Nhìn ra thế giới

Trung Quốc có thực sự muốn thu hẹp bất đồng với các nước ASEAN?

10:46 | 07/05/2015

Chia sẻ

QHNN Với thỏa thuận cam kết cho khu vực Đông Nam Á vay 20 tỷ USD, Bắc Kinh đang gạt những căng thẳng trong những năm gần đây sang một bên và thể hiện bộ mặt ôn hòa hơn của nước này với thế giới. Tuy nhiên, chưa biết liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thực sự muốn thu hẹp bất đồng hay không và điều này sẽ thể hiện rõ qua việc nước xử lý ra sao đối với những tranh chấp hiện nay trong thời gian tới.

Nhiều vấn đề có khả năng sẽ xảy ra bất đồng, từ gián điệp mạng tới việc cải tạo các hòn đảo ở vùng biển Đông đang xảy ra tranh chấp và việc Nhật Bản sẽ phản ứng ra sao đối với lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh Thế giới thứ  II vào năm sau, bởi đây vốn là những vấn đề nhạy cảm đối với Trung Quốc. Trung Quốc đã khiến các quốc gia khác lo ngại khi thiết lập vùng Nhận dạng Phòng không trên biển Hoa Đông, kéo một giàn khoan 981 vào vùng biển nước sâu của Việt Nam và giới thiệu các vũ khí tối tân mới mà gần đây nhất là một máy bay tàng hình.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, Trung Quốc đã tìm cách xoa dịu những quan ngại khi Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Trung Quốc đã có những động thái hòa giải với Việt Nam, Philipines và Nhật Bản. Không chỉ vậy, Bắc Kinh và Washington đã ký một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu và thỏa thuận quân sự nhằm hạn chế rủi ro xảy ra hiểu lầm giữa quân đội hai nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Shi Yinhong, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh, đồng thời là cố vấn của Chính phủ về các vấn đề ngoại giao nói: “Chúng tôi vẫn cần phải theo dõi xem điều gì sẽ xảy ra trong vòng 6 tới 12 tháng tới, hoặc thậm chí còn lâu hơn.  Tuy nhiên, tôi cho rằng chính sách ngoại giao rằng sức mạnh kinh tế đã thay thế sức mạnh quân sự chi phối hoạt động ngoại giao của Trung Quốc mà dẫn chứng là việc lập quỹ 40 tỷ USD để xây dựng “con đường tơ lụa mới” và thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á với vốn điều lệ là 50 tỷ USD. Kể từ tháng 5/2014, Trung Quốc đã cam kết dành hơn 12 tỷ USD cho châu Phi, Đông Nam Á và Trung Á. “Nhật báo Trung Quốc” số ra ngày 17/11 viết: “Thông điệp là Trung Quốc chân thành mong muốn có thể đóng vai trò như một cường quốc có trách nhiệm”.
Những nguyên nhân gốc rễ gây ra các mối bất đồng trước đây hiện đã được gạt sang một bên. Hãng tin Tân Hoa Xã đã tìm cách hạ thấp, những mong đợi sau cuộc gặp của Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thống Obama hồi tuần trước, nói rằng mặc dù hai bên có “giọng điệu thân tình” song “vẫn còn nhiều việc phải làm để biến lời hứa thành hiện thực”.
Như để nhắc nhở Mỹ về sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc, chỉ một ngày trước cuộc gặp cấp cao giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Obama, quân đội Trung Quốc đã giới thiệu một máy bay tang hình mới rất hiện đại trong cuộc triễn lãm hàng không ở miền Nam Trung Quốc. Jia Qingguo,Trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh và cũng là cố vấn của chính phủ về các vấn đề ngoại giao nói: “Rất nhiều vấn đề còn tồn tại và sẽ có nhiều điều khó lường trong thời gian tới”.
Trung Quốc từ lâu đã tìm cách xoa dịu những lo ngại trong khu vực và thế giới rằng tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc có cách tiếp cận ngoại giao và quân sự hung hăng hơn. Trong Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo các nước Đông Nam Á diễn ra tại Myanmar hồi tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất một hiệp ước hữu nghị, tuy nhiên vẫn khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ chỉ giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông trực tiếp với từng bên có tuyên bố chủ quyền. Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói rằng ông và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có buổi gặp gỡ tốt đẹp tại Bắc Kinh, tuy nhiên quân đội Philippines cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ giảm sự hiện diện của nước này ở những khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Bên cạnh đó còn là vấn đề với Nhật Bản. Trung Quốc và Nhật Bản – hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới – đã tranh cãi rất gay gắt trong hai năm qua về những quần đảo tranh chấp, tầm ảnh hưởng trong khu vực và hành động xâm lược Trung Quốc của Nhật Bản trong thời chiến.
Mặc dù ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc hội đàm mang tính đột phá trước thềm hội nghị APEC, thừa nhận rằng những tranh cãi giữa hai nước đã gây thiệt hại về kinh tế, song sự nghi kỵ, giữa hai bên vẫn còn rất sâu sắc. Tuần trước, truyền thông nhà nước trích lời ông Han Zhiqiang – quyền Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản nói: “Việc có thể ngăn chặn những rắc rối xảy ra giữa hai nước hay không còn phụ thuộc vào thái độ và hành động của Nhật Bản”. Trung Quốc đã cam kết tổ chức các sự kiện lớn kỷ niệm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai trong năm tới và đây có thể trở thành cơ hội để Trung Quốc một lần nữa cáo buộc Nhật Bản đã không chuộc lỗi một cách thích đáng những sai lầm trong quá khứ. Một nhà ngoại giao của phương Tây làm việc tại Bắc Kinh nói: “Nhật Bản đặc biệt lo ngại về việc lễ kỷ niệm này sẽ được tổ chức ra sao tại Trung Quốc”.
Ấn Độ cũng là một vấn đề lớn đối với Bắc Kinh trong bối cảnh không có dấu hiệu nào cho thấy hai bên đạt được giải pháp cuối cùng cho tranh chấp biên giới kéo dài lâu nay. Phát biểu trước Quốc hội Australia ngày 17/11, ông Tập Cận Bình đã xoa dịu những lo ngại của thế giới khi nhắc tới một câu nói cổ: “Một quốc gia chuyên đi gây chiến cuối cùng sẽ bị diệt vong cho dù quốc gia ấy có lớn tới mức nào”.
Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình đã không nói đến vế sau, đó là: “Mặc dù thế giới đang hòa bình, song chúng ta sẽ gặp nguy hiểm nếu chúng ta quên không chuẩn bị cho chiến tranh”.
Hạc Thúy - Ngô Doanh
* QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn