thế nào để huy động?
Khái toán trong Đề án đưa ra những con số không đúng với thực tế, ví dụ tại hạng mục nạo vét bùn hồ Trúc Bạch chỉ có 0,03 tỷ đồng; nạo vét bùn hồ Quảng Bá hết 0,04 tỷ đồng. Mức chi cho các hạng mục này chỉ tốn khoảng mấy chục triệu đồng là không chính xác. Cần rà soát lại danh mục dự án cũng như xem xét khả năng của nguồn đầu tư đảm bảo tính đồng bộ. Ngoài ra các con số đề án cần khái toán phù hợp với thực tế, vì đây sẽ là phần phụ lục đính kèm khi xem xét phê duyệt Đề án.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam. Ảnh Môi trường và Đô thị Việt Nam.
Liên quan đến thời điểm bắt đầu dự án, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng Sở Tài nguyên & Môi trường xem xét thời điểm chính thức bắt đầu dự án để triển khai cho phù hợp, nhất là trong bối cảnh thành phố Hà Nội đang triển khai Quy hoạch Thủ đô 2021 – 2030 và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Nội dung đang trong Luật Thủ đô chỉ nhắc tới tập trung xây dựng quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng, như vậy khó để sắp xếp nguồn tiền thực hiện Đề án với 4 con sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét vì không nằm trong chính sách.