Sáng 16/6, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Tham dự và phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: “Sau nhiều năm đàm phán, trao đổi kỹ thuật, nhất là liên quan đến các vấn đề liên quan đến kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm chuối tươi giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam đã đạt được chứng nhận của thị trường này".
Trong những năm qua, nông sản của Việt Nam, đặc biệt là trái cây ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường nhờ vào chất lượng, giá cả cạnh tranh và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Rau quả nói chung và trái cây nói riêng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Quang cảnh buổi lễ.
“Nhân sự kiện quan trọng này, tôi cũng mong quý doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất,…để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật của các thị trường thế giới để sau buổi Lễ này, sản phẩm trái sầu riêng của chúng ta ngày càng vươn xa hơn ra thị trường quốc tế và nhiều sản phẩm trái cây của tỉnh mở rộng thị trường xuất khẩu các nước tiềm năng khác" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi nhấn mạnh.
Tại Đồng Nai, sầu riêng là loại cây ăn quả truyền thống và có ưu thế và chủ lực của tỉnh. Diện tích sầu riêng hiện nay với diện tích trên 11.345 ha, sản lượng gần 69 ngàn tấn. Các giống sầu riêng trồng chủ yếu là Ri6 (chiếm 45% diện tích), Dona (chiếm 50% diện tích) có chất lượng cao.
Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu của tỉnh Đồng Nai là phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, chuyển đổi số và tăng năng suất lao động. Phát triển hài hòa giữa kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, tập trung vào phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
Xuất phát từ mục tiêu trên, trong những năm qua, Đồng Nai đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để phát triển nền nông nghiệp tỉnh nhà, đặc biệt là tập trung xây dựng, phát triển và quản lý tốt các vùng trồng nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu; Hiện trên địa bàn tỉnh có 140 vùng trồng với diện tích gần là 27.000 ha (chuối, xoài, mít, thanh long, chôm chôm, chanh) xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc và Mỹ, EU, Úc và New Zealand.
Cũng tại buổi lễ, ông Từ Châu Phó Tổng Lãnh sự quán nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại TP.HCM cho biết sầu riêng là loại trái cây nhiệt đới mỹ vị và thơm ngon, bổ dưỡng. Mặc dù sầu riêng không thể trồng được tại Trung Quốc nhưng vẫn không cản trở được sự yêu thích của nhân dân Trung Quốc đối với loại trà bổ dưỡng này.
Nhân dân Trung Quốc còn có 1 câu dân gian là “một quả sầu riêng bằng ba con gà” vì vậy cung không đủ cầu. Cho nên chúng tôi rất quan tâm đến việc xuất khẩu trái cây nhất là trái sầu riêng. Hồi tháng 2 vừa qua tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ xuất khẩu lô chuối đầu tiên trong năm 2023. Điều này cho thấy trái cây của Việt Nam rất được chúng tôi ưa chuộng.
Lãnh đạo tỉnh thăm quan các gian hàng sầu riêng của các công ty tại buổi lễ.
Có thể nói, quả sầu riêng của Đồng Nai hiện đang có nhiều tiềm năng và lợi thế để xuất khẩu sau khi Trung Quốc và Việt Nam ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu. Theo đó, quả sầu riêng tươi của Việt Nam phải tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật.
Các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng kiểm dịch thực vật, nhất là ruồi đục quả Bactrocera correcta và các loài rệp sáp; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác.
Nhiều mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của tỉnh đã được đầu tư bài bản. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 140 vùng trồng đã được cấp mã số và 82 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc có 103 vùng trồng, gồm: 11 vùng trồng sầu riêng, diện tích 820 ha, 18 vùng trồng xoài với diện tích hơn 9 ngàn ha; có 22 vùng trồng chôm chôm, diện tích hơn 6,9 ngàn ha; 30 vùng trồng chuối, diện tích 5,6 ngàn ha; 13 vùng trồng mít với diện tích 2,2 ngàn ha và 9 vùng trồng thanh long, diện tích 728 ha.
Tại Đồng Nai thì sầu riêng là một trong 24 cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích trên 11.345 ha tỉnh Đồng Nai đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và đứng thứ tư cả nước về diện tích sau Đăk Lăk (22.458 ha), Lâm Đồng (17.719 ha), Tiền Giang (17.656 ha. Vùng trồng sầu riêng ở tỉnh Đồng Nai tập trung các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc và thành phố Long Khánh. Các giống sầu riêng trồng chủ yếu là Ri6 (chiếm 45% diện tích), DONA (chiếm 50% diện tích). Diện tích thu hoạch 6.574 và sản lượng năm 2023 khoảng 69 ngàn tấn
Tham gia lễ công bố xuất khẩu có 6 doanh nghiệp xuất nhập khẩu sầu riêng với số lượng 20 container với 360 tấn sầu riêng gồm giống Dona, Ri6 được thu hoạch từ 6 vùng trồng và 6 cơ sở đóng gói (Công ty TNHH XNK Trái cây Hòa Hạnh, Công ty TNHH XNK Thanh Trung, Công ty TNHH MTV Trái cây Thủy, Công ty Cổ phần tập đoàn XNK trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH XNK Tân Hoàng Linh, Công ty TNHH TMSX Thuận Hương) đã được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các Cửa khẩu Tân Thanh, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (vận chuyển bằng đường bộ; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại trái cây Chiết Giang, Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Quảng Tây, Công ty TNHH Mậu Dịch Quốc tế Vạn Thành Hỷ). Dự kiến trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh sẽ xuất khẩu 20.000 tấn sầu riêng từ 11 vùng trồng với tổng diện tích 820 ha.