Sau khi Mặt trận tổ quốc Việt Nam công khai sao kê tiền ủng hộ đồng bào vùng lũ, một số tổ chức, cá nhân bị vạch trần khi số tiền gửi thực tế thấp hơn nhiều so với khoản "fake" để khoe trên mạng xã hội.
Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, việc sao kê từ thiện sai sự thật nhằm câu view, câu like đang gây bức xúc. Dù hành vi này bị xử phạt hành chính, nhưng liệu có đủ sức răn đe không?
Trao đổi với PV báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng ban Hình sự TAT Law Firm, chia sẻ về những hệ quả pháp lý của việc này, đồng thời làm rõ các trường hợp nhầm lẫn và gian lận liên quan đến tiền từ thiện.
|
Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng ban Hình sự TAT Law Firm. |
Theo đó, luật sư Đặng Xuân Cường cho biết: Hành vi cung cấp thông tin sai lệch hoặc không trung thực về các hoạt động từ thiện, đặc biệt là trong những tình huống khẩn cấp như mùa mưa bão, là rất nghiêm trọng.
Theo quy định của Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi phát tán thông tin sai sự thật có thể bị phạt tiền lên đến 70 triệu đồng.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là việc xử phạt hành chính chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề. Nhiều trường hợp lợi dụng sự chia sẻ của cộng đồng trên mạng xã hội để kiếm lời thông qua lượt xem, lượt theo dõi hoặc thậm chí các khoản tài trợ.
Nếu không có các biện pháp giám sát chặt chẽ, rất khó để phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi này. Mức phạt hành chính hiện tại đôi khi không đủ để răn đe các đối tượng có lợi ích tài chính lớn hơn nhiều so với mức phạt.
Để ngăn chặn triệt để, cần có các biện pháp giám sát thông tin trên mạng xã hội một cách chặt chẽ hơn, đồng thời yêu cầu các tổ chức từ thiện, cá nhân công khai minh bạch mọi thông tin liên quan đến hoạt động của mình. Việc xử lý mạnh tay đối với các đối tượng lợi dụng sự khốn khổ của người dân để trục lợi cũng là điều cần thiết.
Theo luật sư Đặng Xuân Cường: "Hành vi gian lận, chiếm đoạt tiền từ thiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu một cá nhân hoặc tổ chức sử dụng số tiền quyên góp cho mục đích không rõ ràng, hoặc cố tình chiếm đoạt, hành vi đó có thể bị truy tố theo tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, nếu chiếm đoạt số tiền lớn và gây ra hậu quả nghiêm trọng, mức hình phạt có thể lên tới 20 năm tù, thậm chí chung thân.
Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi của người quyên góp và đảm bảo rằng mọi hoạt động từ thiện đều được thực hiện minh bạch. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị buộc phải bồi thường thiệt hại cho những người đã quyên góp tiền từ thiện".
|
Hình ảnh bill chuyển khoản ủng hộ được Phạm Như P. đăng tải lên mạng xã hội trước đó. Ảnh chụp màn hình. |
Ngoài ra, cũng theo luật sư Cường: "Đối với trường hợp này, điều quan trọng là phải phân biệt được bản chất của sự nhầm lẫn. Nếu là nhầm lẫn vô ý do yếu tố kỹ thuật, quản lý không cẩn thận, nhưng ngay khi phát hiện đã có động thái sửa sai, công khai xin lỗi và hoàn trả đầy đủ số tiền sai lệch, có thể được xem xét xử lý nhẹ hơn.
Tuy nhiên, nếu sự nhầm lẫn chỉ được thừa nhận sau khi đã bị phát giác hoặc điều tra, đặc biệt là có dấu hiệu cố ý che giấu hoặc gian dối, hành vi này có thể bị coi là lừa đảo.
Khi đó, việc xử lý không chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Trong những tình huống này, hành vi gian lận sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo các quy định pháp luật để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động từ thiện".
Bên Cạnh đó, luật sư Đặng Xuân Cường cũng nói thêm: Nếu sự nhầm lẫn xảy ra mà người vi phạm đã tự nguyện phát hiện sai sót và hoàn trả lại số tiền trước khi bị phát giác, điều này thường không bị coi là hành vi vi phạm nghiêm trọng.
Trong trường hợp này, người vi phạm được xem như đã có tinh thần tự giác sửa sai và không có ý định gian lận.
Khi đó, sẽ không có hình thức xử phạt nào được áp dụng, và trường hợp này thường được coi là không có yếu tố vi phạm pháp luật.
Điều này cho thấy sự thành tâm trong việc sửa sai và mong muốn khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, các cá nhân và tổ chức vẫn cần phải quản lý chặt chẽ và minh bạch mọi hoạt động từ thiện để tránh những sai sót không đáng có, dù là vô ý hay cố tình.
"Từ góc độ pháp lý, điều quan trọng nhất đối với các cá nhân và tổ chức thực hiện hoạt động từ thiện là đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong mọi khâu từ tiếp nhận quyên góp đến sử dụng và phân phối quỹ.
Điều này có nghĩa là phải có hệ thống quản lý tài chính rõ ràng, sao kê đầy đủ và công khai minh bạch mọi thông tin liên quan đến quá trình sử dụng tiền từ thiện.
Ngoài ra, cần có các biện pháp phòng ngừa sai sót, chẳng hạn như sử dụng các phần mềm quản lý tài chính chuyên dụng hoặc nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính độc lập để kiểm toán hoạt động.
Việc công khai sao kê, minh bạch hóa quá trình từ thiện không chỉ giúp duy trì lòng tin từ cộng đồng mà còn giảm thiểu rủi ro pháp lý liên quan đến các hoạt động này", luật sư Đặng Xuân Cường nhấn mạnh.