Nông nghiệp - Nông thôn

Mỗi năm Việt Nam mất 2 tỷ USD vì nạn phân bón giả, kém chất lượng

20:55 | 27/12/2016

Chia sẻ

QHNNTrong khi nông nghiệp Việt Nam là ngành kinh tế quan trọng, thì có thể nói phân bón Việt Nam lại là một nền phân bón tự phát. Từ việc quản lý đến sản xuất, phân phối đều đang lộ nhiều bất cập. Trong đó, vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng đang gây thiệt hại cho nông dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp, công ty sản xuất kinh doanh chân chính. Quản lý chồng chéo, chế tài xử phạt thiếu nghiêm minh là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn đang hoành hành trên thị trường.

Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc gia "Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam" với sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TW Hiệp hội Phân bón Việt Nam, TW Hội Nông dân Việt Nam, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, đại diện các Sở Công Thương cùng đông đảo Phóng viên các cơ quan báo chí, truyền thông.
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ông Nguyễn Hạc Thúy cho biết:“Trên cả nước hiện có 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng bán ra trên 48 tỉnh thành. Bình quân mỗi năm có khoảng 4.000 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón”.

 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Thúy nhấn mạnh việc xử lý nạn phân bón giả, kém chất lượng đang gặp nhiều khó khăn do có lợi ích nhóm trong một số cá nhân, đơn vị, tổ chức, cơ quan công an, quản lý thị trường, thanh tra nông nghiệp, đặc biệt về hệ thống lợi ích nhóm bảo kê của các lực lượng thi hành công vụ, tham gia tiếp tay cho gian thương, các thành phần này như “quả bom nổ chậm” phá hoại Nghị định, Thông tư, bóp méo sự thật, bóp méo pháp luật, gây thiệt hại cho hàng chục triệu nông dân và nền nông nghiệp của đất nước trong nhiều năm qua. Đến thời điểm này, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn chưa giải quyết triệt để bởi các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý. Chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ra thì mỗi năm Việt Nam mất đi khoảng 2 tỷ USD.
Phân bón giả, kém chất lượng đã gây thiệt hại lớn nhưng chế tài xử phạt đối với những doanh nghiệp làm giả, làm nhái này lại đang như  “gãi ghẻ” – ông Nguyễn Như Cường – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhìn nhận.
Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả phát triển mạnh và ngày càng tinh vi hơn. Đặc biệt, tình trạng này phát triển ngay trong các phòng kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng phân bón, trong các tổ chức cơ quan công an, quản lý thị trường, thanh tra nông nghiệp… Chẳng hạn kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ Nông nghiệp & PTNT đối với 11 trung tâm khảo nghiệm, kiểm định chất lượng hồi tháng 4/2016 cho thấy, 100% các trung tâm này đều vi phạm các Nghị định và Thông tư về quản lý khảo nghiệm phân bón như cấp khống, cấp sai hàng chục nghìn mẫu phân bón cho hàng trăm doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ tháng 8/2015 đến tháng 3/2016 cả nước có hơn 800 cơ sở sản xuất phân bón. Đa số các cơ sở sản xuất phân bón bằng công nghệ cuốc xẻng, xe trộn bê tông và không có phòng thí nghiệm. Đây chính là cái nôi làm nảy sinh tình trạng sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.“Các thành phần này như “quả bom nổ chậm” phá hoại các Nghị định, Thông tư, bóp méo sự thật, bóp méo pháp luật, gây thiệt hại cho hàng chục triệu nông dân và nền nông nghiệp nhiều năm qua”, ông Nguyễn Hạc Thúy cho biết thêm.

Dẹp loạn triệt để thị trường phân bón giả, kém chất lượng

Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần trình Quốc hội sửa đổi Luật 71 về VAT đối với phân bón và sửa Nghị định 202/CP về quản lý phân bón theo hướng chuyển giao trách nhiệm quản lý về một Bộ duy nhất là Bộ Nông nghiệp & PTNT.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới kêu gọi cần phải gấp rút xây dựng Pháp lệnh về phân bón, tiến tới lập Luật phân bón để siết chặt công tác quản lý.

 
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam trả lời phỏng vấn. Ảnh: NGÔ GIA
Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam trả lời phỏng vấn. Ảnh: NGÔ GIA

Từ quy định về chủng loại, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng, cấp phép, quy trình sản xuất, thanh kiểm tra đến chế tài xử phạt… đều phải được luật hóa và thực hiện nghiêm minh. “Muốn chống phân bón giả thì phải có con người thật, con người có lương tâm, có trình độ, có trách nhiệm. Phải tái cơ cấu nhân lực của ngành phân bón để khôi phục sự lành mạnh của thị trường.Tăng trưởng niềm tin của người dân còn quan trọng hơn tăng trưởng số lượng nhà máy và sản lượng phân bón”, ông Nghĩa nói.
Về định hướng trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, sắp tới cần hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực phân bón; xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP; xây dựng dự thảo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phân cấp quản lý. Coi trọng công tác kiểm soát thị trường phân bón nhằm hạn chế tình trạng phân bón kém chất lượng. Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền xác định vai trò, trách nhiệm chính của cơ quan quản lý phân bón.

Nhóm Phóng viên
Nguồn: QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY
Tạp chí số 75 + 76 / 2016
 

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn