Nhịp cầu nhân ái

Người cha của những đứa trẻ "vô thừa nhận"

09:22 | 26/05/2016

Chia sẻ

QHNN Động lòng trắc ẩn trước những đứa trẻ sơ sinh bị vứt bỏ ngoài đường, trong bãi rác hay vườn rau, vị cư sĩ trẻ ấy đã lặng lẽ ôm các cháu vào chùa để chăm sóc, bảo ban... Anh bộc bạch: “Thuở bé, gia đình chúng tôi đông con và nghèo khó như vậy mà cha mẹ không bỏ đi một ai trong số anh em chúng tôi, tình yêu thương một tổ ấm dành cho con trẻ là không gì có thể thay thế được. Cho nên, hơn ai hết, tôi hiểu các bé sẽ có những khoảng trống nhất định trong tâm hồn mà tình thương của tôi không lấp đầy được. Dù vậy, tôi vẫn nguyện một lòng lo cho chúng đến khi nào tôi không còn đủ khả năng nữa. Tôi mong mỏi những bậc làm cha, làm mẹ nếu đã tạo ra một hài nhi thì đừng nhẫn tâm vứt bỏ mà hãy cho bé một mái ấm gia đình”.

Nằm khuất sau những con phố ngoằn ngoèo với dòng xe cộ qua lại đông đúc, Mái ấm tình thương Phúc Lâm hiện ra trước mắt chúng tôi nhỏ bé, hiền hòa. Tuy nhiên, bất cứ ai từng một lần đặt chân đến đây đều không khỏi ngỡ ngàng, xúc động. Bởi tiếng khóc yếu ớt của trẻ sơ sinh, tiếng cười nói vô tư với ánh nhìn trong veo của những em mới 2,3 tuổi tạo thành thứ thanh âm đặc biệt như ở một nhà trẻ mà "bảo mẫu" là một người đàn ông với nét mặt vô cùng phúc hậu, đã ngoài 40 tuổi. Anh là cư sĩ Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1972), người thành lập ra Mái ấm tình thương Phúc Lâm được UBND huyện Long Thành cấp phép hoạt động theo Quyết định số 421/QĐ-UBND ngày 26/01/2015 trên mảnh đất gia đình tọa lạc tại số 16 A1, ấp 2, xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Sinh ra trong một gia đình có tới 9 anh chị em, làm nông nên cuộc sống gia đình anh gặp không ít khó khăn. Tuổi thơ anh Lâm là những tháng ngày cơ cực, chịu thiệt thòi để phụ giúp cha mẹ làm lụng  nuôi bầy em nhỏ dại. Tuy nhiên, quãng thời gian khốn khó ấy không những khiến anh chấp nhận số phận, ngược lại chính điều đó đã tôi luyện cho anh thêm bản lĩnh thép với khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, anh khăn gói lên Sài Gòn hoa lệ và làm đủ các ngành nghề vất vả khác nhau như phụ bán quán cà phê, giữ xe, làm bảo vệ... để tự mình trang trải cho quãng đời sinh viên của mình. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp, anh quay trở về quê hương gom góp và vay mượn được ít vốn để mở một Công ty hoạt động dịch vụ vệ sĩ cho đến bây giờ.

Cư sĩ Nguyễn Văn Lâm chăm sóc giấc ngủ cho các bé sơ sinh. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Cư sĩ Nguyễn Văn Lâm chăm sóc giấc ngủ cho các bé sơ sinh. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Tiếp chúng tôi trong khuôn viên "nhà trẻ"  của mình, quanh anh Lâm, hàng chục đứa trẻ mới bi bô tập nói, tập đi thay nhau sà vào lòng anh như muốn tìm hơi ấm của người mẹ, người cha. Thi thoảng vài giọt nước mắt hiếm hoi rơi trên gò má của anh, một cư sĩ Phật giáo và là mẹ, là cha của những đứa trẻ vô thừa nhận. Chính những giông bão đã đi qua trong đời mình đã giúp anh có được sự đồng cảm sâu sắc với nỗi bất hạnh của trẻ mồ côi và dành trọn tình thương yêu của mình cho chúng. Anh kể cho chúng tôi nghe cơ duyên gắn anh với những đứa bé bất hạnh này, đó là buổi chiều lặng năm 2009, mọi thứ vẫn cứ lặng lẽ trôi đi cho đến khi anh ngang qua bãi rác Nhơn Trạch, khi mọi người đang tụ tập lại chỉ trỏ về phía một đứa gái sơ sinh bị bỏ rơi khi cuống rốn, nhau còn dính chặt bị kiến bu lên khắp người... thả vội chiếc xe gắn máy xuống đến ôm đứa bé và phủi sạch đám kiến lửa ấy, nép tai vào lòng ngực bé, anh cảm nhận hơi thở yếu mềm ấy đang còn dành giật sự sống. Sau đó anh vội vã đem đứa bé sơ sinh đến bệnh viện để cứu lấy sinh mạng bất hạnh này... May thay qua cơn sóng gió ấy đứa bé đã khỏe mạnh trở lại. Quá thương cho mảnh đời vừa mới sinh ra đã bị bỏ rơi ấy, anh đã báo với chính quyền và nhận bé con làm con nuôi và đặt tên cho con là Nguyễn Ngọc Phương Vi, lấy họ anh và tên đệm của người mẹ tên Ngọc của anh Lâm.
Tưởng chừng mọi chuyện chỉ diễn ra ngẫu nhiên đến vậy, thế nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu cho "duyên phận" làm cha của những đứa trẻ sơ sinh vô thừa nhận trong những ngày tháng tiếp nối sau này của anh. Một năm sau khi đem bé Phương Vi về nuôi, vào buổi trưa giữa năm 2010, khi ra khu vườn cải trước nhà để tưới cây chống hạn, bất chợt anh đứng sựng lại khi nghe tiếng khóc thất thanh lẫn trong đám cải nhà mình của một đứa bé sơ sinh. Anh nhanh chóng ôm đứa bé vào nhà để chăm cho bé khỏe lại. Sau khi báo với chính quyền địa phương nhưng không có ai nhận, anh tiếp tục đem đứa bé về làm con nuôi, đặt tên cho con là Nguyễn Hoàng Phúc Thịnh...
Tuy nhiên, sau khi nhận đứa bé thứ hai về nuôi thì bỗng nhiên, 7 tháng sau người nhà của đứa bé tìm đến nhà anh, thay vì gửi anh những lời cảm ơn, họ liền kiếm đủ lý do để làm khó dễ đòi tiền anh, họ ra yêu sách nếu anh muốn được nuôi cháu bé thì bù lại anh phải sắm cho họ một chiếc... xe Honda SH, nếu không thì đám người đó sẽ lấy Thịnh đi.  Lo cho tương lai của con khi trở về với những người con người vô trách nhiệm ấy, lại sợ mất con, nên những ngày sau đó là những đêm anh mất ăn, mất ngủ khóc hết nước mắt vì thương con. Cuối cùng anh vay mượn được 30 triệu đồng để đưa cho những "người thân" của Phúc Thịnh và được họ chấp thuận. "Sau 7 tháng chăm nuôi thằng bé, với tôi hạnh phúc lớn nhất lúc đó là được giữ lại con bên mình, vì bé đã như đứa con mà tôi đứt ruột đẻ ra rồi " người Cư sĩ kể về cơ duyên với đứa bé thứ hai mà anh nhận nuôi. 

Niềm hạnh phúc của anh là được nghe bầy con thơ cất tiếng gọi “cha... cha...” mỗi khi đi làm về. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Niềm hạnh phúc của anh là được nghe bầy con thơ cất tiếng gọi “cha... cha...” mỗi khi đi làm về. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Kể từ đó, tiếng lành đồn xa, cái tin anh "mát tay" nuôi trẻ sơ sinh, vì thế nhiều khi khiến anh nhận các con trong những trường hợp vô cùng ... bi đát. Khi thì người dân địa phương báo trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở ngay ngã tư Long Thành, khi thì được người lao công phát hiện ra trẻ bị bỏ rơi rồi gọi anh đến chợ đêm Long Thành để nhận về, có trường hợp thì được bỏ lại ngay trước... cửa nhà anh. Và đặc biệt trớ trêu là có những bà bầu còn đến tận nhà anh khóc lóc, van xin anh chuẩn bị nhận "con"... sắp sinh của họ vì hoàn cảnh của họ không thể nuôi con được dù anh ra sức thuyết phục, gom góp tiền cho họ để đừng bỏ con, có người họ nghe lời anh, nhưng có người sau đó sinh con ở bệnh viện liền gọi điện thông báo cho anh đến để nhận đứa con bị họ bỏ rơi lại... Họ nói là làm, ngay lúc anh vừa đến Bệnh viện Thánh Tâm tại thành phố Biên Hòa thì bác sĩ cho biết mẹ của bé đã rời khỏi con mình không lâu trước đó.... Một lần nữa, khi ôm đứa bé vừa mới được cảm nhận hơi thở của dòng sự sống chảy qua, dòng lệ xót xa trong anh lại quyện vào tiếng khóc chào đời của con, như bao lần anh ôm từng đứa, từng đứa một trước đó đem về nuôi...
Nhưng cũng từ đó, anh càng quyết tâm dù khó khăn, mệt mỏi vẫn dành trọn tình thương cho những mảnh đời bất hạnh. Đã nhiều năm qua nhưng chưa có bậc cha, mẹ nào quay lại chùa tìm con. Điều làm Cư sĩ trăn trở nhất hiện nay là tương lai và tinh thần của các bé khi chúng lớn lên, ý thức được về thân phận mồ côi của mình, cho đến bây giờ số trẻ mồ côi anh nhận về đã lên tới con số 27.
Xót thương khi nhìn thấy con trai đêm ngày vất vả vừa lo chăm sóc cho những đứa trẻ còn chưa dứt hơi sữa mẹ, lại vừa phải thức khuya dậy sớm để có tiền trang trải cho chúng, có lần mẹ anh Lâm nói với anh: "Cả tuổi xuân con chịu thiệt thòi lo cho cha mẹ, các em như thế rồi... bây giờ con nhận thêm đám trẻ sơ sinh như vậy nữa thì liệu làm sao lo cho xuể?", là người yêu thương gia đình vô vàn, anh ra sức thuyết phục mẹ, để mẹ cảm nhận được rằng bây giờ sức khỏe và thậm chí là hơi thở trong cuộc sống lúc này của anh là ánh mắt, là nụ cười, là tiếng gọi "cha... cha..." ôm choàng lấy anh mỗi khi anh đi làm về của lũ trẻ... với anh tất cả những điều đó là sự sống bây giờ của cuộc đời anh. Ít ai biết rằng dù phải chu toàn việc chăm sóc cho gần 30 đứa trẻ như vậy lại vừa đảm bảo công việc làm ăn để duy trì mái ấm, nhưng sức khỏe anh hiện tại rất yếu với nhiều chứng bệnh như tiểu đường, thoái hóa cột sống, thận... Anh cũng nguyện không lập gia đình cho riêng mình mà dành trọn tình yêu thương cho những đứa con vô thừa nhận của mình vì sợ rằng khó có người người phụ nữ nào có thể chấp nhận cùng anh đi lo cho "con người ta".
Chia sẻ với chúng tôi về bệnh tật của mình, ngước mắt nhìn đám trẻ, anh lại ngậm ngùi : "Trời kêu ai nấy dạ, nhưng đau đớn của bệnh tật không phải là điều tôi lo lắng hơn cả lúc này, mà điều làm tôi trằn trọc nhất là tôi sợ mỗi khi mình nằm xuống thì các con tôi sẽ ra sao? ai sẽ lo cho chúng từng miếng ăn, giấc ngủ? Khi tâm niệm lớn nhất của cuộc đời tôi bây giờ là được thấy sấp nhỏ được lớn lên trong tình yêu thương như một mái ấm gia đình thực sự, được thấy chúng ăn học nên người rồi lúc ấy tôi có nhắm mắt xuôi tay cũng mãn nguyện..."
Tâm nguyện ấy của anh cũng chính là tâm nguyện khiến chúng tôi đau đáu khi rời xa Mái ấm tình thương nơi ánh mắt của những đứa trẻ mồ côi vẫn đang trông cậy tất cả vào một mình anh lo toan cho chúng. Được biết, hiện tại tất cả mọi chi phí sinh hoạt, nuôi dưỡng lẫn việc thuê thêm bảo mẫu đều tự mình anh Lâm kiếm tiền và trang trải. Để có được chén cơm, bình sữa cho các bé anh đã và đang phải làm việc cật lực đêm ngày. Ngoài ra, Mái ấm tình thương Phúc Lâm vừa tiếp nhận thêm các cụ già neo đơn, bệnh tật để nuôi dưỡng, chăm lo cho các cụ. Chính điều đó, nên sự chung tay giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm góp sức, sẻ chia, thương yêu đến các cháu bé bị bỏ rơi, các cụ già không nơi nương tựa tại Mái ấm tình thương Phúc Lâm lúc này là vô cùng quý giá hơn bao giờ hết... 
Để gia đình nhỏ bé ấy có thêm nhưng ngọn lửa yêu thương mãi thắp sáng mãi giữa cuộc sống này!
Chu Minh - Đại Hải
Nguồn: QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY
 
 

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn