Theo thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), từ nay đến hết năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ tập trung xử lý 5 nhóm hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn gồm: Vi phạm nồng độ cồn, ma túy; xe chở quá khổ quá tải, cơi nới thành thùng; vi phạm về tốc độ; vi phạm về tránh vượt, phần đường, làn đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và sử dụng giấy tờ giả.
Với xử lý vi phạm nồng độ cồn: Cục CSGT yêu cầu áp dụng đồng bộ các biện pháp, trong đó có cả lực lượng cảnh sát giao thông hóa trang mặc thường phục, bí mật nắm tình hình để thông báo và kịp thời xử lý người vi phạm sử dụng rượu bia tham gia giao thông trên tuyến.
Trên cơ sở điều tra cơ bản sẽ xây dựng kế hoạch, phương án bố trí, huy động lực lượng cụ thể trên từng tuyến, địa bàn quản lý, đảm bảo nguyên tắc phải khép kín tuyến, địa bàn; thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, vị trí kiểm soát, bố trí lực lượng sử dụng xe mô tô CSGT tuần tra cơ động gần khu vực kiểm soát để kịp thời xử lý các trường hợp cố tình quay đầu xe và rẽ vào đường ngang, ngõ tắt nhằm trốn tránh việc kiểm tra.
Đồng thời, lực lượng chức năng sẽ tổ chức xác minh các trường hợp vi phạm là cán bộ, đảng viên và gửi thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị theo đúng tinh thần Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp kiểm soát, phát hiện lái xe dương tính với chất ma túy, lực lượng chức năng sẽ tổ chức kiểm tra, xác minh về nhân thân, nơi cư trú để có biện pháp quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.
|
Đại diện Cục CSGT cho biết sẽ sử dụng cả lực lượng CSGT hóa trang mặc thường phục để xử lý vi phạm nồng độ cồn. |
Với các vi phạm liên quan tới tốc độ; tránh, vượt; đi sai phần đường, làn đường; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông... Cục CSGT cho biết đối với các tuyến không được trang bị hệ thống giám sát, công an các đơn vị, địa phương sẽ bố trí cán bộ hóa trang, mặc thường phục sử dụng các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thường xuyên di chuyển để ghi nhận các hành vi vi phạm. Từ đó thông tin cho lực lượng làm nhiệm vụ công khai để xử lý. Trường hợp không dừng được xe, cảnh sát sẽ gửi thông báo đến chủ xe liên quan để phạt nguội.
Đại diện Cục CSGT cho biết việc kiểm tra, xử lý vi phạm theo các chuyên đề sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục, nghiêm minh, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần tuyệt đối thượng tôn pháp luật, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", để răn đe, giáo dục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người tham gia giao thông; đồng thời, phát hiện những tồn tại, bất cập để kiến nghị các biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo đảm TTATGT…
Theo đại diện Cục CSGT, quy định về lực lượng CSGT mặc thường phục, hóa trang được nêu tại thông tư 32/2023, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình tuần tra, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/9/2023.
Thông tư quy định CSGT được mặc thường phục, hóa trang để phát hiện, xử lý vi phạm. Đại diện Cục CSGT cho biết cơ quan chức năng đã có những quy định chặt chẽ, cụ thể khi thực thi.
CSGT hóa trang khi đi làm phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, được cấp thẩm quyền phê duyệt. Mỗi tổ CSGT sẽ được bố trí một bộ phận cán bộ hóa trang (mặc thường phục) và phải phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
Đồng thời lực lượng hóa trang chỉ có nhiệm vụ sử dụng kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm trật tự an toàn giao thông. Khi phát hiện, CSGT hóa trang không trực tiếp xử lý vi phạm, mà phải thông báo ngay cho lực lượng CSGT công khai để dừng xe và xử lý.
Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm thì CSGT sẽ sử dụng giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm này.