Văn hóa - Giáo dục

Thanh Hóa: Nhiều vấn đề cần làm rõ tại Dự án tôn tạo khu Di tích lịch sử Quốc gia Phủ Trịnh

10:55 | 15/07/2023

Chia sẻ

QHNNGói thầu số 5 Dự án tôn tạo khu Di tích lịch sử Quốc gia Phủ Trịnh nhà thầu bị phản ánh thi công không đúng thiết kế được duyệt khi hạng mục kiến trúc gốc 7 gian nhà gỗ có từ lâu đời này được giữ lại nguyên trạng để tu bổ thì nay bị phá bỏ hoàn toàn; nhiều hạng mục công trình thi công có dấu hiệu sai thiết kế và chưa xong, nhưng đã được nghiệm thu thanh toán.

Di tích lịch sử Phủ Trịnh - nơi thờ các chúa Trịnh, được khởi dựng từ thế kỷ 17, trên vùng đất Quý hương xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá được Bộ trưởng Bộ Văn hoá thông tin công nhận là di tích cấp Quốc gia vào ngày 26/6/1995.

Với mục tiêu bảo tồn, tái hiện lại Phủ Trịnh và các giá trị phi vật thể thời kỳ Lê - Trịnh nhằm bảo tồn vững chắc, tôn vinh giá trị nổi bật của di tích và xây dựng sản phẩm du lịch văn hoá, du lịch đặc biệt của xứ Thanh để góp phần phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Ảnh công bố quy hoạch Phủ Trịnh lần 1 năm 2015 (Người ngồi ký áo trắng là ông Phạm Duy Phương - Nguyên giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa. Người đứng ngoài cùng bên tay trái là ông Lê Duy Dũng ban QLDA).

Lễ công bố quy hoạch Phủ Trịnh lần 1 năm 2015 (Người ngồi ký áo trắng là ông Phạm Duy Phương - Nguyên giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa và ông Lê Duy Dũng, Phó ban QLDA - người đứng ngoài cùng bên tay trái. Ảnh Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hoá.

Ngày 22/10/2015, Dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo khu Phủ từ, trưng bày, quản lý, dịch vụ và cảnh quan - Di tích lịch sử Phủ Trịnh được HĐND tỉnh Thanh Hoá ban hành quyết định chủ trương đầu tư.

Tiếp đến ngày 29/10/2015 UBND tỉnh Thanh Hoá đã có Quyết định số 4363/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu số: 5381/QĐ-UBND ngày 22/12/2015 (các hạng mục xây dựng gồm 03 gói thầu: Gói số 5, số 6 và số 7 cho Công ty TNHH TBDT&XDCT Văn hoá Thanh Hoá.

Tòa nhà kiến trúc gốc bằng gỗ 7 gian và tấm bia đá cổ nơi thờ các Chúa Trịnh hàng trăm năm qua nay bị nhà thầu phá bỏ và không được lưu giữ, bảo quản gìn giữ.

Ngôi nhà gỗ 7 gian và tấm bia đá cổ nơi thờ các Chúa Trịnh.

Đến năm 2016, Thiết kế BVTC: “Bảo tồn, tu bổ, tôn tạo khu Phủ từ, trưng bày, quản lý, dịch vụ và cảnh quan di tích lịch sử Phủ Trịnh” được UBND tỉnh Thanh phê duyệt tại quyết định số: 2427/QĐ-UBND ngày 6/7/2016.

Tiếp đến ngày 25/4/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã điều chỉnh Quy hoạch khu Di tích Phủ Trịnh tại quyết định số: 1516/QĐ-UBND mở rộng quy mô từ 3,84ha thành 13,06ha và đổi tên từ “bảo tồn” thành “tôn tạo” để bổ sung “thay đổi” rất nhiều hạng mục công trình bên trong.

Sau đó đến năm 2021, tỉnh Thanh Hóa lại tiếp tục cho điều chỉnh Quy hoạch khu Di tích Phủ Trịnh tại quyết định số 77/QĐ-UBND ngày 08/01/2021 từ quy mô 13,06ha xuống còn 11,72ha và đã cắt bỏ, điều chỉnh, thay đổi thiết kế một số công trình từ gỗ thành bê tông, đồng thời bổ sung “thay đổi” thêm một số hạng mục bên trong.

Tìm hiểu được biết, Dự án Phủ Trịnh có giá trị được duyệt lần I vào năm 2015 tại văn bản số: 4336/QĐ-UBND ngày 28/10/2015 là: 289,942 tỷ đồng; lần II vào năm 2019 tại văn bản số 211/NQ-HĐND ngày 16/10/2019 là: 756,326 tỷ đồng; lần III vào năm 2023 tại văn bản số 379/NQ-HĐND ngày 24/3/2023 giảm xuống còn 550,730 tỷ đồng (do thay đổi một số hạng mục từ gỗ bằng bê tông và cắt bỏ một số hạng mục thiết kế đưa vào không phù hợp).

Cổng Phủ Từ thiết kế sai và nay đang nằm chỏng chơ giữa mưa, nắng.

Cổng Phủ Từ bị phản ánh thi công sai thiết kế và nay đang nằm chỏng chơ giữa mưa, nắng.

Được biết, hiện nay dự án đang tạm dừng thi công, do phải điều chỉnh lại quy mô, công trình theo Nghị quyết số 211 (năm 2019) của HĐND tỉnh Thanh Hoá. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt điều chỉnh theo Nghị quyết mới 379 (năm 2023) mặc dù, nhiều hạng mục công trình đang đề nghị điều chỉnh, do đơn vị thi công đã tự ý thi công sai từ năm 2017 không tuân thủ hồ sơ thiết kế được phê duyệt.

Cụ thể là:

Đối với hạng mục nhà Tiền tế của Phủ từ. Đây là tòa nhà kiến trúc gốc duy nhất còn giữ được của Phủ chúa Trịnh (TK-17). Nhà gồm 7 gian, 32 cây cột (hệ thống khung cột, kẻ bẩy, câu đầu, vì xà, hoành rui, tàu mái… tất cả bằng gỗ lim) đã bị tháo dỡ xếp đống trong nhà kho.

Theo hồ sơ thiết kế đã được Bộ Văn hóa thỏa thuận, tỉnh Thanh Hóa phê duyệt (năm 2016), thì hạng mục kiến trúc gốc nhà Tiền tế nhà 7 gian bằng gỗ này được tôn trọng giữ lại nguyên trạng để tu bổ, chỉ thay thế nối vá đối với một số cấu kiện bị mục mọt.

Nhà Tả Mạc thiết kế sai và đã bị tháo dỡ 02 bộ vì.

Nhà Tả Mạc cũng bị phản ánh thi công không đúng với thiết kế và đã bị tháo dỡ 02 bộ vì.

Tuy nhiên, đến khi triển khai thi công, nhà thầu thi công có dấu hiệu không tuân thủ thiết kế được duyệt, mà đã tự ý cho xây móng tòa nhà này to hơn, cao hơn so với vị trí vốn có của nhà Tiền tế gốc ban đầu.

Đối với hạng mục nhà Hậu điện của Phủ từ, theo thiết kế được duyệt năm 2016 có kích thước dài 20,3m, rộng 9,3m được xây dựng mới, nằm phía sau nhà Tiền tế. Vật liệu hệ khung cột nhà bằng gỗ lim; Hệ thống tường nhà xây bằng gạch vồ để trần kích thước 240x480x85; Nền nhà Hậu điện cao hơn nền đất vườn bên ngoài là 85cm và cao hơn nền sân đền ở phía trước là 01 bậc cấp (17cm).

Tuy nhiên, đến khi triển khai thi công, nhà thầu thi công bị phản ánh đã không tuân thủ thiết kế được duyệt, đã tự ý bỏ tường gạch vồ, để làm bằng vách gỗ; Cao độ nền nhà đã tự thay đổi từ 01 bậc thành 08 bậc.

Nhà Hữu Mạc chỉ là mảnh đất trống nhưng đã được nghiệm thu thanh toán.

Nhà Hữu Mạc chỉ là mảnh đất trống nhưng đã được nghiệm thu thanh toán.

Đối với các cổ vật, hiện vật, di vật đang có của Di tích Phủ chúa Trịnh còn lại đến ngày hôm nay, là bằng chứng để khẳng định Di sản này đã có tuổi đời gần 500 năm tuổi, gắn liền với tên tuổi của Thái vương Trịnh Kiểm (1545) - người đã lãnh đạo chính quyền quân đội của triều Lê trong gần 30 năm và các chúa Trịnh sau này, đó là nhà thầu thi công đã lấp đi cái ao cổ ở trước Phủ chúa - đây được coi như là huyệt đạo là Minh đường tụ thủy của Phủ chúa và cả khu vực;

Cùng với đó là hàng trăm viên gạch vồ cổ (nhiều viên có khắc chữ nho ở bề mặt gạch), gạch bát, ngói mũi hài, hệ thống chân tảng bằng đá, tấm bia đá cổ cỡ lớn duy nhất đặt trước Phủ Trịnh và các hiện vật đồ thờ... Các hiện vật này đã gắn liền với Phủ chúa Trịnh và có niên đại của nhiều thời kỳ lịch sử (từ thế kỷ 16,17, 17,19, 20).

Nhà Hậu điện của Phủ từ thiết kế từ 01 bậc nay thành 08 bậc.

Nhà Hậu điện của Phủ từ thiết kế từ 01 bậc nay thành 08 bậc.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án các đơn vị như nhà thầu thiết kế, nhà thầu thi công, Ban QLDA của tỉnh Thanh Hóa, đơn vị Tư vấn giám sát bị phản ánh có dấu hiệu không coi trọng (tôn trọng) các yếu tố gốc cấu thành Di tích mà Luật Di sản văn hóa đã quy định rất cụ thể “Giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích” là yêu cầu được nêu ra trong việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được quy định tị điều 34 Luật sửa dổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (2009).

Được biết, các hạng mục nêu trên được thi công bởi Công ty TNHH TBDT&XDCT Văn hoá Thanh Hoá do ông Hoàng Tuấn Liêm làm Giám đốc có dấu hiệu thi công sai thiết kế nhưng không được phát hiện và ngăn chặn.

Bia đá cổ cỡ lớn duy nhất của Phủ Trịnh nay bị vứt chỏng chơ ngay lối vào cổng Trịnh.

Bia đá cổ cỡ lớn duy nhất của Phủ Trịnh nay bị vứt chỏng chơ ngay lối vào cổng Trịnh.

Để rồi đến ngày 21/12/2022, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa có ra văn bản số 9519/SXD-HĐXD về việc báo cáo thẩm định dự án điều chỉnh có dấu hiệu “hợp thức hoá” cho những sai phạm của đơn vị thi công khi đồng ý với đề xuất của Sở VHTT&DL cho điều chỉnh gạch vồ cổ bằng vách gỗ, từ 01 bậc thành 08 bậc và đồng ý cho bỏ kiến trúc tòa Tiền tế (kiến trúc gốc 7 gian nhà cổ có từ thời chúa Trịnh Kiểm có tuổi đời gần 500 tuổi) để làm mới Di tích thay thế bằng kiến trúc mới 2 tầng mái giả cổ, xây sai vị trí nền móng cũ và có tuổi đời chưa được 01 tuổi.

Mặc dù dự án đang bị tạm dừng để chờ xin điều chỉnh chủ trương đầu tư nhưng tại báo cáo số 932/TTr-SVHTTDL ngày 6/3/2023 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về việc đề nghị thẩm định báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án: Tôn tạo Khu di tích Phủ Trịnh, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.

Trong tờ trình này, tại Gói số 5 “Thi công hạng mục Phủ Từ bao gồm cả chế tác, lắp đặt nội thất; Cổng Phủ Từ, Tả Mạc, Hữu Mạc, nhà bao che và cung cấp lắp đặt thiết bị đã gia công cấu kiện gỗ không điều chỉnh, bổ sung 3 hạng mục gồm Cổng Phủ Từ, Tả Mạc, Hữu Mạc với tổng gía trị khối lượng nghiệm thu 19.885..916.000 đồng. 

Trong đó: Giá trị khối lượng các hạng mục Cổng Phủ Từ đã thi công được nghiệm thu và thanh toán cho đơn vị thi công là Công ty TNHH TBDT&XDCT Văn hoá Thanh Hoá với số tiền là 11.343.253.000 đồng; hạng mục Tả Mạc là 4.270.972.000 đồng và hạng mục Hữu Mạc là 4.270.972.000 đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên được biết hiện tại toàn bộ những hạng mục được Ban QLDA, đơn vị Tư vấn giám sát và Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hoá nghiệm thu và thanh toán nhà thầu thi công, gồm:

Hạng mục Tả Mạc, theo thiết kế được duyệt năm 2016, nhà có 5 gian (6 bộ vì). Tuy nhiên, đơn vị thi công bị phản ánh không tuân thủ thiết kế khi làm thành nhà 7 gian (9 bộ vì).

Công trình mới chỉ lắp dựng xong phần khung cột gồm 9 bộ vì (cột, xà, kẻ bẩy, xà dọc câu đầu, con chồng) nhưng chưa lắp hoành rui, tàu mái, lá mái, vách cửa, ngưỡng cửa…Công trình này đến nay đã được Ban QLDA, đơn vị Tư vấn giám sát và Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hoá nghiệm thu thanh toán là 4.270.972.000 đồng.

Nhưng theo phản ánh của người dân cho biết, sau khi nghiệm thu thanh toán xong (mới đấy năm 2022) đươn vị thi công đã đến tháo dỡ đi 02 bộ vì của nhà Tả Mạc lắp dựng ở 02 gian đầu hồi, chở lên xưởng ở Lam Kinh lắp cho công trình khác ở Yên Định.

Để xác minh thông tin, PV đã mục sở thị đến khảo sát thực tế tại hiện trường thì chỉ còn có 6 bộ vị đang nằm chỏng chơ phơi năng phơi mưa, nhà thầu cũng như Chủ đầu tư không có một ai trông coi, bảo quản gìn giữ tài sản này từ rất lâu rồi.

Hạng mục Hữu Mạc, theo thiết kế được duyệt năm 2016, nhà có 5 gian (6 bộ vì). Tuy nhiên, đơn vị thi công bị phản ánh đã không tuân thủ thiết kế, tự tiện cho xây móng nhà thành 7 gian tướng ứng và đối xứng với nhà Tả mạc ở đối diện.

Điều kỳ lạ, ở công trình nhà Hữu Mạc, mặc dù nhà thầu mới chỉ thi công xong phần móng (nhưng móng lại đang xây có dấu hiệu sai so với thiết kế năm 2016). Nhưng vẫn được  nghiệm thu và thanh toán cả phần gỗ (giống như nhà Tả Mạc đã thi công và lắp dựng xong phần khung gỗ ở tại công trường) với số tiền là 4.270.972.000 đồng? 

Hạng mục cổng Phủ Từ (nhà 3 gian) đơn vị thi công đã lắp dựng phần khung cột, hoành rui. Công trình này đã được Ban QLDA, đơn vị Tư vấn giám sát và Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hoá cũng được nghiệm thu và thanh toán với số tiền là 11.343.253.000 đồng, đến nay công trình này vẫn đang ngổn ngang vì thi công chưa xong.

g

l

Gạch vồ cổ và gói cổ bị vứt chỏng chơ khắp vườn Phủ Trịnh.

Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, đại diện họ Trịnh khu vực phía Tây Nam Hà Nội và họ Trịnh Cổ Bi cho biết: “Nhìn thấy Phủ Trịnh như hôm nay chúng tôi không khỏi xót xa, cứ tưởng được đầu tư xây dựng hàng trăm tỷ đồng là sẽ khang trang, tốt đẹp, ai ngờ, nhà thầu thiết kế, nhà thầu thi công lại tự tiện làm sai, hủy hoại Di tích gốc đã gắn với công lao của ông cha chúng tôi với lịch sử để lại. Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư và đơn vị thi công phải làm đúng với quy định trong việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích - nhất là đối với các kiến trúc gốc và hiện vật gốc vốn có gắn liền với Di tích phủ Trịnh. Đề nghị trả lại những giá trị vốn có của Phủ Trịnh chứ không thể có 1 công trình văn hoá tâm linh nào có 8 bậc cả...”.

Liên quan đến sự việc này, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ làm việc với ông Lê Văn Đức - Chánh văn phòng Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá.

Qua trao đổi ông Đức cho biết: “Hiện Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa đã giao Phòng Kế hoạch Tài chính chủ trì để tham mưu và sẽ thông tin lại sau”.

Quốc Bảo - Hoàng Vũ

Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/thanh-hoa-nhieuvan-de-can-lam-ro-tai-du-an-ton-tao-khu-di-tich-lich-su-quoc-gia-phu-trinh-d196160.html

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn