Văn hóa - Giáo dục

Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh: Giáo dục truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh vào các trường học

08:21 | 14/11/2017

Chia sẻ

QHNN Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh thành lập năm 1960, là Bảo tàng lưu niệm sự kiện lịch sử tiêu biểu của Đảng Cộng sản Việt Nam và quê hương Nghệ Tĩnh. Với bề dày gần 60 năm xây dựng và phát triển, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh luôn đặt công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho mọi thế hệ đặc biệt là thế hệ trẻ lên trên hết, là nhiệm vụ hàng đầu. Trong những năm gần đây, một vấn đề xã hội nổi bật là thực trạng thờ ơ, yếu kém về việc dạy và học môn Lịch sử trong các nhà trường, tình trạng vắng khách đến báo động của các bảo tàng dẫn đến thế hệ trẻ kém hiểu biết lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng của cha ông, ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành nhân cách, xây dựng lòng tự tôn, tự hào dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá quê hương.

Để nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học phổ thông, chú trọng chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng và đưa các nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, văn hóa xứ Nghệ…vào các trường học, với các hình thức phong phú, đa dạng để học sinh dễ học, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Tháng 12/2005, Sở Văn hóa Thông tin cùng Sở Giáo dục Đào tạo Nghệ An đã thống nhất chủ trương đưa giáo dục lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh vào học trong nhà trường. Ngày 6/7/2007, hai ngành chính thức ban hành Kế hoạch số 1341/SVHTT- SGDĐT về giáo dục truyền thống Xô viết Nghệ Tĩnh cho học sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Trong suốt 10 năm (2007-2017) thực hiện kế hoạch giáo dục, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp giữa hai ngành như: Biên soạn hai bài giảng ngoại khoá về Xô Viết Nghệ Tĩnh cho học sinh lớp 9 và lớp 12; Phối hợp với Đài PTTH Nghệ An xây dựng phim khoa giáo “Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931” phục vụ tiết học ngoại khóa cho các trường học; Làm tốt công tác đón tiếp, hướng dẫn, thuyết minh cho học sinh các trường; Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã phối hợp với các địa phương, nhà trường tổ chức: “Câu lạc bộ lịch sử”, giao lưu văn hóa (mỗi năm tổ chức từ 4 đến 6 cuộc), trưng bày lưu động (từ 7 đến 9 cuộc), giao lưu, đối thoại với nhân chứng lịch sử, nói chuyện chuyên đề (từ 2 đến 4 cuộc)… vào dịp kỷ niệm thành lập Đảng, Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, Kỷ niệm ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh hàng năm, Cách mạng tháng Mười Nga, Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Thành lập Đoàn TNCSHCM, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của các vị tiền bối, danh nhân cách mạng tiêu biểu. Mặc dù khó khăn về kinh phí nhưng Bảo tàng vẫn dành một nguồn để đầu tư cho giải thưởng và quà tặng khích lệ các em. Sau mỗi cuộc giao lưu, lãnh đạo nhà trường, giáo viên bộ môn và lãnh đạo Bảo tàng đã họp, hội ý nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm để lần sau tổ chức tốt hơn.

Hàng năm có hàng ngàn lượt học sinh về tham quan bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Hàng năm có hàng ngàn lượt học sinh về tham quan bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

 

Trong việc xây dựng mô hình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã giúp trường lập danh mục di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được xếp hạng để học sinh các trường nhận chăm sóc di tích tại địa phương mình. Ngoài ra bảo tàng còn cung cấp tài liệu, các ấn phẩm cho các trường làm tư liệu giảng dạy, giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh như cuốn: Chiếc va ly màu đỏ, Ráng đỏ Hồng Lam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học 65 năm, 70 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, Tập sách Nghệ An - những tấm gương cộng sản; những mẩu chuyện về danh nhân và tấm gương dũng cảm, kiên trung của các chiến sỹ cộng sản trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh như: Nguyễn Phong Sắc, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Hà Huy Tập, Nguyễn Sỹ Sách, Lê Mao, Phan Thái Ất…; Tuyên truyền về Xô Viết Nghệ Tĩnh trên các phương tiện thông tin đại chúng như Wes, Fanpage; mở rộng liên kết trang thông tin điện tử của Bảo tàng với công chúng trong và ngoài nước, các công ty lữ hành và các cộng tác viên của báo Nghệ An, báo Lao Động, Tạp chí Văn hóa Nghệ An…
Từ khi triển khai đến nay (2007-2017), số học sinh trong các trường học được đến tham quan, học tập tại  Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày càng nhiều hơn. Số lượng học sinh được tham quan trưng bày lưu động, được tham gia giao lưu văn hóa, thi tìm hiểu lịch sử, nghe nói chuyện truyền thống, xem phim khoa giáo về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã tăng lên, trong đó có một số trường ở miền núi như Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quế Phong.... Ước tính số lượng học sinh trong tỉnh đến tham quan, học tập tại Bảo tàng Xô Viết hàng năm là gần 20 ngàn lượt. Hầu hết các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Vinh hàng năm đều tổ chức cho học sinh đến tham quan Bảo tàng Xô Viết và duy trì thành nề nếp. Một số trường ở các huyện: Nghi Lộc, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Thanh Chương, Yên Thành, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Quế Phong… mặc dù xa xôi nhưng những năm học 2016, 2017 các nhà trường đã phối hợp với các công ty lữ hành tổ chức cho các em về tham quan, học tập tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Qua đó, nhận thức, hiểu biết của các em về lịch sử địa phương, về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh sâu sắc hơn.
Phần lớn các em đã nhận thấy rõ sau buổi tham quan tại Bảo tàng, kiến thức lịch sử mà các em đã được học ở trường sẽ được củng cố và nâng cao. Trình đô hiểu biết về lịch sử không chỉ dừng ở việc nắm bắt các sự kiện mà thông qua các bộ sưu tập hiện vật, hình ảnh, tư liệu đã giúp các em giải thích và liên hệ với cuộc sống ngày nay. Nhiều em rất xúc động trước những hiện vật, tài liệu, hình ảnh được giới thiệu qua lời thuyết minh của Hướng dẫn viên về tội ác của đế quốc, phong kiến, về những tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sỹ cách mạng. Các em đã xác định được trách nhiệm của mình trong việc kế thừa truyền thống yêu nước và cách mạng của cha anh. “Phải thực sự tỉnh táo, không được phủ nhận quá khứ, phải bảo vệ giữ gìn truyền thống tốt đẹp của cha ông” đó là chia sẻ của em Nguyễn Thị Thảo, trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng. 
Có thể nói rằng việc tham quan, học tập tại bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã thu được kết quả tốt về mặt giáo dưỡng (kiến thức), giáo dục (tư tưởng, phẩm chất, đạo đức) và kỹ năng (tư duy, thực hành). Phần lớn giáo viên bộ môn Lịch sử thấy được sự cần thiết trong việc sử dụng các tài liệu, hiện vật, hình ảnh của Bảo tàng để nâng cao chất lượng dạy học bộ môn. Về phía học sinh các em cũng rất hứng thú vì có dịp được học tập, ôn lại truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương, của đất nước một cách tương đối có hệ thống. Tác dụng về nhận thức và tình cảm của các em rất rõ rệt, thể hiện rõ nét ở các bài thu hoạch, bài cảm tưởng sau khi tham quan Bảo tàng. Em Nguyễn Phạm Vân Trinh, Lê Nguyễn Phương Linh, lớp 9C, Trường THCS Lê Mao cho biết: “Chúng em vinh dự được về tham quan, học tập tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Sau chuyến tham quan đã giúp chúng em học hỏi được rất nhiều bài học đáng quý về lòng yêu nước của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì dân tộc để cho chúng em có được cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Chúng em được hiểu biết thêm về lịch sử dân tộc, cảm nhận được những mất mát của đất nước. Qua đó chúng em như được nung nấu thêm tấm lòng yêu nước, rèn luyện ý chí bảo vệ dân tộc. Đây là động lực để chúng em chăm chỉ học tập, rèn luyện đạo đức để trở thành công dân tốt, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Chúng em xin hứa sẽ luôn cố gắng rèn luyện để làm tròn trách nhiệm những chủ nhân tương lai của đất nước, luôn trung thành  với dân tộc để không phụ sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh”.
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở Văn hóa & Thể thao, Sở Giáo dục & Đào tạo, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã có nhiều đổi mới trong công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan: Phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục  tăng cường hoạt động tuyên truyền giáo dục, đổi mới, nâng cao chất lượng về hình thức, nội dung, phương pháp giới thiệu các tư liệu, hình ảnh, hiện vật của Bảo tàng cho đông đảo giáo viên và học sinh; đổi mới phương pháp thuyết minh hấp dẫn, phù hợp với bài giảng ngoại khóa và tâm sinh lý của học sinh; Phối hợp với Chi hội Lữ hành Nghệ An, Hội chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày tỉnh Nghệ An, Quân khu IV, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh nhằm tuyên truyền về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, về truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương xứ Nghệ để từ đó khơi dạy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước trong mọi thế hệ, đặc biệt có ý nghĩa giáo dục tư tưởng, chính trị, tình cảm cho thế hệ trẻ trước bối cảnh lịch sử trong nước và quốc tế phức tạp như hiện nay góp phần củng cố niềm tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của Đảng. Thông qua ngôn ngữ đặc thù của mình, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã tác động vào quá trình nâng cao dân trí, giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, hướng tới những giá trị đích thực của Chân – Thiện – Mỹ và giao lưu văn hóa.
Những kết quả trên khẳng định: chủ trương của lãnh đạo hai ngành là hoàn toàn đúng đắn và có ý nghĩa thực tiễn cao; Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã góp phần xứng đáng cùng với ngành giáo dục đào tạo vào sự nghiệp “Trồng người” và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, những thế hệ mần non tương lai của đất nước.
Trần Thị Kim Phượng
Trưởng phòng Trưng bày tuyên truyền giáo dục
Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh


Nguồn:
QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY
Tạp chí số 83 / 2017
 

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn