Chính trị & Thời luận

Nông dân vẫn kêu trời về “kỳ án Thuận Phong”: Đúng hay sai?

11:14 | 02/08/2018

Chia sẻ

QHNN Ngày 09/4/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp mặt, đối thoại với 600 đại biểu nông dân trên toàn quốc được tổ chức ở tỉnh Hải Dương. Tại cuộc đối thoại này, có một đại biểu nông dân (ông Nguyễn Văn Thế - Hưng Yên) thắc mắc về vụ “phân bón giả” Thuận Phong. Thủ tướng trả lời, Chính phủ đã giao Bộ Công an và Ban chỉ đạo Quốc gia 389 xử lý. Dứt khoát là vậy, nhưng đến nay đã gần 3 năm, qua hai nhiệm kỳ Phó Thủ tướng là Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia 389 xắn tay chỉ đạo, song hơn 60 triệu nông dân vẫn “dài cổ” chờ câu trả lời rõ ràng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân ngày 09/4/2018 tại tỉnh Hải Dương. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với nông dân ngày 09/4/2018 tại tỉnh Hải Dương. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)

Bộ Tư pháp: Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả

Đó là nội dung được Bộ Tư pháp khẳng định trong văn bản số 786/BTP-PLHSHC gửi Văn phòng Chính phủ ngày 13/3/2018, về việc có ý kiến về một số nội dung trong báo cáo của Bộ Công an đối với Công ty CP sản xuất và thương mại Thuận Phong (Công ty Thuận Phong).
Theo Bộ Tư pháp, 29 sản phẩm phân bón do Công ty Thuận Phong sản xuất, trước đó, đã được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành giám định hai lần.
Lần đầu, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thực hiện; kết quả, trong tổng số 29 mẫu phân bón được giám định có 19 mẫu có kết quả không phù hợp với mức tương ứng (hàm lượng chất chính đều dưới 70% so với tiêu chuẩn chất lượng đăng ký).
Lần giám định thứ hai do Công ty SGS Việt Nam và Trung tâm khảo nghiệm phân bón vùng Đông Nam bộ thực hiện theo yêu cầu của Công ty Thuận Phong. Kết quả, trong số 19 mẫu phân bón mà kết quả giảm định lần đầu khẳng định là “không phù hợp với mức tương ứng” thì có tới 17 mẫu có kết quả thử nghiệm thấp hơn kết quả thử nghiệm lần đầu tiên.
“Căn cứ quy định tại điểm b khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về việc xác định hàng giả, Bộ Tư pháp cho rằng, hành vi sản xuất 19 loại phân bón của Công ty Thuận Phong là hành vi sản xuất phân bón giả”, văn bản Bộ Tư pháp nêu.
Vẫn theo Bộ Tư pháp, sau khi có kết quả của 2 lần giám định đối với 29 mẫu phân bón do Công ty Thuận Phong sản xuất, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Đồng Nai đã thông báo cho ông Khiếu Mạnh Tường – Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong.
“Ông Tường đã đồng ý với các nội dung thông báo trên và ký xác nhận vào thông báo kết quả thử nghiệm lần 01 và lần 02 của Đoàn kiểm tra liên ngành”, văn bản Bộ Tư pháp cho hay.

 
Các cơ quan chức năng đang kiểm tra sai phạm tại Công ty Thuận Phong vào tháng 4/2015. Ảnh: Tư liệu
Các cơ quan chức năng đang kiểm tra sai phạm tại Công ty Thuận Phong vào tháng 4/2015. Ảnh: Tư liệu
 
Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa
 
Liên quan đến việc Công ty Thuận Phong sang chiết phân bón từ bồn nhựa 1.000 lít nhập khẩu từ Mỹ, đóng vào chai 1 lít và gắn nhãn “Made in USA” và “Produced by Bio Huma Netics, Inc…”, Bộ Tư pháp cho rằng, có quy định tương đối khác biệt về cùng một nội dung và do cùng một cơ quan ban hành.
Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
Do dó, cơ quan này thống nhất ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ là nhãn hàng hóa gắn trên chai phân bón 1 lít của Công ty Thuận Phong có dấu hiệu giả mạo về tên thương nhân, nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa…
 
Có dấu hiệu của tội buôn bán hàng cấm
 
Bộ Tư pháp cũng khẳng định, Công ty Thuận Phong đã đầy đủ dấu hiệu của tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm.
Theo đó, hành vi nhập khẩu phân bón Zap của Công ty Thuận Phong, trong trường hợp cơ quan chức năng xác định số lượng 550 gallon (tương đương 2.081 lít) phân bón Zap này đã nhập khẩu là số lượng lớn hoặc chứng minh được Công ty Thuận Phong đã thu lợi bất chính lớn từ việc nhập khẩu số lượng phân bón này thì hành vi nhập khẩu phân bón Zap của Công ty Thuận Phong đã đầy đủ dấu hiệu phạm tội.
Theo báo cáo của Bộ Công an, Công ty Thuận Phong nhập khẩu 7 loại phân bón để sang chiết, trong đó có phân bón Zap.
Trên cơ sở ý kiến của Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT (văn bản số 2319/TT-ĐPB ngày 23/9/2013), ngày 25/10/2013, Công ty Thuận Phong đã nhập khẩu 108 lít phân bón Zap về khảo nghiệm.
Tháng 1/2014, Trung tâm khảo nghiệm phân bón Vùng Nam bộ đã có kết quả khảo nghiệm đạt chất lượng đối với phân bón này.

 
Theo quan điểm của Bộ Tư pháp: Công ty Thuận Phong có dấu hiệu vi phạm tội buôn bán hàng cẩm. Ảnh: Tư liệu
Theo quan điểm của Bộ Tư pháp: Công ty Thuận Phong có dấu hiệu vi phạm tội buôn bán hàng cẩm. Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, đến ngày 15/8/2014, Công ty Thuận Phong tiếp tục nhập khẩu 550 gallon (tương đương 2.081 lít) phân bón Zap mà không có sự đồng ý của Cục Trồng trọt.
Ngày 23/2/2017, Cục Trồng trọt có văn bản xác định số phân bón Zap chưa được công nhận là phân bón mới và chưa được đưa vào danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
“Vì thế, việc Công ty Thuận Phong tiếp tục nhập khẩu 550 gallon phân Zap là hành vi nhập khẩu hàng cấm”, theo quan điểm của Bộ Tư pháp.
 
Bộ Công an “tiếp quản” vụ phân bón giả Thuận Phong
 
Liên quan đến “kỳ án Thuận Phong” nêu trên, ngày 09/4/2018 Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 3254/VPCP-V5 V/v ý kiến của Bộ Tư pháp liên quan đến quá trình xử lý vụ việc xảy ra tại Công ty Thuận Phong (Đồng Nai) gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công an xử lý theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2018.
Dư luận người dân cho rằng, nếu vụ Thuận Phong không được khởi tố vụ án để điều tra làm rõ thì sẽ thành “án lệ” đối với nạn phân bón giả, sẽ thành tình trạng “nhờn thuốc” nạn hàng giả, hàng nhái, nạn buôn lậu...
Những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính trong ngành phân bón Việt Nam sẽ mất niềm tin trầm trọng.
Mặt khác, nếu Công ty Thuận Phong không sai thì các cơ quan chức năng liên quan phải sớm có kết luận rõ ràng, minh oan cho Công ty Thuận Phong, trả lại sự bình đẳng cho doanh nghiệp, bồi thường thiệt hại và tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Ngô Doanh
Nguồn: QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY
Tạp chí số 89 / 2018

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn