Lực lượng QLTT và công an phối hợp nhiều vụ việc kiểm soát hàng hóa trên TMĐT. (Ảnh: DMS).
Nhiều thủ đoạn lừa người tiêu dùng
Thượng tá Phạm Công Hải - Phó Trưởng phòng Phòng 4 (Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an) cho biết, trên không gian mạng, ngày càng xuất hiện nhiều đối tượng bán hàng giả (hàng fake) của các thương hiệu lớn như LV, Gucci, Montblanc… Các loại hàng giả chủ yếu là túi, ví, dây lưng, đồng hồ, quần áo, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm… được nhập lậu về Việt Nam. Thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng là “ôm được lô sale (giảm giá) lớn” nên giá bán chỉ tương đương dưới 10% so với hàng hiệu, cá biệt có những mặt hàng chỉ rao bán với giá vài trăm nghìn đồng, chỉ tương đương 1 - 2% so với nguyên giá chính hãng.
Cũng theo Thượng tá Hải, đa phần các đối tượng bán hàng giả đều dùng thủ đoạn tạo các tài khoản ảo trên mạng xã hội facebook, telegram, zalo để quảng cáo, rao bán các loại hàng giả, không rõ nguồn gốc và ship (gửi hàng) qua các công ty vận chuyển. Ngoài ra, các đối tượng này thường xuyên thay đổi địa điểm sản xuất bằng cách sử dụng giấy tờ giả để thuê địa điểm làm nơi sản xuất và kho chứa; không gặp gỡ mà vận chuyển hàng hóa qua các dịch vụ chuyển phát, kê khai mặt hàng không đúng hoặc ngụy trang thành hàng hóa khác, sử dụng dịch vụ thu tiền hộ hoặc chuyển tiền qua các tài khoản ngân hàng được thuê hoặc mua của người khác.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cho biết, TMĐT bùng nổ, kinh doanh online đã thực sự sôi động hơn bao giờ hết. Số lượng người ít nhất 1 lần mua bán hàng hóa trên không gian mạng rất lớn bởi hầu như có rất ít người chưa từng mua hàng hóa trên mạng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã phát sinh những hành vi vi phạm mới, gây ra rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên không gian mạng.
Do vậy, Đề án 319 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29/3/2023 thực sự cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay, bởi “kiểm tra hàng giả bày ở ngoài đường, ngoài phố, ngoài cửa hàng đã khó thì sự khó khăn trong kiểm soát hàng giả bán trên TMĐT nhân lên gấp bội lần”. Tuy nhiên, trước yêu cầu thực tế, sự phát triển của xã hội, xu hướng mua sắm tiêu dùng hiện đại nên “TMĐT sẽ là mặt trận đấu tranh mới của lực lượng QLTT trong vòng 3 - 5 năm tới”.
Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng
Thượng tá Phạm Công Hải thông tin, trước sự bùng nổ của kinh doanh online, TMĐT, lực lượng công an đã phối hợp các đơn vị chức năng thu thập thông tin công khai về các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội, ứng dụng OTT (Zalo, Facebook Messenger, Viber…), website TMĐT (địa chỉ IP máy chủ, thông tin đăng ký tên miền…), hình ảnh, số lượng các loại hàng hóa nghi vấn là hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại do các đối tượng quảng cáo, đăng bán trên không gian mạng.
Thông qua công tác phối hợp, công tác trinh sát, thu thập thông tin về các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật như: các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, kho bãi, shipper… thông qua các tổ chức, cá nhân này để xác định nguồn hàng, kho bãi tập kết, phương thức thủ đoạn giao nhận hàng hóa, phương thức thanh toán.
Đáng chú ý, vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên không gian mạng hiện nay đều gắn chặt với các hoạt động thanh toán điện tử. Do vậy, cần thu thập thông tin tài liệu về tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Từ đó lực lượng công an đã phối hợp các ngân hàng thương mại, đơn vị trung gian thanh toán để xác minh làm rõ chủ tài khoản, xác định đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Hải cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, như: lực lượng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cảnh sát kinh tế, lực lượng QLTT, Hải quan, Cục TMĐT và kinh tế số, Cơ quan Thuế… trong quá trình tác thu thập thông tin, tài liệu về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên không gian mạng, để bảo đảm hiệu quả trong công tác.
Đây cũng là vấn đề mà Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT đưa ra khi khẳng định, lực lượng QLTT không thể “đơn thương độc mã” mà cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ các lực lượng chức năng cũng như các sàn TMĐT trong “cuộc chiến với không gian mạng này”, góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng; và đưa hoạt động TMĐT diễn ra minh bạch, lành mạnh, thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững tại Việt Nam. “Phòng, chống hàng giả trong mua sắm online rất khó, nhưng phải làm” - Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh khẳng định.