Văn hóa - Giáo dục

GS-TS-NGƯT Thái Văn Thành: “Giáo dục học sinh phải bằng tất cả tình cảm và lòng yêu thương”

17:41 | 04/06/2021

Chia sẻ

QHNNThời gian vừa qua, tình trạng bạo lực học đường xảy ra tại một số tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Nghệ An, được báo chí phản ánh và mạng xã hội đăng tải qua đó cho thấy tình trạng này rất đáng báo động. Riêng ở Nghệ An, vừa xảy ra một số vụ thầy cô giáo tát, dùng thước đánh học sinh. Đơn cử như vụ thầy Nguyễn Chính Bình – giáo viên môn Hóa trường THCS thị trấn Quỳ Hợp (huyện Quỳ Hợp) có hành vi tát vào mặt học sinh do em này không học bài cũ, nên bị kỷ luật cảnh cáo và chuyển trường; Cô Phạm Thị Hải, Chủ nhiệm lớp 1H trường Tiểu học Trường Thi(TP. Vinh) dùng thước đánh vào mông 1 em học sinh gây nhiều vết bầm tím, vụ việc đã được báo cáo lên Phòng GD&ĐT TP. Vinh và Đảng ủy phường Trường Thi…


 

GS-TS-NGƯT Thái Văn Thành, Tỉnh ủy viên – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An.

Trước thực trạng đó, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn GS-TS-NGƯT Thái Văn Thành, Tỉnh ủy viên – Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Nghệ An (GD&ĐT), trân trọng mời quý độc giả cùng theo dõi:

PV: Gần đây làn sóng dư luận dấy lên nhiều lo ngại về văn hóa ứng xử của một số thầy cô giáo chưa chuẩn mực và vấn nạn bạo lực học đường xảy ra, ý kiến của GS-TS như thế nào về vấn đề này?

GS-TS-NGƯT Thái Văn Thành:  Về góc độ quản lý Nhà nước, về công tác chỉ đạo, Sở GD&ĐT Nghệ An rất chú trọng, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến vấn đề này, không những thế mà có hẳn cả kế hoạch tham mưu cho UBND tỉnh, kế hoạch về văn hóa ứng xử học đường, tích hợp trong kế hoạch về xây dựng nhà trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, học sinh tích cực phòng chống bạo lực học đường, tai nạn thương tích, đuối nước… Các trường trên địa bàn tỉnh thực hiện theo kế hoạch này bài bản, thường xuyên. Nếu các trường quán triệt các thầy cô giáo hàng ngày trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, thường xuyên nhắc nhở các cháu thì chắc chắn môi trường giáo dục sẽ tốt, hạn chế tối đa hiện tượng bạo lực học đường giữa học sinh với học sinh, giữa thầy cô giáo với học trò.

Công tác giáo dục đòi hỏi cả quá trình phải kiên trì, bền bỉ, không phải chỉ “một sớm một chiều”, hôm nay làm, mai quên, để gián đoạn thì giáo dục nhân cách sẽ khó thành công. Cho nên, đòi hỏi, yêu cầu giáo viên phải tâm huyết, nỗ lực hàng ngày hàng giờ liên tục, cho đến khi lớp này nối lớp kia, cấp này nối cấp kia, đến khi các em học sinh trưởng thành, thành đạt là cả một quá trình dạy học công phu và sự tự nỗ lực của các em rất là lâu dài, dày công. Nếu lơ là, chủ quan một giây phút nào, một thời điểm nào đều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình dạy học, hình thành nhân cách của học sinh.

PV: Trước thực trạng trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra bạo lực học đường, Sở GD&ĐT đã và đang có những biện pháp nào để ngăn chặn, phòng ngừa?

GS-TS-NGƯT Thái Văn Thành: Về các biện pháp tập trung, Sở đã chỉ đạo hàng ngày như thường xuyên có các văn bản chỉ đạo, quản lý quán triệt, đôn đốc, yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc, có các đoàn thanh tra hành chính của Sở, các đoàn kiểm tra về vấn đề xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ đạo của Sở về phòng chống bạo lực học đường, tai nạn thương tích đuối nước, kể cả vấn đề hút thuốc lá điện tử trong học sinh. 

Sở cũng đã tổ chức họp với các cơ quan chức năng và tổ chức chính trị - xã hội, phối hợp với nhau như Công an tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu giáo chức… trao đổi thông tin thường xuyên, có quy chế phối hợp ban hành các tiêu chí để phối hợp với nhau rất chặt chẽ, để đảm bảo môi trường giáo dục trong nhà trường, trong gia đình và ngoài cộng đồng. Kết quả, tình trạng tai nạn thương tích, bạo lực học đường giữa học sinh và học sinh trong nhà trường thời gian qua tuyệt đối không xảy ra.

Nhưng vấn đề xảy ra ở ngoài cộng đồng thì vẫn còn tồn tại. Sở đang thường xuyên chỉ đạo các nhà trường phải tăng cường phối hợp với ngoài cộng đồng; xây dựng mô hình phối hợp giữa gia đình – nhà trường - cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục học sinh với các tiêu chí rất rõ, cụ thể phù hợp với từng bậc học. Trước hết mô hình này sẽ triển khai ở bậc mầm non. Đối với bậc mầm non về nhận thức, tình cảm, thể chất, trí tuệ, chiều cao, cân nặng, yêu cầu về giáo dục nhân cách khác bậc tiểu học, THCS hay THPT. 

Đối với trong nhà trường, có văn bản chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm rất cụ thể về tổ chức các hoạt động giáo dục như đầu giờ phải như thế nào, cuối giờ hoạt động ra sao, ra về nhắc nhở các em học sinh làm sao. Đối với giáo viên, để tránh tình trạng giáo viên có những hành vi có thể không kiểm soát được bản thân, dẫn đến có những hành vi không phù hợp với môi trường sư phạm, vi phạm quy định văn hóa ứng xử trong học đường, Sở GD&ĐT đã tổ chức họp định kỳ theo quý giữa các Trưởng phòng GD&ĐT huyện, các Hiệu trưởng, thường xuyên nhắc nhở chú ý công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhà giáo, đạo đức nhà giáo, tăng cường xây dựng văn hóa chất lượng của nhà trường, xây dựng trường học hạnh phúc để tăng cường xây dựng trách nhiệm, lòng yêu nghề yêu trẻ của giáo viên. 

GS-TS-NGƯT Thái Văn Thành trong một chuyến đi thăm, chúc Tết giáo viên, học sinh miền núi Nghệ An.

PV: Hiện nay, trên mạng xã hội, vẫn còn một số ý kiến vẫn “đồng tình” với việc giáo viên có quyền “quát nạt” hay “đánh” học sinh ở mức độ cho phép nào đó, quan điểm của GS-TS-NGƯT về vấn đề này như thế nào?

GS-TS-NGƯT Thái Văn Thành: Rõ ràng là không được phép, quy định của pháp luật và của ngành giáo dục và đào tạo đều nghiêm cấm giáo viên xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học sinh, hoặc đánh học sinh dưới bất kỳ hình thức nào.

Với quan điểm lấy nhân cách của người thầy cô giáo để giáo dục nhân cách của học sinh, cho nên đòi hỏi người thầy giáo dục nhân cách phải bằng nhân cách. Vì thế, yêu cầu rất cao với người thầy giáo trước hết phải mô phạm, gương mẫu, mẫu mực, thực sự là tấm gương đạo đức, học tập sáng tạo không ngừng cho học sinh noi theo. 

Có triết lý của giáo viên mà ngành yêu cầu các Hiệu trưởng phải tuyên truyền thường xuyên đó là: “Giáo dục học sinh phải bằng tất cả tình cảm và lòng yêu thương” với tâm huyết và trách nhiệm cao. Làm được điều này, dù có gặp khó khăn đến mấy, có gặp học sinh hỗn đến mấy, cá biệt đến mấy, bằng lòng yêu thương với trẻ, thì giáo viên đều có thể vượt qua để đến với trẻ. Nếu một mình làm chưa được, thì bằng nhiều biện pháp giáo dục như phối hợp với gia đình, thường xuyên gặp gỡ trao đổi, bàn cách với cha mẹ, ông bà, người thân học sinh. Nếu như mình giáo dục học sinh bằng tất cả tình cảm và lòng thương yêu thì mình sẽ vượt qua được tất cả, sẽ không có áp lực gì cả, nếu như thầy cô giáo giáo dục các em bằng tình cảm của mình, bằng tình thương của mình sẽ vượt qua mọi áp lực, vượt qua mọi khó khăn.

Điều này minh chứng qua hình ảnh giáo viên miền núi rất gian nan, vất vả, khó khăn hơn ở miền xuôi rất nhiều, nhưng tại sao học trò ở miền núi rất yêu thương thầy cô, thầy cô giáo không bao giờ có chuyện bạo hành xảy ra cả. Bởi vì giáo viên miền núi thương học trò như con của mình, họ đối xử với học trò tình cảm như tình cảm với con của mình. Cho nên dù khó khăn vô cùng, họ vẫn nhường cơm sẻ áo cho học trò, cho các cháu cùng ăn, cùng ở, các cô soạn bài các cháu ngồi bên cạnh… Nhờ tình cảm với học trò, nên giáo viên thực sự “như mẹ hiền” với học trò.

Tôi thường hay nói, giáo viên cần thực hiện 5T: “Tâm huyết – Trách nhiệm - Tận tâm - Tận lực - Tận tụy”, người giáo viên của xứ Nghệ phải phấn đấu như vậy vì sự tiến bộ của học trò. Còn đối với cán bộ quản lý, cũng đòi hỏi phải mẫu mực, phải thực hiện 4T: “Tâm huyết – Trách nhiệm - Tầm nhìn – Tư duy sáng tạo”.

Giáo dục mà làm được 9T như thế thì quá tốt!

Xin trân trọng cảm ơn thầy!


 


 


 

Hàng năm, Sở GD&ĐT Nghệ An đều tổ chức chương trình Trao quà Tết cho giáo viên và học sinh 6 huyện miền núi khó khăn nhất Nghệ An là Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.
 

GS-TS- NGƯT Thái Văn Thành (ngoài) trong một chuyến thăm và mạn đàm với đồng chí Vi Hòe, Tỉnh ủy viên – Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, huyện miền núi khó khăn nhất tỉnh Nghệ An. 

 

Ngô Doanh (Thực hiện) - Ảnh: Ngô Gia

Nguồn: http://nhiepanhdoisong.vn/gs-ts-ngut-thai-van-thanh-giao-duc-hoc-sinh-phai-bang-tat-ca-tinh-cam-va-long-yeu-thuong-1-2-260959.html

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn