Nhìn ra thế giới

Chu Vĩnh Khang, “con hổ” lớn bị tù chung thân

15:30 | 08/09/2015

Chia sẻ

QHNN Cựu lãnh đạo ngành An ninh, nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang – “con hổ” lớn bị sa lưới trong chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc, ngày 11/6 đã bị tuyên án chung thân do tội “tham nhũng, lạm dụng quyền lực và cố ý làm lộ các bí mật nhà nước” tại một phiên tòa bí mật, sau một loạt diễn biến khiến dư luận thế giới chú ý suốt 12 năm qua. Trong lời cuối cùng trước khi tòa tuyên án, với khuôn mặt hốc hác, thần sắc sa sút rõ, mái tóc bạc trắng, bị cáo Chu Vĩnh Khang 73 tuổi, thừa nhận đã “triền miên” phạm pháp, vi phạm kỷ luật Đảng Cộng sản và nhận hết trách nhiệm về mình thay cho các “đàn em”.

Thần sắc thê thảm của một “con hổ” đứng trước vành móng ngựa

Chu Vĩnh Khang là quan chức cấp cao nhất ở Trung Quốc bị truy tố các tội danh tham nhũng và nhận hối lộ kể từ sau vụ “Băng đảng 4 tên” năm 1976. Trước đó không ít lần, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc tuyên bố Chu Vĩnh Khang và 28 quan chức cấp cao khác sẽ được xét xử ở một “phiên tòa công khai” để chứng tỏ sự minh bạch. Phiên tòa xét xử Chu Vĩnh Khang từng bị hoãn lại không lý do (nhiều lời đồn đoán cho rằng, nguyên nhân là do Chu đã rút lại lời thú tội), tuy nhiên cuối cùng Chu lại bất ngờ được xử trong phiên tòa họp kín ở Thiên Tân. Giải thích cho động thái “đột ngột” này của Tòa án, theo Tân Hoa Xã, do vụ án của ông Chu có một số chứng cứ phạm tội liên quan tới bí mật quốc gia nên Tòa án nhân dân Thiên Tân đã tiến hành xét xử không công khai từ hôm 22/5. Tòa án đã triệu tập các nhân chứng, trình chiếu các đoạn video ghi hình lời chứng của con trai Chu Vĩnh Khang là Chu Bân và vợ ông Chu là bà Hà Hiểu Diệp.
Phiên tòa xét xử Chu Vĩnh Khang cho tới thời điểm này chỉ được “gói gọn” trong một đoạn video ngắn được đưa lên truyền hình CCTV. Trong đoạn video ngắn, hiếm hoi này cho thấy, Chu Vĩnh Khang “thành khẩn”  nhận tội và tuyên bố sẽ không kháng cáo. Được hai cảnh sát dìu lên trước vành móng ngựa, người ta thấy Chu đầu tóc bạc trắng – sự thay đổi nhanh chóng chỉ trong vòng một năm ở con người đầy quyền uy và tiền bạc một thời.

Chu Vĩnh Khang trong phiên tòa xét xử. Ảnh: CCTV
Chu Vĩnh Khang trong phiên tòa xét xử. Ảnh: CCTV

Theo Tân Hoa Xã, Chu Vĩnh Khang bị tuyên tù chung thân đối với tội danh nhận hối lộ, tước vĩnh viễn các quyền lợi chính trị và tịch thu tài sản cá nhân. Đối với tội danh lạm dụng chức quyền, Chu bị tuyên 7 năm tù giam và đối với tội danh cố ý tiết lộ bí mật quốc gia là 4 năm tù giam. Tổng hình phạt đối với cả ba tội danh là tù chung thân, tước vĩnh viễn quyền lợi chính trị, tịch thu tài sản cá nhân.
Theo phán quyết, Chu đã nhận hối lộ khoảng 130 triệu nhân dân tệ (21,3 triệu USD). Trong đó, có 5 người liên quan được hưởng lợi từ hành vi lạm dụng quyền lực của Chu Vĩnh Khang, gồm doanh nhân Wu Bing ở tỉnh Tứ Xuyên, người được cho là thân thiết với con trai của Chu Vĩnh Khang là Chu Bân; Đinh Tuyết Phong, nguyên Thị trưởng thành phố Lữ Lương, tỉnh Sơn Tây; Wen Qingshan – nguyên Kế toán trưởng của CNPC; Zhou Hao – nguyên Bí thư Đảng ủy một công ty con của CNPC và Tường Khiết Mẫn – nguyên Chủ tịch của CNPC. Chu Vĩnh Khang bị kết luận đã lạm dụng quyền trực tiếp nhận hối lộ tiền và bất động sản trị giá 731.100 NDT từ Tưởng Khiết Mẫn. Trong khi đó, vợ và con trai Chu Bân của Chu Vĩnh Khang nhận tiền và nhà đất trị giá 129 triệu NDT.
Hồ sơ vụ án khẳng định, Chu Vĩnh Khang đã chỉ đạo Tưởng Khiết  Mẫn và Lý Xuân Thành – Cựu Phó Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên – hỗ trợ hoạt động kinh doanh của những người khác giúp họ thu lợi nhuận bất chính khoảng 2,14 tỷ NDT (348 triệu USD), và gây thiệt hại cho nhà nước 1,49 tỷ NDT (242,6 triệu USD).
Ngoài ra, Chu Vĩnh Khang cũng bị kết tội để lộ 6 tài liệu mật, trong đó có 5 tài liệu tối mật cho Cao Ung Chính, một “bậc thầy khí công”. Tuy nhiên, tòa án phán quyết rằng tội nặng nhất của Chu là tham nhũng, còn việc làm lộ tài liệu thì “không gây hậu quả nghiêm trọng”? Thật mâu thuẫn, bởi hầu hết các kênh thông tin chính thống của Trung Quốc đều viện dẫn lý do khiến Tòa án không xử công khai Chu Vĩnh Khang là do “ông Chu có một số chứng cứ  phạm tội liên quan tới bí mật quốc gia”. Ấy vậy mà trong phiên xử cuối cùng này, Tòa lại cho rằng “việc làm lộ tài liệu thì không gây hậu quả nghiêm trọng”?
Đúng là việc điều tra ông Chu đã phá vỡ điều kiêng kỵ “bất thành văn” là các cựu Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc không bao giờ bị truy tố. Tuy nhiên, theo giới quan sát, ông Chu đã thoát án tử dễ dàng và mức án dành cho ông ta vẫn còn tương đối nhẹ so với các tội danh. Hồi tháng 3 vừa qua, người đứng đầu Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc hứa hẹn rằng Chu sẽ bị xét xử công khai ở Thiên Tân. Vào thời điểm đó, nhiều người đoán rằng Chu sẽ nhận án tử hình treo giống như các quan chức cấp cao khác. Với bản án này, phạm nhân được hoãn thi hành án khoảng 2 năm. Nếu không có sai phạm trong vòng 2 năm đó sẽ giảm xuống tù chung thân hoặc nếu cải tạo tốt, có thể giảm xuống án tù có thời hạn.

Xin nhận tội, ăn năn hối lỗi

Tờ South China Morning Post dẫn lời nhà phân tích Lý Vĩ Đông cho biết so với một số quan chức cấp thấp hơn, rõ ràng ông Chu được khoan dung hơn. Trong khi đó, chuyên gia chính trị Trình Tường nhận xét phán quyết tránh đề cập đến những lý do chính trị khi luận tội ông Chu là để tránh mối đe dọa cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Trước đây, Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang tố cáo kết bè kéo cánh với nhau.
Theo Tân Hoa Xã, trong lời nói cuối cũng tại tòa, Chu Vĩnh Khang thừa nhận đã “triền miên” vi phạm pháp luật và các kỷ luật của Đảng Cộng sản, gây hậu quả nghiêm trọng. “Tôi phục tùng phán quyết của tòa án, không kháng cáo. Tôi biết mình đã vi phạm pháp luật, làm tổn hại hình ảnh của Đảng. Một lần nữa, tôi xin nhận tội, ăn năn hối lỗi”, Chu Vĩnh Khang nói trong đoạn video đài truyền hình trung ương CCTV công bố. Chu chấp nhận những cáo buộc bên kiểm sát đưa ra, “về cơ bản đều rõ ràng, đúng với thực tế”. Chu thừa nhận chuyện người khác tìm gặp và đưa hối lộ cho người nhà thực chất là nhằm vào quyền lực của Chu và ông phải chịu trách nhiệm chính. Chu cho rằng mình vi phạm kỷ luật vì tình cảm riêng tư và vi phạm pháp luật là do yếu tố khách quan. Tuy nhiên, Chu không nói yếu tố khách quan là gì. “Quá trình xử lý vụ việc của tôi tuân thủ đúng các quy định của Đảng và pháp luật, phản ánh quyết tâm của cơ quan chức năng trong việc quản lý Đảng một cách chặt chẽ và thúc đẩy pháp quyền”, Chu Vĩnh Khang khẳng định.
Theo Wall Street Jourl, việc kết án Chu Vĩnh Khang càng củng cố hơn nữa hình ảnh của Chủ tịch Tập Cận Bình, với tư cách nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc những năm gần đây, và là dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng lâu dài của ông Tập.
Với việc bắt giữ và đưa ra xét xử Chu Vĩnh Khang và tất cả những quan chức từng “dính chàm” cùng với “con hổ” cỡ bự này, chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc có thể nói là đang đào tậm gốc, trốc tận rễ “bè lũ tham nhũng”.
 
Hạc Thúy (Tổng hợp)
* QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn