Thời gian gần đây, liên tục các xe tải nhỏ vận chuyển trái phép gỗ nghiến tròn xẻ dạng thớt, bị phát hiện và bắt giữ trên địa bàn xã Phúc Sơn khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi về các chốt trạm, cùng lực lượng tuần tra bảo vệ kiểm soát lâm sản nằm rải rác đón lõng các cửa rừng, thậm chí án ngữ nghiêm ngặt tại hai đầu đoạn đường quốc lộ 279.
Xe tải nhỏ BKS 22C-08016 chở gỗ nghiến xẻ tròn bị bắt giữ sáng ngày 30/3/2022 tại xã Phúc Sơn.
Xe chở gỗ nghiến xẻ tròn dạng thớt bị bắt giữ ngày 4/4/2022 tại Trạm kiểm lâm Phúc Sơn.
Theo thông tin phản ánh từ quần chúng nhân dân về tình trạng phá rừng rầm rộ và cõng gùi gỗ nghiến giữa thanh thiên bạch nhật của một nhóm người tại thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang). Nhóm phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã thâm nhập thực tế, để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Có cầu ắt có cung, bẵng đi một thời gian không có người vào đặt mua gỗ, dân ở đây cũng nghỉ không lên rừng.
Nhưng bắt đầu từ trước tết đến giờ thì ngược lại, mọi người lại lăn xả bất chấp nguy hiểm để khai thác vận chuyển ồ ạt vì phía Trung Quốc lại tiêu thụ thớt gỗ nghiến rất mạnh, khiến tài nguyên rừng liên tục bị thất thoát và ảnh hưởng nghiêm trọng.
Gốc nghiến có đường kính 2 m, bị xẻ thịt tại thôn Bản Biến xã Phúc Sơn.
Để đảm bảo an toàn cho nhóm phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tiếp cận hiện trường gỗ nghiến, người dân trong ngôi làng này bật mí: “ Ngày 5/4/2022 (tức ngày 5/3 âm lịch) theo phong tục địa phương sẽ ăn tết thanh minh tảo mộ nên sẽ không có ai lên rừng, các anh chọn thời điểm này sẽ không bị theo dõi và giám sát”.
Ngay đầu thôn Bản Biến, phía bên phải là một chốt trạm kiểm lâm luôn có khoảng 3-4 người túc trực, và cũng chỉ cách đó khoảng hơn 200m là một trạm biến áp nhỏ có lối rẽ trái qua cánh đồng, dẫn thẳng vào trong khe núi, tiếng địa phương gọi khu này là khe Khuẩy Luồng Lạn.
Một khoanh gỗ nghiến đại cổ thụ có đường kính hàng mét bị vứt bỏ.
Một con đường mòn nhẵn với những dấu chân người, in trên các phiến đá len lỏi khoảng hơn 2 km, với nhiều bìa bắp gỗ nghiến đã cũ bắc hời hợt qua những hốc núi có địa hình hiểm trở mà chỉ cần sơ sểnh là lọt thỏm xuống, đám đá tai mèo lởm chởm phía dưới.
Khoảng 2 tiếng đồng hồ mò mẫm, chúng tôi đã tới một bãi bạt ngàn chuối rừng, quanh đó bắt đầu xuất hiện nhiều lối mòn khác tỏa ra các ngả cứ theo những dấu chân in hằn trên bùn đất ấy là dần lộ diện hàng loạt các cây gỗ nghiến bị xẻ thịt .
Những khoanh gỗ nghiến đường kính hàng mét được bỏ lại.
Những cây gỗ nghiến ở đây đều đã bị chặt hạ từ trước, nhưng dấu vết thì vừa xẻ xong, bởi cây cỏ xung quanh đó bị dẫm đạp và phát quang vừa mới úa héo.
Thân nghiến đại thụ có đường kính gốc lên tới 2 mét bị băm vụn để lấy thớt tròn rồi bỏ lại chỏng chơ cơ man là bìa bắp, mẩu vụn chất thành đống lớn vẫn còn đỏ lòm lẫn với mùn cưa vương vãi trải dầy trên diện rộng.
Những thân gỗ bị cưa xăng băm vạt nham nhở vẫn còn đỏ lựng.
Chỉ trong khoảng vài trăm m2, nhóm phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã phát hiện rất nhiều cây gỗ nghiến bị phanh thây thảm hại như vậy.
Hầu hết các điểm mổ xẻ này đều in hằn những dấu chân nặng nhọc, bởi tất cả chỉ có chung một hình thức vận chuyển là cõng gùi trên lưng rồi dò dẫm xuống núi.
Thân gỗ nghiến đoạn giáp ngọn vẫn có đường kính rộng tới 1,50 m.
Cũng theo người dân, địa điểm mà phóng viên tiếp cận vẫn chưa phải là điểm chính bị tàn phá, nhưng cũng đủ thể hiện rõ rệt cảnh tan hoang bởi những đường cưa lốc băm vạt của lâm tặc để lại hậu quả.
Họ cho biết phía trên đi sẽ thấy có những cây mới đổ và mặc dù trên đỉnh núi chằng chịt đường đi lối lại, nhưng khi muốn xuống thôn Tầng, hoặc quay trở lại thôn Bản Biến cũng chỉ có một con đường độc đạo nên rất dễ kiểm soát. Cán bộ tuần rừng chỉ cần chốt chặt ở 2 đầu đường này là chẳng ai mang nổi một tấc gỗ nào ra khỏi rừng.
Mỗi nhánh đường in dấu chân đều dẫn tới một cây gỗ nghiến bị xẻ thịt.
Các đe gỗ nghiến chắc nịch bị cắt rời bỏ đấy.
Trao đổi với ông Nông Văn Bông - Trạm trưởng kiểm lâm Phúc Sơn về vấn đề này, ông Bông cho biết: "Khu vực đó chúng tôi cũng mới kiểm tra và phát hiện đúng là có gỗ cũ bị xẻ mới, hiện chúng tôi đang tăng cường tuần tra kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không để các đối tượng vận chuyển lâm sản ra khỏi rừng.
Hôm mùng 4/4/2022, trạm cũng phát hiện một xe tải nhỏ chở 2 chiếc thớt nói là mang về sử dụng nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết lập biên bản tạm giữ để xác minh làm rõ".
Các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang lý giải về vụ việc này như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.