Người tốt việc tốt

Sâu nặng nghĩa tình

17:06 | 08/09/2022

Chia sẻ

QHNNÔng là một cựu chiến binh Việt Nam, từng bị thương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba - Ông là A Chan, một người Việt Nam gốc Lào, nguyên Trưởng thôn Măng Rao, xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Hiện nay, ông làm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Măng Rao.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum trích kinh phí mua vật tư y tế trao tặng, hỗ trợ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Attapư, Lào phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh Đài PTTH tỉnh Kon Tum

Trong một lần tôi đến thăm, ông kể lại với tôi rằng, vào khoảng những năm 1965 - 1967, ông  tham gia phục vụ kháng chiến chống Mỹ tại Huyện đội H40, đến 1972 thì ông chính thức trở thành bộ đội Việt Nam trực tiếp cầm súng đánh Mỹ tại Đăk Glei trong biên chế của Huyện đội H40. Đến năm 1975, sau khi huyện Đăk Glei được giải phóng, ông rời quân ngũ với những thương tật trên mình. Ông ở lại với Đăk Glei một thời gian nữa, cho đến đầu những năm 1980 mới trở về quê hương của mình thuộc huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Công - Lào.

Dù trở về Lào, nhưng ông vẫn không nguôi ngoai nhớ về mảnh đất mà ông đã gắn bó một thời gian dài, ở đó có rất nhiều những người thân của ông, họ đã từng cùng ông vào sinh ra tử, cận kề giữa cái sống và cái chết. Vì thế mà tháng 2/1987, ông và gia đình đã quyết định quay trở lại Đăk Glei, ông nói rằng, đó là một ngày không thể nào quên đối với ông và tất cả những người thân đi cùng. Khi đó phải đi đường rừng mấy ngày mới đến nơi. Cuộc sống ở nơi mới những ngày đầu  còn nhiều khó khăn, vất vả, thiếu đói từng bữa ăn, nhưng họ may mắn được sự đùm bọc và che chở của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, họ đã giúp đỡ gia đình ông và tất cả những người thân đi cùng từ gạo ăn, chỗ ở, giống lúa đến đất sản xuất để ổn định cuộc sống. Ông bảo: “Lúc bấy giờ Đăk Glei còn khó khăn lắm, vậy mà họ đã dang tay giúp đỡ chúng tôi, tình cảm đó mãi mãi chúng tôi không bao giờ quên được. Giờ đây, sau bao nhiêu năm sinh sống trên mảnh đất này, tôi mới thấm thía câu nói một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Nhấp một ngụm nước trà, ông trầm ngâm: “Thời gian đi nhanh quá, mới đó mà đã hơn 50 năm kể từ khi tôi còn là một thanh niên khỏe mạnh đi phục vụ kháng chiến, bây giờ mọi thứ đã thay đổi, mình thì già đi, con cái lớn lên và trưởng thành, cuộc sống tốt đẹp hơn trước nhiều lắm”. Rồi như chợt nhớ ra điều gì đó, ông vui vẻ nói: Ông là người có công lớn đưa bà con tới làng này, từ lúc chưa biết khai hoang, chưa biết làm ruộng nước, bây giờ cuộc sống của bà con phát triển như vậy, ông vui lắm. Ngôi làng mà ông nói  hiện nay là thôn Măng Rao, xã Đăk Pek với 82 hộ, 284 khẩu (trong đó có 80 hộ với 274 khẩu là người Việt gốc Lào). Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Măng Rao đã có rất nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Thôn bây giờ đã có đường nhựa, có điện, có điểm trường tiểu học, có nhà Rông văn hóa làm nơi vui chơi tập trung cho dân làng và làm địa điểm hội họp của thôn.

Điều ông không bao giờ quên trong những năm tháng định cư ở Đăk Glei, đó là ông và gia đình cùng những người thân đã được sống những tháng ngày bình yên trong sự đùm bọc, thương yêu và giúp đỡ của nhân dân các dân tộc huyện Đăk Glei nói chung, bà con nhân dân xã Đăk pek nói riêng. Khi ông và bà con tới nơi này, chưa một người nào trong số đó biết chữ, nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam không những giúp đỡ về cơm ăn, áo mặc, mà còn giúp cho bà con cái chữ để biết phân biệt điều hay, lẽ phải, biết sống sao cho trọn với đạo lý ở đời.  

“Thay mặt cho bà con thôn Măng Rao, cám ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với chúng tôi trong thời gian qua, chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để thoát nghèo và từng bước làm giàu cho gia đình, góp một phần nhỏ cho sự phồn thịnh của đất nước. Hiện chúng tôi đã chính thức là công dân mang quốc tịch Việt Nam, tôi mong rằng mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai đất nước Việt - Lào, hai Tổ quốc của tôi mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”. Ông A Chan chia sẻ.

Chia tay ông A Chan mà tôi suy nghĩ mãi về lời ông nói: “Tôi cũng như hàng ngàn người dân gốc Lào đã và đang sinh sống ở đất nước Việt Nam nói chung cũng như bà con người gốc Lào ở Đăk Glei nói riêng, chưa làm gì được gì nhiều cho mảnh đất đã cưu mang, đùm bọc, che chở mình trong những ngày khó khăn, chỉ mong chúng ta cứ đối xử tốt với nhau như từ trước đến nay, coi nhau như anh em một nhà. Thế hệ chúng tôi, những người đi sau, đã đang phải gánh vác một trọng trách nặng nề của lịch sử, đó là giữ gìn và phát triển mối quan hệ đoàn kết gắn bó keo sơn, tình nghĩa thủy chung của hai dân tộc Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp bằng tình đồng chí, đồng đội, thậm chí phải đánh đổi cả tuổi xuân, cả tính mạng của mình cho cuộc sống tươi đẹp ngày hôm nay”.

Chu Mai Phong / Trường Chính trị tỉnh Kon Tum

Nguồn: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/sau-nang-nghia-tinh-47687.html

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn