Từ 8h sáng 30/6, cả nước đồng loạt diễn ra Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh, thành phố, xã, phường, đặc khu. Đây là sự kiện chính trị trọng đại, có tính lịch sử của đất nước, khi giang sơn được sắp xếp lại không chỉ để gọn hơn mà còn để phát triển mạnh mẽ hơn. Đây là bước chuyển mình lịch sử của đất nước, là khởi đầu cho một vận hội phát triển mới – vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và bền vững.
“Vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân”
Phát biểu tại điểm cầu TP.HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm nói "quyết định sắp xếp lại giang sơn là bước đi lịch sử", có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ tinh gọn hiệu lực hiệu quả.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Trước thời khắc thiêng liêng và trọng đại của dân tộc- khi chúng ta chính thức đồng loạt vận hành bộ máy chính quyền địa phương hai cấp tại 34 tỉnh, thành phố trong cả nước- một chỉnh thể hành chính mới của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi xin gửi tới toàn thể đồng bào, đồng chí lời chúc mừng tốt đẹp nhất; Chúc đất nước ta tiếp tục thành công trên con đường đổi mới và phát triển.

Tổng Bí thư Tô Lâm: “Vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân”. Ảnh Zing
Quyết định “sắp xếp lại giang sơn” là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân".
Việc tổ chức lại địa giới hành chính, vận hành mô hình chính quyền địa phương mới là yêu cầu khách quan và tất yếu của sự nghiệp phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đây là cơ hội quý báu để đổi mới tư duy lãnh đạo, đổi mới phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia và tăng cường hiệu quả phục vụ nhân dân. Đây là kết quả của sự nghiệp cách mạng 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 80 năm Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cùng thành tựu 40 năm đổi mới.
"Tôi kêu gọi toàn thể đồng bào cả nước, từ vùng cao biên giới đến hải đảo xa xôi, từ thành thị tới nông thôn, hãy tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững và tiếp tục hun đúc lòng yêu nước, tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái để tạo nên một khối thống nhất bền chặt - sức mạnh vô địch của nhân dân ta.
.jpg)
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định đến thời điểm này, đội ngũ đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn, cả dân tộc "cùng hành quân vươn tới tương lai rực rỡ của đất nước". Ảnh VNE
Tôi kêu gọi các cấp chính quyền, các cơ quan, đoàn thể, công chức, viên chức, người lao động hãy chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy và hành động, nắm bắt xu thế phát triển, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để hướng tới một nền hành chính phục vụ, hiện đại, minh bạch, của dân, do dân và vì dân.
Tôi kêu gọi đội ngũ trí thức, nhà khoa học, doanh nhân, văn nghệ sĩ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân, thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi, thiếu niên, nhi đồng, bà con các dân tộc anh em, các tôn giáo... tất cả hãy cùng nhau thi đua sáng tạo, tích cực học tập, lao động, sản xuất, làm ra thật nhiều của cải vật chất và giá trị tinh thần, góp phần đưa đất nước ta ngày một phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn.
Tôi kêu gọi người Việt Nam ở nước ngoài hãy tiếp tục hướng về quê hương, về cội nguồn dân tộc, hãy kết nối, hỗ trợ lẫn nhau và góp phần cùng nhân dân trong nước xây dựng Việt Nam hùng cường, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với bạn bè năm châu. Tổ quốc luôn mở rộng vòng tay chào đón "những công dân xa Tổ quốc" về chung tay dựng xây, phát triển đất nước.
Nhân dịp này, tôi kêu gọi bạn bè, đối tác quốc tế, các tổ chức đa phương hãy tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình xây dựng một nền hành chính hiện đại, một nền kinh tế năng động, một xã hội phát triển toàn diện và một đất nước Việt Nam tình nghĩa, thân thiện, hội nhập, hợp tác, có trách nhiệm vì hòa bình, ổn định, tiến bộ và thịnh vượng chung", Tổng Bí thư nói.
TP.HCM thành một siêu đô thị, trung tâm tài chính, sản xuất, logistics và đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực và thế giới.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố tại TP.HCM, chính thức vận hành mô hình chính quyền hai cấp cho TP.HCM mở rộng, bao gồm TP.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết: Đây không chỉ là sự kiện về mặt hành chính, mà là bước chuyển mình chiến lược, là đòi hỏi tất yếu khách quan của nhân dân và đất nước trong hành trình xây dựng những vùng động lực phát triển của quốc gia và khu vực, để xứng đáng với khát vọng “Việt Nam hùng cường vào năm 2045”.

Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ niềm tin và gửi lời chúc TP.HCM mới vươn xa, vươn cao, vươn tới tương lai rạng rỡ đang rất gần ở phía trước.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đã khẳng định mình là ba cực phát triển mạnh mẽ của phía Nam – nơi quy tụ những thành tựu vượt trội về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, cảng biển và hội nhập quốc tế. Việc hợp nhất không gian ba địa phương không phải là sự cộng gộp đơn thuần, mà là sự kết tinh trí tuệ và ý chí phát triển chung, để hình thành một siêu đô thị – trung tâm tài chính, sản xuất, logistics và đổi mới sáng tạo mang tầm khu vực và thế giới.
Không gian phát triển mới này được kiến tạo dựa trên tầm nhìn dài hạn, hướng đến sự phát triển đồng bộ, bền vững và khoa học. Đây là biểu hiện sinh động nhất của tư duy chiến lược, đổi mới mô hình tổ chức chính quyền, để phục vụ nhân dân tốt hơn, gần dân hơn và hiệu quả hơn. Đây là bước đi tiên phong, mang tính đột phá trong cải cách tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nhanh, mạnh, hiệu quả của vùng đô thị hóa cao nhất cả nước.

TP.HCM mới có diện tích hơn 6.772 km² với dân số hơn 14 triệu người; có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 113 phường, 54 xã và đặc khu Côn Đảo. Trong đó, TP.HCM có 102 phường, xã; Bình Dương 36 phường, xã và Bà Rịa - Vũng Tàu có 30 phường xã.
Mô hình này sẽ giúp tăng cường quyền tự chủ, linh hoạt trong điều hành, đồng thời tạo khuôn khổ thể chế rõ ràng để các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp – logistics – dịch vụ cảng biển phát huy hết tiềm năng. Quan trọng hơn hết, nhà nước, chính quyền phục vụ sẽ không còn là khẩu hiệu mà trở thành hành động cụ thể, thực chất, đến tận người dân, doanh nghiệp.
“Đây là thử thách, nhưng cũng là cơ hội lịch sử. Sự thành công của TP mới không thể chỉ đến từ văn bản hay nghị quyết, mà phải đến từ sự đồng thuận trong dân, sự quyết liệt trong lãnh đạo, và sự tận tâm trong thực thi”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
TP.HCM hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, lấy tên TP.HCM.
TP.HCM mới có diện tích hơn 6.772 km² với dân số hơn 14 triệu người; có 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 113 phường, 54 xã và đặc khu Côn Đảo. Trong đó, TP.HCM có 102 phường, xã; Bình Dương 36 phường, xã và Bà Rịa - Vũng Tàu có 30 phường xã.
Xét về diện tích, TP.HCM mới sẽ có 3 xã có diện tích lớn nhất gồm: xã Phú Giáo (diện tích 192,83 km2, đạt tỉ lệ hơn 642% so với chỉ tiêu diện tích), xã Dầu Tiếng (diện tích 182,68 km2, đạt tỉ lệ hơn 608% so với chỉ tiêu diện tích) và xã Long Hòa (diện tích 166,76 km2, đạt tỉ lệ hơn hơn 555% so với chỉ tiêu diện tích). 3 xã này là kết quả sắp xếp của đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương.
Về dân số, TP.HCM mới sẽ có 3 xã, phường đông dân nhất sau sắp xếp, bao gồm: phường Dĩ An với 227.817 người (506,26% so với tiêu chuẩn); phường Hiệp Bình với 215.638 người (479,20% so với tiêu chuẩn), phường Tăng Nhơn Phú với 208.233 người (426,74% so với tiêu chuẩn). Ba phường này là kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn Bình Dương và TP.HCM.