Phóng sự - Ký sự

Hơn 20 năm đi tìm mẹ bạn

15:48 | 13/07/2016

Chia sẻ

QHNN Một buổi sáng tháng Giêng năm 1970, Hoàng Văn Tợi khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Anh được phân công về Trung đoàn 152 thuộc Quân khu 9. Nhiệm vụ của đơn vị là bảo vệ đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, ngày đêm phải đánh trả bọn Pôn – Pốt - Iêng - xê – ri rình mò lấn chiếm biên giới chọc sâu vào sào huyệt của quân ta. Qua các trận đánh, đơn vị anh lập nhiều công lớn. Là một Chính trị viên Đại đội, anh nêu cao tinh thần dũng cảm, chiến đâu ngoan cường và được Tiểu đoàn trưởng tuyên dương. Hồi đó Nguyễn Tấn Dũng là cán bộ Chính trị viên Tiểu đoàn, người thân nhất đối với Tợi. Hai người tâm đầu ý hợp, kết nghĩa huynh đệ với nhau. Nhiều lần họ tâm sự: Khi đất nước sạch bóng quân thù, chúng mình sẽ về thăm quê của nhau để tận hưởng hương vị của mỗi miền quê.

Năm 1976, Hoàng Văn Tợi được đơn vị cử đi ra Bắc công tác và khi xong nhiệm vụ thì sẽ cho về thăm gia đình. Mặc dù còn ngổn ngang chiến trận nhưng vì mệnh lệnh, anh khoác ba lô lên đường. Sau đợt công tác đó, Tợi về nhà ít hôm. Được họ hàng anh em vun đắp cũng như theo yêu cầu của mẹ, anh đã cưới cô Đặng Thị Phiên làm vợ. Chị Phiên – Một người con gái đồng quê, hiền lành hay lam hay làm; hồi ở nhà hai người đã thầm yêu trộm nhớ. Tuần trăng mật chưa trọn, anh phải xa vợ lên đường.
Cuộc chiến giữa ta và địch ngày một càng căng thẳng, ác liệt. Bọn giặc ban đêm rình rập dời cột mốc đánh thọc sâu vào đất liền của ta, nã pháo vào trận địa. Ta đánh bật chúng và ngăn chặn nhiều trận càn ồ ạt từ phía đich.
Bước sang Thu – Đông năm 1978 với điều kiện và tình hình nhiệm vụ mới, tợi được ra Bắc công tác và được đơn vị cho nghỉ phép. Khi cầm quyết định trong tay, lòng dạ anh nào nguôi vì trận địa còn căng thẳng, bọn giặc ngày một dã man và điên cuồng quậy phá. Tợi nghĩ lúc này mình rời vị trí chiến đấu là không đành. Đang lưỡng lự suy tính thì: Nguyễn Tấn Dũng đến thăm và dặn dò Tợi ngày mai lên đường…
Nói chuyện trao đổi với nhau bằng mấy tiếng đồng hồ mà câu chuyện giữa hai người vẫn chưa kết thúc. Sau một hồi lâu đăm chiêu suy nghĩ, Dũng bộc lộ: Trận đánh sắp tới mình sẽ chỉ huy mũi nhọn chọc sâu vào sào huyệt của bọn Pôn Pốt, đó là mệnh lệnh của cấp trên giao cho. Cậu đừng lo, cứ an tâm mà đi, mình sẽ chiến thắng vẻ vang. Nếu rủi ro mình hy sinh cũng xin cậu đừng buồn, tấm gương của bố mình, hình ảnh đó không bao giờ phai mờ trong tâm trí của người lính chiến. Nghe Dũng nói vậy Tợi nghĩ ngay đến tương lai của người bạn thân, anh vui vẽ trao đổi: “Cậu ạ, mình đã nghĩ kĩ rồi ngày mai tạm hoãn chuyến về phép và lên báo cáo với Tiểu đoàn, xin tình nguyện ở lại chỉ huy trận đánh đó, Tợi sẽ thay Dũng. Mình nghĩ người có tài năng như Dũng có hệ trọng gì thì thật là thiệt thòi sau này cho đất nước. Dũng báo cáo hộ mình và xin cho mình đi thay Dũng nhé”.
 

Mặc dù Dũng đã về từ lâu song Tợi không bao giờ chớp mắt được. Anh gối đầu lên chiếc ba lô, bắt tay qua trán, hình ảnh đồng đội, tình huynh đệ pha trộn với cảnh gia đình ấm cúm. Thế rồi anh quyết định dậy từ sáng sớm, vệ sinh cá nhân xong anh lên thẳng Tiểu đoàn, trình bày lý do xin ở lại chiến đấu, trận chiến đầy thử thách và cũng đầy niềm tự hào đối với Tợi, anh sẽ thay Dũng chỉ huy mũi nhọn tấn công. Qua các trận đánh Tiểu đoàn gửi nhiều niềm tin ở anh. Sau khi suy nghĩ, đồng chí Tiểu đoàn trưởng quyết định chấp nhận lời yêu cầu của Hoàng Văn Tợi. Anh mừng lắm, trong lòng anh trào dâng niềm sung sướng vô hạn. Anh về đơn vị báo cáo với mọi người ai cũng lấy ngạc nhiên trước sự thay đổi của Chính trị viên Đại đội.
Trưa hôm đó Dũng đến gặp Tợi, hai người trò chuyện với nhau rất lâu, mắt Dũng ứa lệ, tình bạn, tình huynh đệ thật là sâu nặng tràn đầy xúc cảm. Tuy hai miền quê xa cách, nhưng tình cảm của hai người luôn khăng khít bên nhau. Ngoài những khi đi chiến đấu, về đơn vị là hai người về bên nhau vui vẻ trò chuyện không bao giờ vơi, họ thông cảm với nhau về hoàn cảnh gia đình và điều kiện công tác Dũng kể, hoàn cảnh gia đình của Dũng: Bố cũng là người lính chiến, ông đã hy sinh anh dũng cho Tổ quốc, còn Tợi sinh ra trong một gia đình miền quê nghèo quanh năm, mẹ già, kinh tế gia đình hết sức chật vật. Tợi giao chiếc ba lô của một đời người lính chiến đấu với tất cả hành trang vào đời cho Dũng và dặn: “Nhớ đừng đánh mất quyển nhật ký của tớ quan trọng lắm đó. Nếu tớ hy sinh, Dũng nhớ mang chiếc ba lô về cho mẹ và vợ tớ”. Dũng nở nụ cười thông cảm sâu sắc nỗi niềm của Tợi. Tợi biết rằng trận chiến này bọn Pôn Pốt dùng mọi mưu kế chống trả với ta, phía ta nêu cao quyết tâm quét sạch bóng giặc trên đường biên. Khi chia tay ra về, Dũng còn cầm tay Tợi và dặn dò chúc chiến thắng và trở về gặp lại.
Họ chia tay như thế âm thầm và lạnh lẽ, nhưng đầy sự xúc cảm, chan chứa biết bao mối tình về đồng đội, đồng chí.
Trận đánh hôm đó rất ác liệt và gay go, bọn địch dùng mọi mưu kế nhưng bị sức mạnh của quân ta tấn công như vũ bão tháo chạy chết ngổn ngang. Được thế Tợi cùng anh em trong đơn vị rượt đuổi đến sào huyệt của địch. Không may Tợi vương phải quả mìn mà bọn giặc đã giăng bẫy, anh hy sinh vào hồi 7 giờ sáng tháng 11 năm 1987. Thế là Tợi đi mãi không về với Dũng với gia đình. Dũng đã đưa thi hài của Tợi về nơi an nghỉ ở nghĩa trang Rạch Giá cách đơn vị đóng quân 260 km.
Người bạn chí thân của Nguyễn Tấn Dũng không còn nữa, Dũng thấy mình còn mắc nợ với Tợi rất nhiều, nhìn chiếc ba lô trước mặt Dũng không sao cầm được nước mắt, anh thầm hứa với tợi sẽ hoàn thành mọi lời căn dặn với Tợi, Dũng lần dở trong chiếc ba lô của Tợi, thấy quyển nhật ký được Tợi dấu kín trong gói bọc ni lông cẩn thận. Dũng dở từng trang xem và đến trang cuối cùng đang còn viết dở, với những dòng chữ nghiêng nghiêng mang đầy sắc thái của cậu học sinh phổ thông nhà quê. Thế rồi bờ cõi Tổ quốc vĩnh viễn không còn bóng quân thù. Năm 1980, Nguyễn Tấn Dũng được thuyên chuyển về công tác, sau một thời gian ông lên làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Tiên. Là một Ủy viên Trung ương Đảng có năng lực, Nguyễn Tấn Dũng được ra Bắc nhận chức Phó Thủ tướng Chính phủ (rồi sau đó là Thủ tướng Chính phủ). Ông không bao giờ quên lời dặn của người bạn. Ông đã dày công tìm kiếm địa chỉ tên tuổi của mẹ Hoàng Văn Tợi qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ông về Nghệ - Tĩnh nhờ ông Nguyễn Bá, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An tìm hộ mà không được, do địa chỉ lâu ngày không rõ ràng, chỉ mơ màng ở huyện Hương Sơn, Hương Khê gì đấy… Nhân dịp Hà Tĩnh được Trung Ương phê duyệt xây dựng cảng Vũng Áng, Phó Thủ tướng về thăm và làm việc tại Hà Tĩnh. Lần này ông nhờ Bí thư Tĩnh ủy Đặng Duy Báu tìm hộ người mẹ của bạn mình. Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã tìm được địa chỉ đích thực. Khi nhận được tin này Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điện nhờ ông Đặng Duy Báu là Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên xác minh cụ thể.
Thế là quê hương của người bạn thân đã rõ. Ông mừng lắm! Do bận công việc không có điều kiện để về thăm mẹ, ông thông tin cho họ hàng và mẹ Tợi biết được nơi an nghỉ của Liệt sỹ Hoàng Văn Tợi. Tháng 8 năm 2002, thi hài của Liệt sỹ Hoàng Văn Tợi được người anh Hoàng Văn Hợi đưa về an nghỉ tại nghĩa trang huyện nhà. Cũng một dịp tháng 10 năm 2002, ông Dũng nhân chuyến cùng phái đoàn Chính phủ về khảo sát tại huyện Hương Sơn và Hương Khê (Hà Tĩnh), đã ghé qua thăm quê hương của Hoàng Văn Tợi ở xã Cẩm Nam – Cẩm Xuyên. Hơn 20 năm tìm kiếm một người mẹ, vào một ngày nửa đêm tháng 10 năm đó ông đã gặp được mẹ của bạn, mừng không kể xiết bao sự hội ngộ. Mẹ Tợi đã già rồi, ở cái tuổi 100, sự đi lại khó khăn, nhà cửa neo đơn vất vả, vợ Tợi – chị Phiên sau 2 năm Tợi mất đã đi lấy chồng. Một mình mẹ cô đơn cũng may là anh cả được nghỉ chế độ về nhà chăm sóc mẹ già.
Nhận gói quà nhỏ từ tay của một “Đứa con” mà bà nuốt nước mắt ấp úng nói không ra lời. Ông Dũng cầm tay mẹ: “Mẹ hãy xá lỗi và thông cảm cho chúng con, đây là món quà nhỏ của vợ chồng chúng con tặng mẹ”. Bà cầm lấy bàn tay của người con hiếu đạo đã về với mẹ, âu yếm mẹ như những lúc Tợi đi xa về. Chỉ vẻn vẹn mấy tiếng đồng hồ vì điều kiện công tác, ông Dũng chia tay Mẹ và gia đình, hẹn chuyến công tác sau sẽ về thăm Mẹ.
Về Hà Nội, ông Dũng luôn nghĩ đến hình ảnh người bạn, liên tưởng đến người mẹ bạn, ông thường đăm chiêu suy nghĩ. Tháng Giêng 2003, công ty Golf Hà Nội đã nhận tài trợ xây dựng cho mẹ Tợi một ngôi nhà tình nghĩa với hai gian thoáng mát sau hai tháng thi công. Ngày 20 tháng 5 năm 2003 ngôi nhà của Mẹ liệt sỹ Đặng Thị Thể được hoàn thành.
Mẹ không dậy được nữa vì quá già yếu, nhưng Mẹ rất mừng gặp được người bạn chiến đấu của con, vinh hạnh vì đứa con mình đã hy sinh anh dũng cho Tổ Quốc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.
Hoàng Văn Tợi mất đi nhưng đã có người con Trung hiếu về với Mẹ, an ủi động viên Mẹ trong quãng đời còn lại!
Công Thảo - Tiến Dũng
Nguồn: QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY
(Tạp chí số 70 + 71 / 2016)
                   

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn