Ống kính Phóng viên

Nhiếp ảnh Việt lạm dụng Flycam, dàn dựng và... khói!

12:15 | 10/08/2022

Chia sẻ

QHNNĐược tham gia làm giám khảo nhiều cuộc thi ảnh lớn nhỏ khác nhau từ Liên hoan ảnh khu vực, Festival nhiếp ảnh trẻ đến triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc... không chỉ tôi và nhiều thành viên giám khảo khác đều có thể thấy giờ đây những khoảnh khắc sống động, tươi rói của cuộc sống ngày càng khan hiếm, thay vào đó là những bức ảnh được dàn dựng theo nhiều cách thức khác nhau, kể cả dạng ảnh báo chí hay du lịch. Và không chỉ có thế...

Nhiếp ảnh Việt lạm dụng Flycam, dàn dựng và... khói!

Tác phẩm “Ngày gặp lại” của nhà nhiếp ảnh Vũ Dũng (Hải Phòng) là một khoảnh khắc cuộc sống ấn tượng - điều rất hiếm gặp ở nhiều cuộc thi ảnh hiện nay. Bức ảnh đã đoạt nhiều giải thưởng và được in sách Giáo khoa lớp 10 PTTH bộ mới, được các họa sĩ Việt Nam phóng tác thành tranh cổ động...

Bội thực Flycam

Để tạo ra một góc nhìn mới và tạo cho sự vật hiện tượng đã quá quen thuộc một vẻ ngoài mới, việc thay đổi thiết bị (ống kính với tiêu cự khác nhau và giờ đây là Flycam) không phải là một giải pháp tồi, thậm chí khá hiệu quả trong nhiều trường hợp.

Tuy nhiên phàm cái gì được dùng nhiều quá cũng trở nên nhàm chán. Dù kỹ thuật bay Flycam giờ đây của nhiều tay máy đã được nâng lên rất nhiều, để tạo bóng đổ với những dáng hình liêu xiêu, kỳ dị khác nhau chứ không là những hình phẳng, bẹt “ngây thơ” như ban đầu. Vì cảnh vật thu vào ống kính vẫn loanh quanh là cảnh mua, bán cá ngoài bãi biển, cảnh đồng muối, cảnh những đứa trẻ nô đùa trên bầu cát trắng, bầu cát hồng, cảnh những người phụ nữ làm hương, làm tương... Và đặc biệt là những “trái tim biển khơi” là cảnh quăng lưới ở biển được lặp đi lặp lại đến “mệt mỏi”. Rồi phong cảnh miền Tây Bắc đẹp như thơ, từ bình minh đến hoàng hôn, từ ngày nắng đến ngày mưa... nào đồi mâm xôi, ruộng bậc thang...tất cả “phi” Flycam bất thành tác phẩm!

Trong 1 bộ ảnh, nếu có một vài ảnh Flycam chen vào để tạo ra những cỡ cảnh đa dạng, tránh làm nhàm chán con mắt thì còn dễ chịu, còn như một bộ toàn Flycam cả thì đó là một trò chơi công nghệ hơn là một tác phẩm nghệ thuật.

Những cú bấm máy trực tiếp, mặt đối mặt với nhân vật, cảnh vật tạo ra cảm xúc, sự kết nối gần gũi và thân mật hơn rất nhiều những bức ảnh chụp từ trên cao như một tấm lưới khổng lồ úp lấy mọi vật không cho chúng nó thoát!

Tuy nhiên mới đây một tấm ảnh chụp Flycam những tàu cá tránh bão ở Quảng Ngãi đoạt giải nhất với giá trị hiện kim rất cao chắc chắn sẽ là sự kích thích để các tay máy tiếp tục dùng Flycam như một thứ vũ khí hữu hiệu để “săn giải”!

Dàn dựng là “trend”

Nếu bạn vô tình đi qua nhìn thấy một cảnh sinh hoạt trong cuộc sống quá hay mà vì lý do nào đó không chụp được thì việc tái hiện lại nó như thật để chụp ảnh là bình thường. Nhưng ở đây, thói quen dàn dựng đã ăn sâu vào máu nhiều tay máy. Dàn dựng mà bắt đúng khoảnh khắc trong dàn dựng, dàn dựng mà sống động như thật thì ai dám chê mà chỉ biết bái phục. Nhưng dàn dựng thô thiển lộ rõ sự can thiệp, sắp đặt thì là “đạo diễn” tồi!. Cảnh những người phụ nữ làm hương với những khoảng trống uốn éo tạo thành hình chữ S, hay cảnh người phụ nữ xếp nón thành hình vòng cung và kín luôn cả đường đi ra hay cảnh những người vá lưới với quần áo đủ ba màu cơ bản ngồi rất trật tư và chuẩn chỉ về bố cục, màu sắc... rồi cảnh làm tơ, cảnh kho cá... cũng được dựng rất kỹ lưỡng để tạo ánh sáng, bóng đổ bắt mắt. Thời Covid còn là những cảnh dàn dựng trong bệnh viện những y bác sĩ cùng cười, giơ ngón tay hình chữ V, cảnh bác sĩ đang giơ ống thuốc vaccine lên hay cầm mũi tiêm, hay cầm tấm phim chụp phổi của bệnh nhân...

Nhất là những ảnh đã từng đoạt giải trước đó dàn dựng kiểu gì thì nhiều “thí sinh” thi sau tha hồ bắt chước, nhất là dạng ảnh phơi cá, đánh cá và làm hương.

Và khói... bay mờ mịt

Còn nhớ trước đây, khi đi cùng nhiếp ảnh gia Duy Anh (Tiền Giang, giờ anh đã sống ở Mỹ), anh rất hay đốt khói, tạo nên ánh sáng xẹt trong nắng mai để phông nền (background) của nhân vật ấn tượng, còn để xóa bớt rác trong khuôn hình. Giờ đây đã có máy tạo khói và được các nhiếp ảnh gia tận dụng tối đa. Đúng là trong nhiếp ảnh và điện ảnh, các yếu tố như lửa, nước, mây, khói... rất quan trọng và nếu đưa vào khéo sẽ làm tăng kịch tính và tạo sức hấp dẫn cho hình ảnh.

Song ở đây lại là câu chuyện của sự lạm dụng. Đốt khói trong các làng nghề, tại các cơ sở sản xuất từ làm tương, làm tơ đến cả làm hương thì bó tay! Vì đang phơi hương giữa trời nắng, tự nhiên khói bốc nghi ngút ở một góc làm mờ những tăm hương, tạo cảm giác mờ ảo rất đẹp nhưng lại phi hiện thực.  Hay khói tại gác bếp mờ mịt hết cả xung quanh trừ mấy người đàn bà dân tộc thiểu số chả khác gì hỏa hoạn diễn ra.

Có những lúc khói tại hiện trường như chụp lại làng kho cá hay lò gạch đã vừa đủ đẹp, nhưng tác giả sợ chưa đủ lại phun thêm khói, kết quả là khói nhiều quá, làm mất cả chi tiết khuôn hình và làm “cay mắt” cả giám khảo.

Trong nghệ thuật, người xem rất ghét sự áp đặt. Phàm cái gì tự nhiên, dung dị thậm chí hơi thiêu thiếu một chút để tạo khoảng mở cho sự liên tưởng sẽ thú vị hơn.

Việt Văn

Nguồn: https://nhiepanhdoisong.vn/nhiep-anh-viet-lam-dung-flycam-dan-dung-va-khoi-7000.html

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn