Văn hóa - Giáo dục

Nhà trường và câu chuyện dạy bơi… “trên giấy”

14:27 | 29/05/2022

Chia sẻ

QHNNNgay đầu tháng tư vừa qua, liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước thương tâm, khi học sinh trở lại trường học sau thời gian dài phải ở nhà học trực tuyến. Cùng với mùa hè cận kề, cũng là thời điểm các vụ tai nạn đuối nước gia tăng. Nhiều năm qua, việc dạy bơi đã được phổ cập trong nhà trường, nhưng thực tế, các em chỉ phần lớn học lý thuyết… trên giấy, bởi trường không có bể bơi…

Dạy bơi trong nhà trường chưa thể khả thi là môn học bắt buộc. (Ảnh minh họa)

Dạy bơi trong nhà trường chưa thể khả thi là môn học bắt buộc. (Ảnh minh họa)

Có thầy cô, nhưng không có… bể bơi

Ngày 11/4, ba học sinh lớp 4, 5 và 8 ở Đắk Lắk bị chết đuối khi đi bắt ốc ở ao. Cơ quan chức năng nhận định một em bị trượt chân, hai em còn lại ra cứu và cùng bị đuối nước. Ngày 5/4, năm nữ sinh lớp 6 THCS Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa tử vong khi tắm sông. Trước đó một ngày, bốn nữ sinh THCS Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu đuối nước khi chơi đùa ở hồ thủy lợi Suối Các…

Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 2-15. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), từ tháng 5 đến 9/2021, cả nước xảy ra 54 vụ đuối nước làm 89 trẻ tử vong. Số liệu thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em xảy ra chủ yếu tại cộng đồng với hơn 76%, tại gia đình 22% và hơn 1% xảy ra tại các trường học.

Còn thống kê của Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế thì trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 370.000 trẻ em bị tai nạn, thương tích. Trong đó, số trẻ em tử vong do đuối nước lên tới 3.500 em. Riêng năm 2022, dù chỉ mới đầu hè nhưng đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm.

Thực tế lý giải từ “người trong cuộc” thì nguyên nhân là do thiếu cơ sở vật chất, thiếu quỹ đất, thiếu nhân lực nên chưa thể đưa môn bơi lội trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường và được chú trọng giảng dạy như các môn văn hóa khác. Và số trẻ em bị đuối nước vẫn tăng hằng năm, đặc biệt là dịp nghỉ hè, nhu cầu đi bơi, đi tắm nhiều hơn, nên các trường hợp tử vong do đuối nước xảy ra nhiều hơn.

Theo cô Lê Thị Thu Lý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Nộn (Đông Anh, TP Hà Nội) thì trường dạy bơi cho học sinh trong điều kiện nhà trường chưa có bể bơi xây, cũng chưa có bể bơi bạt. Dù trường đã có ba giáo viên giáo dục thể chất đều có chứng chỉ đào tạo bơi. Hằng năm, ba giáo viên tham gia đào tạo trung tâm huấn luyện học sinh trong dịp hè xung quanh địa bàn. “Vì thế, trong trường, chúng tôi tuyên truyền, tổ chức các hoạt động tập thể phòng, chống đuối nước để học sinh có kỹ năng chống đuối, cứu đuối và có những bài tuyên truyền về kỹ năng bơi trên giấy. Tức là dạy về lý thuyết, sau đó khuyến khích các em đến các trung tâm dạy bơi trên địa bàn để tập luyện”.

Đồng thời, trường cũng hỗ trợ bằng cách lập danh sách học sinh có nguyện vọng học bơi, gửi sang trung tâm dạy bơi. Sau đó, có thời khóa biểu thì trung tâm sẽ bố trí xe đưa đón học sinh từ trường đến nơi học bơi thực hành. Một khóa khoảng tối thiểu 15 buổi, mỗi tuần có hai buổi và diễn ra trong dịp hè. Tuy vậy, hai năm nay, vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tỷ lệ học sinh biết bơi của trường rất thấp do các em không được học thực hành tại bể bơi.

Không ít học sinh chia sẻ: “Muốn biết bơi thì gia đình phải cho các bạn đi học ở trung tâm chứ ở trường học, tụi em chỉ được dạy kiến thức lý thuyết về phòng, chống đuối nước. Trong khi việc thành thạo kỹ năng mới là quan trọng”…

Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết, hiện việc dạy bơi cho học sinh không phải ngành giáo dục muốn là làm được vì còn phụ thuộc vào cơ sở vật chất, nhân lực. Tại trường thầy, suốt 15 năm qua, nhà trường đã kiên trì dạy bơi, phòng chống đuối nước được nhà trường đưa vào chương trình giáo dục thể chất, với mục tiêu học sinh hoàn thành cấp tiểu học, hoặc chậm nhất là THCS phải biết bơi. Để thực hiện mục tiêu này, nhà trường phải bỏ kinh phí thuê dài hạn bể bơi gần trường để lấy chỗ dạy học sinh.

Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có điều kiện để thực hiện được việc này, đặc biệt là với hệ thống trường công lập. Ngay ở Hà Nội, rất nhiều trường không có bể bơi, các tỉnh, thành khác cũng tương tự. Thậm chí, hiện nay, nhiều nơi còn thiếu giáo viên chuyên trách, hoặc có người thì lại thiếu bể bơi. Các thầy cô còn phải dạy bơi… trên giấy, chỉ dạy lý thuyết vì không có chỗ để thực hành.

Làm sao để vượt… khó?

Thống kê của Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT), tính đến cuối năm 2020, nước ta chỉ đạt 0,47 bể bơi/trường học. Ngay cả ở bậc đại học, chỉ có khoảng 13% các trường có xây dựng bể bơi trong trường. Đó là chưa kể việc vận hành, duy trì, bảo dưỡng bể khi đi vào hoạt động là một thách thức không nhỏ với các nhà trường. Chủ trương dạy bơi trong nhà trường và phổ cập bơi cho học sinh bậc tiểu học và THCS đã có, nhưng đến nay rất ít trường học có đủ điều kiện để triển khai thực hiện. Nhiều nơi, việc dạy bơi cho học sinh mới chỉ dừng lại ở việc dạy chay, dạy lí thuyết trên giấy.

Có thể nói, việc phổ cập kỹ năng bơi lội cho học sinh được xem là một trong những giải pháp quan trọng để giảm thiểu tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích do đuối nước, nhưng sau nhiều năm triển khai, kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Theo đại diện Bộ GD-ĐT, việc tổ chức dạy bơi tại các trường học chưa được triển khai đại trà do thiếu điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí để duy trì hoạt động hiệu quả của bể bơi, tỷ lệ bể bơi có trong trường còn rất thấp. Kể cả hệ thống bể bơi ngoài cộng đồng cũng mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu dạy, học bơi.

Do đó, để phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh, Bộ GD-ĐT luôn chú trọng, chỉ đạo thường xuyên việc tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn trong môi trường nước và coi đây là giải pháp chủ yếu về phòng, chống tai nạn đuối nước, kỹ năng sinh tồn quan trọng nhất trong các nhóm kỹ năng sống cần trang bị cho học sinh.

Cụ thể, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn về tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh, trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục ở đợt cao điểm triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để học sinh biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là nhận biết các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Hiện nay, bộ đang tiến hành rà soát, hoàn thiện quy định về tiêu chí trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đã khảo sát tại một số địa phương, cơ sở giáo dục để nghiên cứu, xây dựng thông tư về xây dựng trường học an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trong các trường phổ thông phù hợp với thực tế.

Song song với đó, triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học trước khi học sinh nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho học sinh trong trường học. Ngoài việc mở đợt cao điểm dạy và phổ biến kỹ năng bơi lội cho học sinh, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các Sở GD-ĐT chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình, đoàn thể và chính quyền địa phương để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè, bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước.

Đặc biệt, các Sở GD-ĐT phải tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành chương trình, kế hoạch, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo các điều kiện dạy, học bơi trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời phải có chính sách hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn, các dịch vụ liên quan cho học sinh.

Rõ ràng, rất cần đưa bơi lội thành môn bắt buộc trong chương trình giảng dạy ở trường học. Nhưng thực tế ai cũng nhìn thấy là nhà trường đang gặp những khó khăn không thể khắc phục một sớm một chiều để phổ cập ngay kỹ năng bơi lội cho trẻ. Họ thiếu giáo viên, thiếu kinh phí, kể cả cái bể dạy bơi cũng không có... Mọi khó khăn đều có thể khắc phục nhưng khi mọi thứ trong tay đều thiếu, việc khắc phục sẽ cần rất nhiều thời gian.`

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi chờ bơi lội được phê duyệt là môn học bắt buộc, chờ trường học khắc phục khó khăn, trẻ vẫn đi bơi và đối diện với nguy cơ đuối nước mỗi mùa hè đến. Chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường. Hơn ai hết, ở những vùng sông nước cận kề, phụ huynh cần chú ý hơn đến con em mình, dạy các em những kỹ năng cần thiết về sinh tồn, tránh những tổn thất thương tâm…

Dạy bơi cho trẻ em, cần thiết thực từ mỗi địa phương

Năm 2018, khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục thể thao, các đại biểu đã tranh luận về việc quy định môn bơi trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường, bên cạnh các môn văn hóa khác. Khi thực hiện việc này thì mới đạt được mục tiêu phổ cập kỹ năng bơi lội cho học sinh, giảm các vụ đuối nước thương tâm.

Mặc dù bơi không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, thể chất mà còn là kỹ năng sinh tồn. Tuy nhiên, với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay, việc quy định bơi là môn bắt buộc trong chương trình chính khóa là khó khả thi. Hầu hết các trường chưa có bể bơi, giáo viên dạy bơi. Việc tổ chức cho học sinh học bơi sẽ làm phát sinh chi phí, tạo gánh nặng cho học sinh, phụ huynh và nhà trường, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi.

Dù bơi không được quy định là môn học bắt buộc, nhưng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục thể thao đã quy định trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh trong việc phối hợp giữa cơ sở thể thao công lập do mình quản lý với cơ sở giáo dục để sử dụng công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường. Nếu các địa phương thực hiện đúng trách nhiệm của mình thì việc phổ cập bơi cho học sinh sẽ không còn là câu chuyện kéo dài nhiều năm qua

Nguyễn Mỹ

Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/nha-truong-va-cau-chuyen-day-boi-tren-giay-d182722.html

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn