Pháp luật & xã hội

Nhiều bất thường trong quản lý đất đai ở Thị xã Phổ Yên: Bài học kinh nghiệm nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí khi đấu giá đất đai, tài sản tại tỉnh Thái Nguyên

20:02 | 20/10/2020

Chia sẻ

QHNNKể từ khi “lò” của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng bắt đầu “nổi lửa”, việc nhiều cán bộ “ngã ngựa”, “vướng vòng lao lý” vì đất đai không còn xa lạ với dư luận. Vấn đề nhức nhối này không chỉ xảy ra tại các đô thị lớn, đáng quan ngại hơn, ở nhiều địa phương khác đã xảy ra hiện tượng này khi nguồn lực đất đai rơi vào tay doanh nghiệp “sân sau, sân trước” của một số quan chức, tạo ra những “cánh hẩu” trong lĩnh vực đất đai để cùng cộng sinh thâu tóm bất động sản bằng nhiều thủ đoạn.

Thời gian qua, nhiều bất thường trong quản lý đất đai, xây dựng… đã và đang xảy trên địa bàn thị xã Phổ Yên. Gần đây nhất việc đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu dân cư Tấn Đức JSC cũng đã gây xôn xao và dư luận đặt ra câu hỏi có không việc buông lỏng quản lý thậm chí là bao che, tiếp tay của cán bộ?

Dấu hiệu buông lỏng quản lý đất đai, xây dựng

Khu đất bà Trần Thị Sinh bỏ trống sau khi chuyển mục đích.

Ngày 07/2/2018 và ngày 21/2/2018, Nguyễn Công Thịnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên ký quyết định chấp thuận cho bà Trần Thị Sinh (xóm Đông Sinh, xã Hồng Tiến), chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm với tổng diện tích chuyển là 1,1230ha. Trong khi diện tích mà UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt cho phép bà Sinh chuyển chỉ là 0,550ha.

Việc Phó Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên Nguyễn Công Thịnh ký văn bản cho bà Sinh chuyển mục đích gấp 2 lần diện tích được phê duyệt gây bức xúc trong nhân dân, bởi lẽ sau chuyển mục đích bà Sinh không sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm mà lại quây tôn bỏ trống, trong khi người dân địa phương thì không đủ đất canh tác để sản xuất. Dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao Phó Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên lại “đặt bút” ký văn bản cho chuyển mục đích trái kế hoạch được tỉnh phê duyệt? Vì sai sót “kỹ thuật” hay có động cơ, mục đích nào khác?

Nhà ông Nguyễn Văn Giao có dấu hiệu xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Tại phường Đồng Tiến, sau quá trình kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên đã phát hiện nhà, công trình phụ trợ… của hộ ông Nguyễn Văn Giao xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, trên đất đã được thu hồi giao cho UBND phường Đồng Tiến quản lý nằm trong khu đất đã được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án.

UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu UBND thị xã Phổ Yên xử lý vi phạm đối với hành vi xây dựng công trình trái phép trong khu đất thực hiện dự án của hộ ông Nguyễn Văn Giao và tổ chức kiểm điểm những tập thể, cá nhân để xảy ra những tồn đọng, vi phạm nêu trên. Thế nhưng, hiện nay các công trình vi phạm này vẫn tồn tại, chưa bị cưỡng chế, xử lý và những ai phải chịu trách nhiệm trong sự việc này vẫn chưa được công khai tới dư luận.

Nhiều công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ sông,suối tại phường Đồng Tiến.

Khu đất người dân cho rằng việc chuyển mục đích sử dụng, cấp GCN QSDĐ vi phạm hành lang kho thuốc nổ K602.

Ngoài ra, người dân cũng phản ánh về loạt công trình xây dựng làm nơi sửa chữa, rửa xe…xâm phạm hành lang bảo vệ sông, suối tại khu vực cổng 6, đường gom Samsung hay việc chuyển mục đích sử dụng đất, cấp GCN QSDĐ có dấu hiệu vi phạm hành lang kho thuốc nổ K602….nhưng không hiểu vì sao cơ quan chức năng và UBND thị xã Phổ Yên vẫn chưa xử lý?

Đấu giá để hợp thức hóa sai phạm?

Ngày 18/9/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ký Quyết định 2893/QĐ-UBND, phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn chủ đầu tư thực hiện Dự án Khu dân cư Tấn Đức JSC, thị xã Phổ Yên. Theo quyết định, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hạ tầng Tấn Đức JSC (Công ty Tấn Đức JSC) là đơn vị trúng đấu giá.

Giá khởi điểm được đưa ra đối với toàn bộ quyền sử dụng đất là 102.136.155.252 đồng và giá Công ty Tấn Đức JSC trúng là 102.496.560.000 đồng, cao hơn giá khởi điểm 360.404.748 đồng. Với việc trúng đấu giá với giá chỉ chênh hơn 360 triệu đồng so với giá khởi điểm, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cho rằng đây là mức giá khá “khó tin”.

Một điểm mà ít ai ngờ rằng, trước đó Công ty Tấn Đức JSC lại là chủ đầu tư của Dự án Khu dân cư Tấn Đức JSC. Theo đó, năm 2017, UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định chấp thuận về việc chủ trương đầu tư. Năm 2018, UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định chấp thuận đầu tư Dự án Khu dân cư Tấn Đức JSC, chủ đầu tư là Công ty Tấn Đức JSC.

Dự án Tấn Đức JSC đã san lấp trước thời điểm đấu giá.

Theo tài liệu phóng viên có được, kể từ khi được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư Dự án Khu dân cư Tấn Đức JSC, chủ đầu tư đã thực hiện san lấp mặt bằng, trong đó có hơn 10ha đất lúa và sau đó triển khai làm hạ tầng: đường, vỉa hè, trồng cây xanh, hệ thống thoát nước…..

Đến ngày 28/4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ký Quyết định 1184/QĐ-UBND, chấm dứt hoạt động, chấm dứt hiệu lực pháp lí Dự án Khu dân cư Tấn Đức JSC với lí do là nhà đầu tư chấm dựt hoạt động dự án.

Cũng đúng ngày 28/4/2020, UBND thị xã Phổ Yên có tờ trình về việc đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư Dự án Khu dân cư Tấn Đức JSC và sau đúng 1 ngày, ngày 29/4/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng có tờ trình về nội dung này.

Đến ngày 06/5/2020, UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định phê duyệt phương án đấu giá. Sau đó Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Nguyên tổ chức đấu giá và ngày 10/9/2020, cuộc đấu giá diễn ra, Công ty Tấn Đức JSC trúng đấu giá.

Hạ tầng đã có nhưng trong phương án đấu giá lại không ghi.

Công ty Tấn Đức JSC trúng đấu giá với giá chỉ hơn giá khởi điểm đưa ra 360.404.748 đồng.

Dư luận cho rằng, Công ty Tấn Đức JSC trúng đấu giá có nhiều bất thường và có dấu hiệu của việc hợp thức hóa sai phạm. Cụ thể, trước đó khi thực hiện dự án, Công ty Tấn Đức JSC chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép nhưng đã ồ ạt san lấp mặt bằng, trong đó có hơn 10ha đất lúa, thi công làm hạ tầng….

Khi đấu giá, doanh nghiệp tham gia nộp hồ sơ đấu giá thì bị loại hồ sơ với lí do hồ sơ tham gia đấu giá có thể hiện phương án xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê nhưng không có khái toán vốn đầu tư xây dựng nhà ở, cho thuê, chưa đáp ứng điều kiện theo quyết định phê duyệt đấu giá của UBND tỉnh Thái Nguyên. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, một số ý kiến cho rằng việc loại hồ sơ nhà thầu chưa thuyết phục khi trong phương án đấu giá và quy chế không có tiêu chí chậm cụ thể, không nêu tổng mức đầu tư sơ bộ, không mô tả số lượng…. Đáng nói hơn nữa là trong quy chế cuộc đấu giá ghi đấu giá quyền sử dụng đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng thực tế khu đất đã san lấp, đã có hạ tầng…

Phải chăng đây là hành vi gian dối trong đấu giá, hợp thức hóa các sai phạm và loại hồ sơ một cách “kỹ thuật” để “dọn đường” cho Công ty Tấn Đức JSC trúng đấu giá với giá trúng đấu giá chênh không đáng bao nhiêu so với giá khởi điểm. Cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh tra làm rõ cuộc đấu giá này, tránh xảy ra phiên bản “Đường Nhuệ” trong đấu giá xảy ra tại thị xã Phổ Yên.

 

 

 

Clip san lấp mặt bằng tại dự án Tấn Đức JSC.

Với nhiều vấn đề “nhức nhối” trong quản lý đất đai, xây dựng, đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, người dân và dư luận đang mong chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an có ý kiến chỉ đạo, vào cuộc thanh tra, kiểm tra làm rõ và công khai xử lý dấu hiệu sai phạm, đặc biệt xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, của tập thể, cá nhân có liên quan.

Hai là, cần tăng cường và phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng và phản biện xã hội. Các cơ quan chức năng cần tham khảo, giải trình, tiếp thu ý kiến cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án đối với việc quyết định đầu tư dự án có nguy cơ tác động lớn đến quy hoạch, môi trường, dự án có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án về chủ trương, chính sách đầu tư, xây dựng, đất đai, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật.

Ba là, qua một số vụ việc vi phạm trong hoạt động đấu giá, đấu thầu, thậm chí còn có hiện tượng thông đồng trong hoạt động đấu giá do có những con người cố ý lạm dụng, làm trái các quy định của pháp luật, vì cậy các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiếp tục tăng cường và chú trọng chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra tổ chức và hoạt động của các tổ chức đấu giá tài sản; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, chuyển cơ quan công an có thẩm quyền xử lý theo quy định. Khi có phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm minh.

Bốn là, để ngăn chặn tình trạng thông đồng, “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá đất đai, tài sản, việc ứng dụng công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp 4.0 trong đấu giá sẽ hạn chế được nhiều tác động tiêu cực từ phía con người. Trong trường hợp xác định được tài sản đấu giá cho dù có thấp nhưng thông tin được công khai có nhiều người biết thì sẽ có nhiều người tham gia đấu giá hơn. Các quy trình về hoạt động đấu giá được công khai ra ngoài. Việc này cũng sẽ hạn chế được tình trạng cò mồi, hay dọa nạt người tham gia đấu giá. Việc này hạn chế được nhiều tình trạng nhiều con người có thể can thiệp tiêu cực vào hoạt động đấu giá.

Ngọc Quang

Nguồn: http://tapchimattran.vn/dan-nguyen/nhieu-bat-thuong-trong-quan-ly-dat-dai-o-thi-xa-pho-yen-bai-hoc-kinh-nghiem-nang-cao-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-lang-phi-khi-dau-gia-dat-dai-tai-san-tai-tinh-thai-nguyen-37101.html

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn